Xử sơ thẩm cô giáo Lê Thị Dung: TAND tỉnh Nghệ An yêu cầu thẩm phán giải trình, rút kinh nghiệm
Pháp luật - Ngày đăng : 00:10, 01/07/2023
Theo đó, Tòa án nhân dân tỉnh Nghệ An nhận được đơn kiến nghị và một số tài liệu kèm theo của Luật sư Hoàng Thị Phương và Luật sư Vũ Quang Ninh (sau đây gọi là các Luật sư) do Liên đoàn Luật sư Việt Nam chuyển đến.
Đơn có nội dung kiến nghị xử lý hành vi vi phạm pháp luật của Thẩm phán Nguyễn Thị Phan Hương, Chủ tọa phiên tòa xét xử vụ án hình sự sơ thẩm đối với các bị cáo Lê Thị Dung, Nguyễn Thị Hương về tội “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ” tại Trung tâm Giáo dục thường xuyên huyện Hưng Nguyên.
Sau khi tiếp nhận đơn, Tòa án nhân dân tỉnh Nghệ An đã có văn bản gửi các Luật sư để làm việc và làm rõ nội dung cụ thể của đơn kiến nghị, đồng thời đề nghị cung cấp thêm các tài liệu để có căn cứ giải quyết nội dung kiến nghị. Các Luật sư đã có văn bản trình bày đề nghị Tòa án nhân dân tỉnh Nghệ An giải quyết các nội dung như đơn kiến nghị và không có tài liệu cung cấp thêm.
Tòa án nhân dân tỉnh Nghệ An đã yêu cầu Thẩm phán Nguyễn Thị Phan Hương, Tòa án nhân dân huyện Hưng Nguyên và đề nghị Viện Kiểm sát nhân dân huyện Hưng Nguyên báo cáo giải trình các nội dung liên quan đến kiến nghị của các Luật sư; thu thập biên bản phiên toà, bản án hình sự phúc thẩm.
Căn cứ các tài liệu thu thập được, có căn cứ xác định Thẩm phán Nguyễn Thị Phan Hương không vi phạm tố tụng tại phiên tòa như nội dung kiến nghị của các Luật sư.
Đối với nội dung kiến nghị Thẩm phán Nguyễn Thị Phan Hương vi phạm quy tắc đạo đức, xét thấy, trong quá trình tranh tụng công khai tại phiên tòa do các Luật sư đặt nhiều câu hỏi không đúng trọng tâm để làm sáng tỏ bản chất vụ án nên Chủ tọa phiên tòa nhắc nhở nhiều lần đối với các Luật sư, nhưng các Luật sư không hợp tác, do đó Thẩm phán Nguyễn Thị Phan Hương đã dùng từ “cảnh cáo” để nhắc nhở các Luật sư. Việc Thẩm phán dùng từ “cảnh cáo” là chưa đúng từ ngữ pháp lý tại phiên tòa, đó không phải là biện pháp xử lý hành chính, mà do Thẩm phán dùng từ ngữ chưa chuẩn xác khi điều hành phiên tòa, nên chưa đến mức vi phạm phải xem xét kỷ luật đối với Thẩm phán Nguyễn Thị Phan Hương.
Tuy nhiên, qua các nội dung kiến nghị của các Luật sư, thấy rằng đây là vụ án mà bị cáo Lê Thị Dung cho rằng mình không phạm tội, khi xét xử có nhiều người tham dự phiên tòa, quá trình tố tụng có nhiều tình huống phát sinh làm kéo dài thời gian xét xử, Thẩm phán – Chủ tọa phiên tòa xử lý chưa tốt, áp dụng pháp luật có phần cứng nhắc khi buộc các Luật sư bào chữa cho bị cáo rời khỏi phòng xử án. Đồng thời, do diễn biến phiên tòa, Thẩm phán Nguyễn Thị Phan Hương sử dụng cụm từ “cảnh cáo” đối với các Luật sư là chưa chính xác.
Tòa án nhân dân tỉnh Nghệ An đã chỉ đạo, yêu cầu Thẩm phán Nguyễn Thị Phan Hương làm giải trình và rút kinh nghiệm sâu sắc trong quá trình xét xử, để nâng cao chất lượng tranh tụng trong thời gian tới.
Trước đó, ngày 16/5/2023, Liên đoàn Luật sư Việt Nam đã có Văn bản số 165/LĐLSVN-GSHTLS về việc chuyển đơn kiến nghị của Luật sư Vũ Quang Ninh và Luật sư Hoàng Thị Phương gửi đến Tòa án nhân dân tỉnh Nghệ An.
Văn bản nêu rõ, ngày 08/5/2023, Liên đoàn Luật sư Việt Nam nhận được đơn của Luật sư Vũ Quang Ninh và Luật sư Hoàng Thị Phương (Công ty Luật Vũ Anh, Đoàn Luật sư tỉnh Quảng Ninh), kiến nghị xử lý hành vi vi phạm của bà Nguyễn Thị Phan Hương, Thẩm phán Tòa án nhân dân huyện Hưng Nguyên, tỉnh Nghệ An trong phiên tòa xét xử sơ thẩm vụ án “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ” đối với bị cáo Lê Thị Dung.
Theo nội dung trình bày của các Luật sư, trong quá trình diễn ra phiên tòa sơ thẩm, khi Luật sư Vũ Quang Ninh và Luật sư Hoàng Thị Phương thực hiện các hoạt động hành nghề Luật sư theo quy định của pháp luật thì đã liên tục bị Thẩm phán Chủ tọa phiên tòa Nguyễn Thị Phan Hương cắt lời, chèn ép và sau đó là buộc Luật sư ra khỏi phiên tòa.
Liên đoàn Luật sư Việt Nam nhận thấy, nếu trình bày của các Luật sư là đúng, hành vi của Thẩm phán Nguyễn Thị Phan Hương có dấu hiệu vi phạm thủ tục tố tụng, gây cản trở tới hoạt động hành nghề hợp pháp của Luật sư và ảnh hưởng tới quyền, lợi hợp pháp của người bị buộc tội.
Căn cứ vào quy định pháp luật hiện hành, Liên đoàn Luật sư Việt Nam chuyển đơn kiến nghị cùng các tài liệu kèm theo của các Luật sư tới Tòa án nhân dân tỉnh Nghệ An; đồng thời đề nghị Tòa án nhân dân tỉnh Nghệ An trong quá trình xem xét lại vụ án theo trình tự phúc thẩm, tiến hành thẩm tra, xem xét thận trọng vụ việc nhằm có đánh giá và kết luận có hay không dấu hiệu vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng của cấp sơ thẩm, từ đó, đưa ra quyết định, hướng xử lý phù hợp để vụ việc được giải quyết khách quan, toàn diện và đúng pháp luật.