Giáo viên dự báo sẽ có nhiều thí sinh đạt 9,5-10 điểm môn Lịch sử
Giáo dục - Đời sống trẻ - Ngày đăng : 13:08, 29/06/2023
Sáng nay (29/6), thí sinh tham dự kỳ thi tốt nghiệp THPT vừa hoàn thành bài thi Khoa học xã hội. Đánh giá về đề thi môn Lịch sử, thầy Hồ Như Hiển, giáo viên Trường THCS-THPT Đông Bắc Ga (Thanh Hóa) cho biết, đề thi môn Sử năm 2023 gồm 40 câu trắc nghiệm tập trung vào kiến thức lịch sử lớp 12.
Trong đó, có 35 câu (chiếm 87.5%) thuộc nội dung lịch sử Việt Nam từ năm 1919 đến 1975, sau 1975 có 1 câu. Đề thi có 4 câu thuộc chương trình Lịch sử lớp 11 (chiếm 10%) bao gồm 2 câu thuộc nội dung lớn của lịch sử Việt Nam giai đoạn từ cuối thế kỷ XIX đến hết Chiến tranh thế giới thứ nhất, 1 câu về cách mạng tháng Mười Nga năm 1917, 1 câu về Chiến tranh thế giới thứ hai.
Đề thi bắt đầu phân hóa từ câu 30, phân hóa cao từ câu 33 đến câu 40. Mức độ phân hóa của đề thi khá rõ ràng từ câu 33, những câu vận dụng cao vào các nội dung yêu cầu phân tích, so sánh, đánh giá, nhận định về các vấn đề lịch sử Việt Nam trong giai đoạn từ năm 1919 đến 1975. Trong đó có những câu liên hệ các vấn đề lịch sử với tình hình Việt Nam trong giai đoạn hiện nay.
"So với đề minh họa, đề chính thức không có thay đổi về cấu trúc thi, các câu mức độ nhận biết và thông hiểu rất cơ bản, tuy nhiên đã có sự phân hóa cao hơn, so với đề thi chính thức năm 2022, đề chính thức năm 2023 đảm bảo phân hóa thí sinh tốt hơn. Dự đoán phổ điểm trung bình nhiều nhất ở mức 6,5-7.5. Sẽ có nhiều thí sinh đạt từ 9,5 đến 10", thầy Hiển nhận định.
Còn theo nhận định của giáo viên môn Lịch sử Hệ thống giáo dục Hocmai, đề thi chính thức môn Lịch sử năm 2023 có độ khó tương đương đề thi minh họa đã công bố trước đó, nội dung đề thi không có nhiều biến động. 90% tổng số câu hỏi trong đề thuộc kiến thức lớp 12 và 10% câu hỏi thuộc lớp 11 - tăng 1 câu so với đề thi tốt nghiệp năm 2022 bao gồm 2 câu hỏi phần lịch sử Việt Nam và 2 câu phần lịch sử thế giới. Đề thi có tỉ lệ câu hỏi nhận biệt, thông hiểu so với vận dụng, vận dụng cao tương đương đề thi tham khảo nhưng có tính phân loại cao và độ khó của các câu vận dụng cao tăng lên.
Đề thi có 80% câu hỏi nhận biết, thông hiểu thuộc những kiến thức cơ bản, độ nhiễu giữa các phương án không cao, thí sinh dễ dàng chọn được đáp án đúng. Bên cạnh đó vẫn xuất hiện dạng câu hỏi liên quan đến xác định vị trí của quốc gia, hoặc phong trào cách mạng (liên quan đến kiến thức địa lí) ví dụ câu 2 (mã 310).
20% câu hỏi thuộc phần vận dụng – vận dụng cao, rải đều ở các chuyên đề lịch sử Việt Nam từ 1919 đến 1975, không có câu hỏi thuộc phần lịch sử thế giới. Những câu hỏi chủ yếu xoay quanh dạng bài so sánh, liên chuyên đề, liên hệ kiến thức lịch sử thế giới - lịch sử Việt Nam hoặc nhận xét, tổng kết cả giai đoạn lịch sử để tìm ra điểm đặc trưng. Đặc biệt, câu 33, 34, 39 (mã 310)… là những câu hỏi khó, yêu cầu học sinh tổng hợp kiến thức của nhiều giai đoạn lịch sử, thậm chí kết hợp cả kiến thức lịch sử thế giới và lịch sử Việt Nam để hoàn thành.