Điểm tin kinh doanh 5/7: Vàng nhích giá nhờ đồng USD suy yếu
Kinh doanh - Ngày đăng : 06:00, 05/07/2023
- Vàng nhích giá nhờ đồng USD suy yếu
Mức tăng mạnh của giá vàng thế giới quy đổi sáng 4/7 chủ yếu do tỷ giá USD/VND tăng vọt...
Giá vàng thế giới tăng nhẹ khi tỷ giá đồng USD đi xuống sau một số liệu thống kê yếu hơn dự báo về kinh tế Mỹ. Giá vàng miếng trong nước sáng 4/7 duy trì ổn định ở vùng 67 triệu đồng/lượng.
Lúc hơn 11h trưa, Công ty Bảo Tín Minh Châu niêm yết giá vàng miếng SJC cho thị trường Hà Nội ở mức 66,5 triệu đồng/lượng (mua vào) và 66,98 triệu đồng/lượng (bán ra), tăng tương ứng 130.000 đồng/lượng và 50.000 đồng/lượng so với sáng hôm 3/7.
Nhẫn tròn trơn 999,9 hiệu Rồng Thăng Long có giá 55,48 triệu đồng/lượng và 56,33 triệu đồng/lượng, tương ứng giá mua vào và bán ra, giảm 160.000 đồng/lượng ở mỗi đầu giá so với sáng hôm 3/7.
Tại thị trường Tp.HCM, Công ty SJC báo giá vàng miếng cùng thương hiệu ở mức 66,45 triệu đồng/lượng và 67,05 triệu đồng/lượng, tương ứng tăng 100.000 đồng/lượng và đi ngang so với sáng hôm 3/7.
Cùng thời điểm trên, giá vàng giao ngay tại thị trường châu Á theo dữ liệu từ sàn giao dịch Kitco là 1.924,6 USD/oz, tăng 1,9 USD/oz so với đóng cửa phiên đêm qua tại Mỹ. Mức giá này tương đương khoảng 55,3 triệu đồng/lượng, tăng 400.000 đồng/lượng so với sáng hôm 3/7, nếu được quy đổi theo tỷ giá USD bán ra tại ngân hàng Vietcombank.
Mức tăng mạnh của giá vàng thế giới quy đổi sáng 4/7 chủ yếu do tỷ giá USD/VND tăng vọt. Vietcombank sáng nay báo giá USD ở mức 23.500 đồng (mua vào) và 23.840 đồng (bán ra), tăng 90 đồng so với sáng hôm 4/7.
So với giá vàng thế giới quy đổi, giá vàng miếng SJC bán lẻ đang cao hơn 11,7 triệu đồng/lượng, từ chỗ cao hơn 12-12,1 triệu đồng/lượng vào sáng hôm 3/7.
Phiên ngày thứ Hai tại New York, giá vàng giao ngay tăng 1,9 USD/oz, chốt ở 1.922,7 USD/oz.
Viện Quản lý nguồn cung Mỹ (ISM) công bố chỉ số nhà quản trị mua hàng (PMI) tháng 6 thấp hơn một chút so với kỳ vọng của giới phân tích. Chỉ số được đưa ra ở mức dưới 50 điểm, một tín hiệu cho thấy các hoạt động kinh tế đang suy yếu.
Số liệu này dấy lên hoài nghi về việc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) giữ lập trường chính sách tiền tệ cứng rắn. Nếu nền kinh tế Mỹ giảm tốc nhanh hoặc rơi vào suy thoái, Fed có thể sớm xoay trục - một động thái mà giá vàng sẽ hưởng lợi vì vàng là tài sản không mang lãi suất.
Ngoài ra, dữ liệu trên cũng khiến đồng USD xuống giá, tạo thêm lực hỗ trợ cho giá vàng - một tài sản định giá bằng bạc xanh. Chỉ số Dollar Index đã vượt mốc 103 điểm, từ mức 102,9 điểm chốt tuần trước.
- Nhà mạng dự kiến phát sóng diện rộng dịch vụ 5G trong quý 3/2023
Tập đoàn Công nghiệp – Viễn thông Quân đội (Viettel) trong thông tin hoạt động kinh doanh 6 tháng đầu năm 2023 gửi Bộ Thông tin và Truyền thông cho biết dự kiến phát sóng diện rộng cung cấp dịch vụ 5G trong quý 3/2023...
Báo cáo của Viettel cho biết 6 tháng đầu năm 2023, nhà mạng này hoàn thành các chỉ tiêu sản xuất kinh doanh. Theo đó, doanh thu đạt 81 nghìn tỷ đồng tương đương 101,2% kế hoạch 6 tháng, lợi nhuận đạt 24,1 nghìn tỷ, đạt xấp xỉ 102%, và nộp ngân sách là 21,6 nghìn tỷ, hoàn thành 101% kế hoạch 6 tháng.
Viettel thông tin thời gian qua đã tích cực chuyển dịch thuê bao 2G, 3G lên 4G, nâng tỷ lệ thuê bao 4G/tổng số thuê bao đạt gần 78%; thử nghiệm dịch vụ 5G tại 55 tỉnh/thành phố.
Đặc biệt đối với dự án 5G, tập đoàn này cho biết vẫn đảm bảo tiến độ đề ra. Cụ thể sản phẩm Macro gNodeB 8T8R đã hoàn thành sản xuất 282 trạm, triển khai lắp đặt 265/282 trạm (các trạm còn lại đang xử lý hạ tầng). Viettel hiện đang đo kiểm đánh giá chất lượng, dự kiến phát sóng diện rộng cung cấp dịch vụ 5G trong quý 3/2023.
Viettel cũng cho biết sẽ tiếp tục thử nghiệm 5G tại 63 tỉnh/thành phố khi có giấy phép. Với sản phẩm Macro gNodeB 8T8R (trạm phát sóng 5G) thì Viettel sẽ phát sóng cung cấp dịch vụ 5G tại 4 tỉnh: Hà Nội, Hà Nam, Đà Nẵng, Ninh Thuận theo nhu cầu mạng lưới.
Đối với hai nhà mạng lớn còn lại là VNPT và MobiFone, trong báo cáo hoạt động kinh doanh 6 tháng qua, đối với VNPT, doanh thu hợp nhất của Tập đoàn ước đạt 26.323 tỷ đồng, trong đó doanh thu công ty mẹ đạt 18.600 tỷ đồng bằng 47,1% kế hoạch năm, bằng 100,1% so với cùng kỳ.
Lợi nhuận hợp nhất trước thuế của VNPT 6 tháng đầu năm 2023 ước đạt 2.196 tỷ đồng, trong đó lợi nhuận trước thuế công ty mẹ đạt 1.386 tỷ đồng bằng 49,7% kế hoạch năm, bằng 101,0% so với cùng kỳ.
Đối với MobiFone, doanh thu công ty mẹ 6 tháng đầu năm 2023 ước đạt 13.482 tỷ đồng, đạt 89,3% cùng kỳ năm 2022, lợi nhuận trước thuế đạt 1.566 tỷ đồng, đạt 69,5%, và nộp ngân sách nhà nước ước đạt 1.347 tỷ đồng.
Tuy nhiên, cả VNPT và MobiFone trong báo cáo hoạt động kinh doanh 6 tháng đầu năm cũng như kế hoạch 6 tháng cuối năm 2023 của mình đều không đề cập đến hoạt động phát triển 5G.
- DKSH vào Top 50 doanh nghiệp phát triển bền vững tại Việt Nam
DSKH đã vào vào Top 50 Doanh nghiệp Phát triển Bền vững Tiêu biểu 2023 do Tạp chí Nhịp Cầu Đầu Tư tổ chức.
Là nhà cung cấp dịch vụ phát triển thị trường gần 160 năm và hiện đang có mặt trên 37 thị trường, bền vững là một trọng tâm trong chiến lược hoạt động của DKSH. Bên cạnh đó, DKSH còn được vận hành bởi chiến lược phát triển bền vững với bốn mục tiêu chính: tạo điều kiện cho con người phát triển, gia tăng tính bền vững của chuỗi giá trị, phát thải ròng bằng không vào năm 2030, tạo tác động tích cực đến địa phương. Trong Báo cáo Phát triển Bền vững 2022, các mục tiêu trên đều đạt tiến độ tốt.
DKSH tiếp tục thúc đẩy chiến lược giảm thiểu carbon, bao gồm việc sở hữu Chứng chỉ Năng lượng tái tạo Quốc tế (International Renewable Energy Certificates- I-RECs) như một tuyên bố uy tín cho 100% năng lượng tái tạo được sử dụng. DKSH cũng đang triển khai thay thế toàn bộ bóng đèn halogen bằng bóng đèn LED tại tất cả các khu vực trung tâm phân phối và trạm trung chuyển tại Việt Nam vào năm 2023. Công ty ưu tiên sử dụng các vật liệu phân huỷ sinh học và dễ phân huỷ trong quy trình đóng gói.
Vừa qua, DKSH Việt Nam đã triển khai thay túi khí nhựa bằng thùng carton tái chế cắt nhỏ giúp chống va đập trong quy trình đóng gói. Qua đó, công ty giảm thiểu việc sử dụng nhựa không cần thiết, đồng thời tận dụng được phế liệu từ thùng carton, nhưng vẫn đảm bảo đáp ứng yêu cầu về bảo quản hàng hoá trong vận chuyển. Bên cạnh đó, DKSH cũng nỗ lực giảm thiểu tối đa lượng khí thải carbon trong hoạt động vận chuyển của công ty.
- Trung Quốc hạn sẽ chế xuất khẩu nguyên liệu sản xuất chất bán dẫn
Trung Quốc vừa tuyên bố sẽ áp dụng các biện pháp kiểm soát xuất khẩu đối với hai kim loại quan trọng cần thiết cho sản xuất chất bán dẫn là gali và germani, trong bối cảnh Mỹ đang kêu gọi một loạt quốc gia đồng minh hạn chế xuất khẩu chip sang thị trường Trung Quốc.
Theo hướng dẫn của Bộ Thương mại và Hải quan Trung Quốc, bắt đầu từ ngày 1.8 việc xuất khẩu gali và germani sẽ bắt buộc phải có giấy phép đi kèm, trong đó mục đích xuất khẩu và đơn vị cuối cùng tiếp nhận lô hàng xuất khẩu phải được khai báo rõ ràng. Văn bản cho biết thêm "bảo vệ an ninh và lợi ích quốc gia" là lý do chính dẫn đến việc ban hành các biện pháp này.
Trung Quốc vốn là nhà sản xuất chính hai loại kim loại trên. Theo báo cáo năm 2020 của Ủy ban châu Âu, lượng gali và germani do Trung Quốc sản xuất đều chiếm 80% sản lượng toàn cầu. Gali được sử dụng trong các mạch tích hợp, đèn LED và tấm quang điện cho các tấm pin Mặt Trời, trong khi germani là chất thiết yếu để sản xuất sợi quang học và ống kính máy ảnh hồng ngoại.
Quyết định của Trung Quốc được đưa ra sau khi Hà Lan công bố các biện pháp kiểm soát xuất khẩu mới đối với thiết bị sản xuất chip vào cuối tuần trước. Trước đó, Mỹ tung các động thái nhằm hạn chế khả năng sản xuất chip của Trung Quốc và kêu gọi các đồng minh cũng có biện pháp tương tự. Các công ty ở Hà Lan, bao gồm ASML - một trong những nhà sản xuất thiết bị bán dẫn quan trọng nhất thế giới - sẽ cần xin giấy phép xuất khẩu một số thiết bị sản xuất chất bán dẫn tiên tiến ra nước ngoài.
- Thị trường vận tải biển vẫn kém sắc, "ông lớn" hàng hải sụt giảm doanh thu đáng kể
Theo các công ty nghiên cứu thị trường hàng đầu, tốc độ tăng trưởng của thị trường tàu hàng khô trong năm 2023 sẽ đạt mức 1,5 - 2,5%. Tuy nhiên, trong nửa cuối năm 2023, số lượng tàu hàng khô đóng mới được giao ở mức cao, cũng vẫn tác động mạnh lên nguồn cung tàu và giá giao ngay sẽ khó có thể tăng trưởng lên mức cao như hồi 2022.
Thị trường tàu container trong nửa cuối năm 2023 được dự báo sẽ diễn biến chậm do số lượng tàu đóng mới được giao ở mức cao (120 chiếc), trong bối cảnh nhu cầu vận chuyển hàng hoá thấp như hiện nay sẽ xảy ra tình trạng dư thừa nguồn cung. Các hãng tàu được cho là sẽ tiếp tục giảm giá cước vận chuyển như trong nửa đầu năm để đảm bảo hoạt động của đội tàu.
Đối với hoạt động kinh doanh khai thác cảng biển, tin từ Cục Hàng hải Việt Nam, trong bối cảnh nền kinh tế vẫn tiếp tục khó khăn, ước tính trong 6 tháng đầu năm, tổng khối lượng hàng hóa thông qua cảng biển vẫn sẽ tiếp tục giảm khoảng 3%, đạt khoảng 359,467 triệu tấn.
Trước đó, khối lượng hàng hóa qua cảng biển trong 5 tháng đầu năm đạt 296,102 triệu tấn (không bao gồm hàng quá cảnh không xếp dỡ tại cảng), giảm 3% so với cùng kỳ năm 2022. Các khu vực cảng biển có khối lượng thông qua cao nhất trong cả nước đều giảm sút. Cụ thể, khu vực Vũng Tàu giảm 13%, Hải Phòng giảm 3%, TP. HCM giảm 3%.
So sánh với cùng kỳ, doanh thu hợp nhất toàn Tổng công ty Hàng hải Việt Nam (VIMC) sụt giảm trên 21% (tương ứng sụt giảm 2.379,5 tỷ đồng); trong đó, công ty mẹ giảm 25%, tương ứng giảm gần 300 tỷ đồng, khiến cho lợi nhuận 6 tháng đầu năm của VIMC cũng sụt giảm mạnh.
- Giá tiêu hôm 4/7: Mất mốc 70.000 đồng/kg, mục tiêu xuất khẩu tỷ USD khó đạt được trong năm nay
Giá tiêu hôm 4/7 tại thị trường trong nước điều chỉnh giảm 500 đồng/kg tại khu vực Đông Nam bộ, xuống dưới 70.000 đồng/kg. Dự báo mục tiêu xuất khẩu 1 tỷ USD của ngành tiêu năm nay khó đạt được.
Theo khảo sát, giá tiêu hôm 4/7 giữ ổn định tại các địa phương Tây Nguyên nhưng giảm 500 đồng/kg ở vùng Đông Nam Bộ so với hôm qua.
Tại khu vực Tây Nguyên, giá tiêu dao động ở mức 66.500 – 67.500 đồng/kg. Cụ thể, tại tỉnh Đắk Lắk và tỉnh Đắk Nông, giá tiêu được thu mua với mức 67.500 đồng/kg và tại tỉnh Gia Lai ở mức 66.500 đồng/kg.
Trong khi đó, tại khu vực Đông Nam Bộ, giá tiêu dao động quanh mốc 68.000 – 69.500 đồng/kg. Đáng chú ý, giá tiêu tại tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu chính thức mất mốc 70.000 đồng/kg. Tại tỉnh Đồng Nai và tỉnh Bình Phước, giá tiêu lần lượt ở mức 68.000 đồng/kg và 68.500 đồng/kg.
Theo các doanh nghiệp xuất khẩu tiêu, thị trường trong nửa đầu quý 3/2023 chưa có gì sáng sủa. Lực mua yếu từ châu Âu và Hoa Kỳ duy trì trong khoảng thời gian dài, cùng với đó sức mua từ Trung Quốc suy giảm có thể tiếp tục gây áp lực lên giá tiêu trong nước. Cùng kỳ năm ngoái, giá tiêu nội địa trong khoảng 69.000 - 72.000 đồng/kg, cao hơn hiện tại 3.000 đồng/kg.
Như vậy mục tiêu giành lại vị thế ngành hàng tỷ USD trong năm nay của hồ tiêu đối mặt nhiều khó khăn trong nửa cuối năm nay. Theo thống kê sơ bộ, 6 tháng đầu năm 2023, Việt Nam xuất khẩu 156.000 tấn hồ tiêu các loại, trị giá 498 triệu USD, tăng gần 27% về lượng, nhưng giảm 11% về kim ngạch so với cùng kỳ năm 2022.