Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu 5 bài học về ngoại giao kinh tế
Tin đối ngoại - Ngày đăng : 07:04, 04/07/2023
Phát biểu tại Hội nghị đẩy mạnh triển khai công tác ngoại giao kinh tế phục vụ phát triển kinh tế - xã hội đất nước 6 tháng cuối năm chiều 3/7, Thủ tướng Phạm Minh Chính đề nghị Bộ Ngoại giao nghiên cứu, tiếp thu các ý kiến, đề xuất để đẩy mạnh triển khai công tác ngoại giao kinh tế.
Theo đó, người đứng đầu Chính phủ chỉ ra 5 bài học kinh nghiệm nhằm phát huy công tác ngoại giao nói chung và ngoại giao kinh tế nói riêng.
Phát huy tinh thần chủ động, tích cực, kịp thời; đặt lợi ích quốc gia, dân tộc lên trên hết, trước hết và "dĩ bất biến, ứng vạn biến"; nắm chắc tình hình để tham mưu, đề xuất, phát huy tối đa tiềm năng khác biệt, cơ hội nổi trội, lợi thế cạnh tranh; làm việc với tinh thần, trách nhiệm cao, phối hợp hiệu quả, tránh đùn đẩy trách nhiệm; phát huy và khai thác lợi thế trong quan hệ với mỗi nước... là 5 bài học được Thủ tướng Phạm Minh Chính đề cập.
Người đứng đầu Chính phủ cũng nhắc đến "6 cơn gió ngược" về lạm phát, xung đột, dịch bệnh, thiên tai... mà kinh tế toàn cầu đang đối mặt. Theo ông, điều này ảnh hưởng lớn tới mọi mặt của đời sống kinh tế - xã hội trong và ngoài nước.
Thủ tướng cho rằng nền kinh tế trong nước có độ mở lớn nhưng quy mô còn khiêm tốn, năng lực cạnh tranh và sức chống chịu trước các cú sốc từ bên ngoài còn hạn chế.
Cùng với đó, kinh tế trong nước chịu ảnh hưởng nặng nề bởi bối cảnh kinh tế thế giới, khu vực, đặc biệt là các thị trường lớn, truyền thống của Việt Nam đều bị thu hẹp, nhiều thị trường giảm tới 50% nhập khẩu từ Việt Nam...
Trong bối cảnh này, lãnh đạo Chính phủ nhấn mạnh tinh thần không khuất phục, không bó tay trước khó khăn, thách thức để triển khai công tác ngoại giao nói chung và ngoại giao kinh tế nói riêng.
Về trọng tâm công tác ngoại giao kinh tế từ nay tới cuối năm, Thủ tướng nhấn mạnh một số định hướng lớn.
Trong đó, cần tiếp tục quán triệt và bám sát các chủ trương của Đảng, chính sách của Nhà nước về ngoại giao kinh tế; tranh thủ, phát huy cao nhất thế và lực của đất nước; chủ động, tích cực hơn trong kiến tạo cục diện có lợi cho môi trường hòa bình, an ninh, phát triển của đất nước.
Thủ tướng cũng yêu cầu phát huy tinh thần "ngoại giao cây tre", tranh thủ hiệu quả các cơ hội hợp tác nhưng đồng thời bảo đảm, củng cố thế cân bằng chiến lược, phát triển hài hòa quan hệ với các đối tác lớn, các đối tác quan trọng.
Một định hướng lớn khác là ưu tiên thúc đẩy các động lực tăng trưởng mới về chuyển đổi số, phát triển xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế chia sẻ, đổi mới sáng tạo…; đa dạng hóa thị trường, sản phẩm, chuỗi cung ứng.
Về nhiệm vụ cụ thể, Thủ tướng lưu ý việc tổ chức tốt các chương trình đối ngoại của lãnh đạo cấp cao và hoạt động đối ngoại các cấp, đưa nội dung kinh tế trở thành trọng tâm của hoạt động đối ngoại.
Các đơn vị nghiên cứu, thúc đẩy hình thành khuôn khổ, cơ chế hợp tác trong lĩnh vực mà Việt Nam có lợi ích chiến lược trong giai đoạn hiện nay, như đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng chiến lược; chất bán dẫn, hydrogen, năng lượng tái tạo, công nghệ sinh học, nông nghiệp, đào tạo nhân lực chất lượng cao; hợp tác ứng phó với biến đổi khí hậu...
Thủ tướng cũng chỉ đạo nhiều biện pháp, giải pháp cụ thể để tranh thủ mọi cơ hội, thúc đẩy động lực tăng trưởng kinh tế, nhất là về đầu tư và xuất khẩu.
Ông đồng thời lưu ý việc thúc đẩy du lịch với các chính sách visa, xuất nhập cảnh vừa được sửa đổi, tận dụng tối đa thời cơ du lịch quốc tế đang phục hồi mạnh mẽ; thúc đẩy xuất khẩu lao động trong bối cảnh nhiều nước đang thiếu hụt lực lượng lao động sau dịch Covid-19.