Điểm tin kinh doanh 2/7: Giá vàng tháng 6/2023: Thế giới giảm 1.2 triệu, trong nước giảm 50.000 đồng/lượng

Kinh doanh - Ngày đăng : 06:00, 02/07/2023

Khối ngoại bán ròng 380 tỉ đồng trong tháng 6/2023; Việt Nam có nhiều tiềm năng với năng lượng tái tạo
4833_gold-bars-0900.jpg

- Giá vàng tháng 6/2023: Thế giới giảm 1.2 triệu, trong nước giảm 50.000 đồng/lượng

Tính trong tháng vừa qua, vàng thế giới giảm khoảng 40 USD/ounce (tương đương 1,2 triệu đồng/lượng), nhưng vàng trong nước vẫn níu giữ ngưỡng 67 triệu đồng/lượng, và chỉ giảm nhẹ khoảng 50.000 - 150.000 đồng ở chiều bán ra - mua vào.

Ngày cuối tuần 1/7, mở đầu tháng mới, giá vàng miếng thương hiệu quốc gia SJC của Công ty Vàng bạc Đá quý Sài Gòn (SJC) niêm yết mua vào - bán ra trong khoảng 66,35 - 67,05 triệu đồng/lượng, giảm 150.000 đồng/lượng chiều mua vào và giảm 50.000 đồng/lượng ở chiều bán ra so với cuối tuần trước.

Hiện nay chênh lệch giá mua- bán nhích thêm 100.000 đồng so với tuần trước, giữ mức 700.000 đồng/lượng.

Giá vàng thế giới hôm 1/7 cũng đóng cửa phiên giao dịch cuối tuần dưới ngưỡng 2.000 USD/ounce, với mức 1.920,3 USD/ounce, gần như không chênh lệch (giảm chỉ 0.7 USD/ounce) so với giá cuối tuần trước.

Giá vàng trang sức, giá vàng nhẫn 24K các loại ngày 1/7 mua bán quanh mức 55,25- 56,25 triệu đồng/lượng, giảm thêm 100.000 đồng mỗi lượng so với mức giá cuối tuần trước. Chênh lệch mua- bán vàng trang sức tuần này hiện ở mức 1 triệu đồng/lượng, nhích tăng thêm 50.000 đồng so với 2 tuần trước.

Trong các tuần qua, giá vàng thế giới liên tục biến động sau khi lùi sâu dưới ngưỡng 2.000 USD/ounce. Nhưng giá vàng miếng SJC trong nước không đi cùng chiều vàng thế giới.

Điều này dẫn đến khoảng cách giữa giá vàng thế giới và trong nước cũng tăng không ngừng. Hiện quy đổi theo tỷ giá, vàng thế giới đang rẻ hơn vàng miếng SJC gần 12,5 triệu đồng/lượng và rẻ hơn vàng trang sức khoảng hơn 1 triệu đồng/lượng.

So với 1 tháng trước, giá vàng thế giới 1.965 USD/ounce (vào ngày 1/6), thì đến nay giá vàng đã giảm đến 40 USD/ounce (tương đương 1,2 triệu đồng mỗi lượng).

Trong khi đó giá vàng SJC mua bán trong khoảng 66,5- 67,1 triệu đồng/lượng (cùng ngày 1/6), giá vàng SJC hôm nay giảm nhẹ 150.000 đồng/lượng ở chiều mua vào và giảm 50.000 đồng/lượng ở chiều bán ra.

Điều này cho thấy giá vàng miếng SJC đang được giới kinh doanh cố níu giữ ở ngưỡng 67 triệu bất chấp vàng thế giới biến động mạnh.

Việc giá vàng trong nước trụ ở mức cao, cộng thêm thực trạng thị trường kinh doanh vàng không mang lại cho nhà đầu tư các cơ hội mua - bán có lãi, đã đẩy thị trường kinh doanh vàng miếng, vàng nhẫn vào tình trạng ế ẩm. Còn với dòng sản phẩm vàng trang sức, việc người dân thắt chặt chi tiêu cũng tác động mạnh đến thị trường, hầu hết các đơn vị kinh doanh vàng trang sức đều bị giảm doanh thu.

Trên thị trường thế giới, đầu ngày 1/7, giá vàng thế giới đóng cửa phiên giao dịch cuối tuần tại 1.920,3 USD/ounce, tăng 20 USD so với mức giá thấp nhất trong phiên giao dịch đêm qua là 1.900 USD/ounce.

Hiện giá vàng thế giới giao ngay đứng quanh ngưỡng 1.919,8 USD/ounce. Giá vàng giao tương lai tháng 8 trên sàn Comex New York ở mức 1.929,4 USD/ounce.

Theo chuyên gia kim loại quý của Gainesville Coins dự báo, mức hỗ trợ của giá vàng là 1.900 USD/ounce, tiếp theo là 1.880 USD/ounce. Triển vọng về lãi suất cao hơn gây áp lực lên giá vàng. USD mạnh lên đã khiến các nhà đầu tư nước ngoài 'quay lưng' với vàng.

- Việt Nam có nhiều tiềm năng với năng lượng tái tạo

Đó là thông tin được các diễn giả chia sẻ tại Hội nghị Năng lượng tái tạo 2023 với chủ đề Cơ hội đầu tư vào ngành năng lượng tái tạo – sự kiện được Forbes Việt Nam tổ chức tại TP.HCM vừa qua.

Việt Nam đã đạt được những thành tựu đáng kể, có ý nghĩa lịch sử trong phát triển kinh tế nhưng biến đổi khí hậu gây ra những thách thức to lớn, ảnh hưởng đến các mục tiêu phát triển bền vững. Tại COP26, Chính phủ Việt Nam đã cam kết thực hiện mục tiêu đưa tổng khí phát thải ròng bằng không (netzero) vào năm 2050. Một trong các trọng tâm của chương trình hành động là phát triển năng lượng xanh, vừa đảm bảo các mục tiêu tăng trưởng kinh tế, vừa đảm bảo phát triển bền vững.

Vào trung tuần tháng 5/2023 Chính phủ phê duyệt Quy hoạch điện VIII, trong đó ưu tiên phát triển các nguồn năng lượng tái tạo như điện gió. Không gian phát triển mới của ngành năng lượng mở ra cơ hội đầu tư cho các nhà đầu tư trong nước và quốc tế quan tâm đến lĩnh vực này tại Việt Nam.

Việt Nam có đường bờ biển dài hơn 3.260 km, với tốc độ gió trung bình 7 m/s, tại nhiều khu vực phía Nam bức xạ mặt trời cao trung bình đạt 1.387-1.534 Kwh/KWp/năm thích hợp phát triển phong điện và quang điện. Bên cạnh lợi thế về gió và bức xạ mặt trời, Việt Nam là đất nước nông nghiệp có tiềm năng về phát triển điện sinh khối. Trong bài trình bày Mỏ vàng năng lượng tái tạo, ông Hà Đăng Sơn, phó giám đốc Chương trình Năng lượng phát thải thấp Việt Nam II (V-LEEP II), USAID đã phác thảo bức tranh về tiềm năng to lớn của năng lượng tái tạo tại Việt Nam cũng như các cơ hội và thách thức.

Quy mô hệ thống điện Việt Nam sẽ tăng gấp đôi trong 7-8 năm tới và ước tính cần khoảng 135 tỉ đô la Mỹ để phát triển nguồn và lưới điện truyền tải từ nay đến 2030. Giai đoạn 2030-2050 nguồn vốn cho phát triển lên đến 399-523 tỉ USD. Bên cạnh nguồn vốn tư nhân trong nước, dòng vốn đầu tư quốc tế và tín dụng xanh sẽ đóng vai trò quan trọng trong việc chuyển đổi mô hình năng lượng bền vững tại Việt Nam.

- Khối ngoại bán ròng 380 tỉ đồng trong tháng 6/2023

Khối ngoại tiếp tục bán ròng trong tháng 6/2023 nhưng giá trị bán giảm mạnh xuống còn 380 tỉ đồng. Lũy kế 6 tháng đầu năm 2023, khối ngoại bán ròng 314,7 tỉ đồng.

Sau 4 tuần liên tiếp tăng điểm, VN-Index trong tuần giao dịch cuối cùng của tháng 6/2023 đã chịu áp lực điều chỉnh, chốt lãi ở vùng kháng cự mạnh 1.140 điểm.

VN-Index kết thúc tháng 6 và quý 2/2023 ở mức 1.120,18 điểm, tăng 4,19% so với tháng 5 và tăng 5,22% so với quý trước. Thanh khoản trung bình mỗi phiên trên sàn HOSE đạt trên 17.000 tỉ đồng, tăng 38,5% so với tháng trước.

Theo FiinTrade, dòng tiền tháng 6 tăng mạnh vào cổ phiếu vốn hóa lớn, giảm ở nhóm vốn hóa vừa và nhỏ. Tỷ trọng phân bổ dòng tiền tăng vào nhóm tài nguyên cơ bản, bán lẻ, ngân hàng; giảm ở nhóm chứng khoán, dầu khí, điện nước xăng dầu khí đốt.

Trong tháng 6/2023, khối ngoại tiếp tục bán ròng nhưng giá trị bán thu hẹp đáng kể so với 2 tháng trước đó, xuống còn 380 tỉ đồng.

Tính riêng giao dịch khớp lệnh, họ mua ròng 368 tỉ đồng, tập trung vào các mã HPG (+1.811 tỉ đồng), SSI (+713,7 tỉ đồng), VND (+534 tỉ đồng), VHM (+483,5 tỉ đồng), FRT (+2563 tỉ đồng).

Ở chiều ngược lại, khối ngoại bán ròng mạnh các mã cổ phiếu VNM (-1.461,6 tỉ đồng), VRE (-512,1 tỉ đồng), CTG (-430,3 tỉ đồng), NVL (-406,8 tỉ đồng), VPB (-391,9 tỉ đồng).

Việt Báo (Tổng hợp)