Vui - buồn kỳ thi vào lớp 10
Giáo dục - Đời sống trẻ - Ngày đăng : 16:27, 03/07/2023
Buồn - các em có thể khóc trong vòng tay mẹ, hay nắm lấy bàn tay cha để vượt qua nỗi buồn, tìm con đường phù hợp để rồi ngày mai trời lại sáng
Trong những ngày này ở Hà Nội có những gia đình hân hoan, cha mẹ con cái dắt nhau đi nhà hàng liên hoan tưng bừng, vì con thi đỗ điểm cao vào trường THPT danh tiếng, thậm chí đỗ cả mấy trường chuyên. Nhưng cũng có những gia đình bữa cơm không ai muốn đụng đũa, không khí buồn lo, bực bội vì kết quả thi của con không được như mong đợi.
Ngày Hà Nội công bố điểm chuẩn vào các trường THPT vừa đáng nhớ, vừa khó quên bởi bên cạnh những nụ cười rạng rỡ là những giọt nước mắt buồn rầu, tiếc nuối. Vẫn biết thi cử ắt có người đỗ, kẻ trượt. Nhưng tỷ lệ 57% thí sinh được vào trường công còn lại 43% sẽ phải vào các trường dân lập khiến cho dân tình không khỏi bức xúc.
Ở giữa Thủ đô nghìn năm văn hiến, trung tâm văn hoá chính trị của cả nước mà năm nào cũng diễn ra cảnh cạnh tranh suất học cấp ba khốc liệt liệu có nên chăng? Đành rằng học kém thì điểm thấp và phải chấp nhận chào thua nhưng sao vẫn thấy rưng rưng khi chứng kiến cảnh những đứa trẻ thua cuộc trong cuộc cạnh tranh vào trường công dù điểm thi của các em cũng không đến nỗi nào. Cánh cửa trường công đóng bắt buộc các em phải đến với trường tư?
Tuy không phải là tất cả, bởi nhiều gia đình ngay từ đầu đã có sự lựa chọn cho con một môi trường học tập phù hợp, với điều kiện kinh tế cũng như định hướng tương lai của con mình. Vì vậy, dù thừa điểm vào trường công họ vẫn chọn trường tư hay mô hình giáo dục khác phù hợp. Nhưng có điều, những đứa trẻ “trượt nguyện vọng 1” tâm lý còn non trẻ chưa vững vàng sẽ rất buồn và rất cần sự an ủi của người thân, nhất là cha mẹ. Hãy cùng con vượt qua nỗi buồn này và cùng con đứng dậy, hãy coi đây là một cơ hội để dạy con cách đối mặt với thất bại và tìm ra những giải pháp phù hợp để chinh phục những chặng đường tiếp theo.
Cũng những ngày này năm ngoái, bạn tôi có con gái thi trượt cấp ba. Sau cú sốc khi nhận kết quả thi, cả nhà lên kế hoạch tìm cho con một trường dân lập phù hợp. Thật bất ngờ sau một học kỳ, cô bé có kết quả học tập bứt phá một cách không ngờ. Ngay cả đối với môn toán- môn trước đây em chưa từng được điểm 7 nay lại trở thành môn em học khá nhất lớp. Không những thế, sự chăm chỉ, cần cù của em đã khiến chính mẹ em phải ngỡ ngàng. Vượt qua nỗi buồn “ hỏng thi” cô bé đã và đang nỗ lực học tập để khẳng định mình, đó chính là thành công của cá nhân em và của những người đã cùng em vượt qua nỗi buồn thi cử.
Trở lại với câu chuyện kết quả thi THPT ở Thủ đô, trở lại với nỗi buồn của những thí sinh thi trượt mà trong đó có những em ngày thường có lực học tốt, nhưng khi vào phòng thi do nguyên nhân chủ quan, khách quan nào đó bị mất tinh thần khiến cho kết quả bài thi không đạt điểm như kỳ vọng hãy đừng bi quan vì đây mới chỉ là sự thất bại đầu tiên trong đời, các em còn có rất nhiều con đường để đi tới. Cha mẹ, gia đình, thầy cô, bạn bè luôn là chỗ dựa tinh thần, là những người đồng hành với các em tìm ra những hướng đi phù hợp, giúp các em toả sáng. Các em có thể khóc trong vòng tay mẹ, hay nắm lấy bàn tay cha để "buồn ơi chào mi!".