Người dân bị thu hồi đất xây trụ sở Bộ Công an được tái định cư bằng đất ở Đông Anh
Xã hội - Ngày đăng : 22:00, 03/07/2023
Sáng 3/7, Hội đồng Bồi thường hỗ trợ tái định cư (BTHTTĐC) quận Hoàn Kiếm cùng UBND phường Cửa Nam tổ chức họp để thông báo về Kế hoạch tiến độ thu hồi đất GPMB, các chính sách BTHTTĐC với các hộ gia đình, cá nhân có đất và tài sản thuộc phạm vi thu hồi đất để thực hiện Dự án Trụ sở Bộ Công an số 44 Yết Kiêu, thành phố Hà Nội. Đại diện 56/60 hộ dân có đất bị thu hồi tham dự họp.
Các hộ dân bị thu hồi đất đã nghe công bố chủ trương đầu tư, dự án đầu tư đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt và quyết định thành lập Hội đồng BTHTTĐC và Tổ công tác; Công bố Thông báo thu hồi đất và Kế hoạch thu hồi đất, điều tra, khảo sát, đo đạc, kiểm đếm; Công bố chính sách bồi thường, hỗ trợ và tái định cư…
Tại hội nghị ý kiến các tổ chức hộ gia đình, cá nhân nằm trong mốc giới thu hồi đất, ủng hộ chủ trương thực hiện dự án vì đây là dự án mục đích quốc phòng an ninh quốc gia. Bên cạnh đó, các hộ dân cũng bày tỏ băn khoăn về mức giá đền bù, vị trí đất, vị trí đất tại nơi tái định cư. Đề nghị có mức giá đền bù thoả đáng để người dân đảm bảo cuộc sống tại nơi ở mới…
Ghi nhận, trao đổi giải đáp các ý kiến thắc mắc của người dân, đại diện Ban quản lý dự án ĐTXD quận Hoàn Kiếm cho biết, Dự án Trụ sở Bộ Công an được Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 35/QĐ-TTg ngày 09/5/2023 phê duyệt chủ trương đầu tư dự án Trụ sở Bộ Công an số 44 Yết Kiêu, thành phố Hà Nội.
Bộ Công an đã ban hành Quyết định số 4180/QĐ-BCA-H02 ngày 15/6/2023 phê duyệt dự án đầu tư xây dựng công trình: Trụ sở Bộ Công an số 44 Yết Kiêu, thành phố Hà Nội.
Thực hiện các quyết định trên, UBND Thành phố Hà Nội giao UBND các quận Hoàn Kiếm, Hai Bà Trưng thực hiện công tác bồi thường, hỗ trợ và tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất để thực hiện Dự án. Có trách nhiệm thông báo thu hồi đất, tái định cư, giải phóng mặt bằng theo đúng quy định hiện hành của Nhà nước và Thành phố.
Trụ sở Bộ Công an số 44 Yết Kiêu, thành phố Hà Nội được Liên Xô viện trợ, đầu tư xây dựng từ năm 1976. Đến nay mặc dù đã được đầu tư cải tạo, sửa chữa nhiều lần nhưng đã xuống cấp nghiêm trọng, không đáp ứng yêu cầu công tác, chiến đấu.
Trụ sở số 47 Phạm Văn Đồng được đưa vào sử dụng vào năm 2010 nhưng phần lớn diện tích tại đây phải chuyển đổi công năng sử dụng để phục vụ xây dựng Trung tâm dữ liệu quốc gia về dân cư nên không thể di chuyển trụ sở làm việc tại số 44 Yết Kiêu và 92 Nguyễn Du ra 47 Phạm Văn Đồng.
Theo Đề án 06 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, ngoài Trung tâm Nghiên cứu, ứng dụng dữ liệu dân cư và căn cước công dân, Bộ Công an phải triển khai xây dựng Trung tâm tích hợp dữ liệu, theo đó trụ sở số 47 Phạm Văn Đồng tiếp tục phải mở rộng khoảng 5,37 ha, phục vụ triển khai thực hiện Đề án 06.
Việc hiện đại hóa, đầu tư xây dựng, mở rộng Trụ sở Bộ Công an số 44 Yết Kiêu, thành phố Hà Nội giữ vai trò là trung tâm chỉ huy, chỉ đạo, điều hành toàn diện, mọi mặt công tác Công an, là biểu tượng sức mạnh chiến đấu của lực lượng Công an nhân dân, có ý nghĩa hết sức quan trọng trong công cuộc bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội, đồng thời mang yếu tố truyền thống suốt quá trình lịch sử 75 năm xây dựng, chiến đấu và trưởng thành của lực lượng Công an nhân dân.
Hiện nay, trụ sở này xuống cấp nghiêm trọng, không đáp ứng yêu cầu công tác, chiến đấu. Công trình nằm xen kẹt với khu đông dân cư, tường rào trụ sở liền kề với nhà dân, từ bên ngoài có thể quan sát được các hoạt động diễn ra bên trong trụ sở (các hạng mục công trình có chiều cao dưới 5 tầng trong khi các công trình mặt đường Lê Duẩn và Nguyễn Du trung bình cao 5 - 6 tầng, cá biệt có công trình cao đến 9 tầng), cùng với sự phát triển của cuộc cách mạng công nghệ 4.0 thì nguy cơ lộ lọt bí mật nhà nước, lộ lọt thông tin triển khai các biện pháp nghiệp vụ của lực lượng Công an bên trong trụ sở là rất cao nếu không nằm độc lập, tách biệt với khu dân cư, ảnh hưởng đến nhiệm vụ bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội.
Mặc dù quy mô diện tích đất thực hiện dự án chưa đáp ứng yêu cầu theo tiêu chuẩn - định mức quy định đối với công trình trụ sở cơ quan Công an cấp Bộ nhưng do yêu cầu công tác, đặc biệt là vấn đề đảm bảo cự ly cơ động chiến đấu và chỉ huy tác chiến bảo vệ khu vực trung tâm chính trị quốc gia Ba Đình khi có tình huống đột xuất, bất ngờ xảy ra, cùng với sự hạn chế về điều kiện đất đai và yêu cầu cảnh quan, kiến trúc khu vực nội đô lịch sử, Bộ Công an đã phải nghiên cứu, tính toán quy mô công trình tại khu vực 44 Yết Kiêu thực sự hợp lý, phát huy hiệu quả sử dụng đất, theo đó diện tích đất (sau khi mở rộng) để thực hiện dự án khoảng 2 ha, diện tích đất thu hồi của các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân khoảng 0,6 ha.
Người dân được tái định cư bằng đất
Trụ sở Bộ Công an số 44 Yết Kiêu, thành phố Hà Nội là công trình trọng điểm của Bộ Công an, UBND thành phố Hà Nội đã thống nhất và dự kiến báo cáo HĐND thành phố tại kỳ họp tháng 7/2023 đưa vào danh mục công trình trọng điểm của thành phố Hà Nội.
Theo ông Nguyễn Anh Quân, Phó Chủ tịch thường trực UBND quận Hoàn Kiếm, UBND thành phố Hà Nội đã thống nhất chủ trương tái định cư bằng đất ở tại Mai Lâm, Đông Anh cho các hộ gia đình, cá nhân có nhà, đất bị thu hồi, đủ điều kiện được bồi thường, bố trí tái định cư.
“Đây là một chính sách có tính chất đặc thù đối với dự án xây dựng công trình an ninh, khác với việc chỉ tái định cư bằng căn hộ đối với các trường hợp thu hồi đất để thực hiện các dự án phát triển kinh tế xã hội, vì lợi ích quốc gia, công cộng trên địa bàn các quận nội thành” - ông Quân nói.
Ngoài ra, Thành phố Hà Nội thống nhất việc bố trí tạm cư cho các hộ gia đình, cá nhân nhận phương án tái định cư bằng đất ở (tạm cư bằng nhà ở hoặc bằng tiền để tự lo chỗ ở tạm cư), giao UBND các quận tổ chức rà soát, sớm đề xuất các chính sách đặc thù khác liên quan đến bồi thường, hỗ trợ, tái định cư để đảm bảo quyền lợi cho các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân có đất bị thu hồi. Các hộ gia đình, cá nhân cũng sẽ được nâng mức thưởng tiến độ bàn giao mặt bằng lên đến 30 triệu đồng đối với dự án trọng điểm.
Khu đất tái định cư tại Mai Lâm, Đông Anh có diện tích 32.695 m2, trong đó có 10.053 m2 quy hoạch đất ở, còn lại là quy hoạch đường giao thông, bãi đỗ xe, cây xanh. Khu đất đã được đầu tư xây dựng hoàn chỉnh hạ tầng kỹ thuật (đường giao thông, vỉa hè, cấp điện, chiếu sáng, cấp thoát nước ngoài nhà...) với mục đích đầu tư xây dựng ban đầu là để đấu giá quyền sử dụng đất, UBND thành phố Hà Nội giao UBND huyện Đông Anh thực hiện các thủ tục đầu tư, quy hoạch, đất đai theo quy định để chuyển đổi sang phục vụ tái định cư mở rộng Trụ sở Bộ Công an số 44 Yết Kiêu, thành phố Hà Nội.
Khu đất có vị trí thuận lợi, nằm ở cửa ngõ phía Bắc của Thủ đô, trong vùng quy hoạch phát triển công nghiệp, đô thị, dịch vụ và du lịch, khu đất cách khu vực giải phóng mặt bằng khoảng 15 km, cách trung tâm thành phố Hà Nội khoảng 13 km, cách Tuyến đường quy hoạch từ đê tả Đuống đến đường quy hoạch lên cầu Tứ Liên chỉ khoảng 1 km.
Kết luận cuộc họp ông Nguyễn Anh Quân nhấn mạnh dự án công trình Trụ sở Bộ Công an số 44 Yết Kiêu là dự án đầu tư công 100% vốn ngân sách nhà nước, việc thu hồi đất là vì mục đích quốc phòng, an ninh và vì lợi ích quốc gia, lợi ích cộng đồng. Do đó, dự án không mang tính hiệp thương hay thoả thuận.
Ông Quân đề nghị ngay sau cuộc họp này các đơn vị chức năng công khai, niêm yết các chủ trương chính sách, quy định của Nhà nước về thu hồi đất, GPMB thực hiện dự án trong 30 ngày để các hộ gia đình, cá nhân nắm bắt rõ quy định pháp luật. Tổ công tác gửi Thông báo tới hộ dân để triển khai khảo sát, đo đạc, kiểm đếm khách quan và ghi nhận đầy đủ các ý kiến của người dân.
"Hiện nay, qua rà soát nhiều trường hợp sử dụng nhà , đất hiện đã chết, đề nghị các hộ dân thuộc trường hợp này làm thủ tục khai nhận di sản thừa kế để làm cơ sở thực hiện công tác GPMB theo quy định" - ông Quân nói.