Công an TPHCM đưa ra cảnh báo nguy hiểm chập điện trong mùa mưa
Nhịp sống - Ngày đăng : 22:00, 03/07/2023
Thời gian gần đây, TPHCM liên tục xảy ra sự cố chập điện trong lúc trời mưa khiến người dân không may bị điện giật tử vong.
Trưa 2/7, trong lúc trời mưa, ông P.Q.H. (60 tuổi) leo lên mái căn nhà cấp 4 trên đường Nguyễn Súy (quận Tân Phú, TPHCM) quét rác. Đến gần trưa người thân gọi nhưng không thấy ông H. trả lời.
Sau khi tìm kiếm, người nhà phát hiện ông H. nằm bất động trên mái nhà, có dấu hiệu bị điện giật.
Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy và Cứu nạn cứu hộ (PCCC và CNCH) Công an quận Tân Phú cùng nhân viên y tế nhanh chóng có mặt tại hiện trường để cứu chữa nhưng nạn nhân không qua khỏi.
Theo nhân chứng, nạn nhân là chủ căn nhà nói trên. Thời điểm xảy ra sự cố trời đổ mưa lớn, cạnh mái tôn căn nhà này có một trụ điện.
Trước đó, sáng 1/7, một người đàn ông leo lên mái tòa nhà trên đường Đinh Tiên Hoàng (phường Bến Nghé, quận 1) bị điện giật tử vong. Nơi nạn nhân tử vong có dấu hiệu đọng nước.
Chiều cùng ngày, một người đàn ông khác leo lên sân thượng căn nhà trên đường Nguyễn Văn Khối (phường 8, quận Gò Vấp) sửa chữa điện cũng không may bị điện giật tử vong.
Nhằm phòng chống tai nạn điện giật trong mùa mưa, đảm bảo an toàn, tính mạng cho người dân, Phòng Cảnh sát PCCC và CNCH Công an TPHCM (PC07) đã đưa ra cảnh báo, lời khuyên trong trường hợp xảy ra sự cố.
Theo hướng dẫn từ PC07, khi xảy ra chập điện cháy nhà, người dân phải thật bình tĩnh báo động cho mọi người xung quanh. Sau đó, người dân cần cắt nguồn cung cấp điện như cầu dao, công tắc...
Nếu việc tiếp cận nguồn điện quá khó, người thực hiện cần dùng kìm cách điện, câu liềm có cán bằng vật liệu cách điện để cắt đứt dây dẫn điện từ nguồn cung cấp điện cho nơi bị cháy; tuyệt đối không dùng nước để dập tắt những đám cháy do chập điện.
Sau khi cắt nguồn điện, người dân có thể dùng bình chữa cháy để dập tắt đám cháy đồng thời gọi điện cho lực lượng chữa cháy chuyên nghiệp theo số 114.
Trong trường hợp có người bị bỏng vì điện, người thực hiện sơ cứu cần phải ngâm vết bỏng của nạn nhân trong nước lạnh rồi sau đó đắp bằng vải sạch và khô. Với vết bỏng lớn phải dùng vải khô và vô trùng phủ lên vết bỏng rồi đưa đi cấp cứu ngay lập tức.
Để tránh cho nạn nhân có thể bị sốc do bỏng điện, người sơ cứu cần đặt nạn nhân nằm dài ra đất, chân kê cao. Đồng thời, mọi người không được gỡ những mẩu áo quần bị cháy khỏi làn da đang bị bỏng. Bỏng điện sẽ gây ra các tổn thương cho da, cơ và xương của nạn nhân.