Vạch mặt 'kẻ hủy diệt' hôn nhân
Gia đình - Ngày đăng : 09:06, 29/06/2023
Làn sóng “chết chóc” có thể nhấn chìm một mối quan hệ sau giai đoạn mật ngọt. Đó cũng là lý do các cặp đôi tìm kiếm cảm giác phấn khích và hồi hộp ở những đối tác mới.
Các nhà nghiên cứu ước tính 30-60 phần trăm những người đã kết hôn ở Hoa Kỳ sẽ ngoại tình vào một thời điểm nào đó trong mối quan hệ của họ.
Có lẽ đã đến lúc chúng ta thực sự cần xem xét nguyên nhân khiến tình cảm của chúng ta suy yếu. Điều gì biến sự nhiệt tình của chúng ta đối với người khác thành sự nhàm chán và bất mãn?
Để xác định lý do khiến các cặp đôi lạnh nhạt gối chăn, chúng ta cần làm rõ khái niệm “mối liên kết tưởng tượng”.
Đây là nguyên tắc chính của một lý thuyết tâm lý toàn diện được phát triển bởi nhà tâm lý học Robert Firestone (Hoa Kỳ). “Mối quan hệ tưởng tượng” đóng vai trò thay thế cho mối quan hệ yêu thương thực sự.
Nói cách khác, ảo tưởng về sự kết nối và gần gũi này cho phép một cặp đôi duy trì trí tưởng tượng về tình yêu và sự yêu thương, trong khi vẫn giữ được khoảng cách tình cảm.
Một phụ nữ sắp ly hôn sau 6 năm chung sống cho biết: “Lớn lên tôi rất sợ ở một mình, nhưng tôi biết rằng mình cũng sợ ở gần người khác. Ở một khía cạnh nào đó, cuộc hôn nhân của tôi đã giải quyết được vấn đề thứ nhất - chồng tôi ở bên cạnh tôi về mặt thể chất, vì vậy tôi không phải sợ ở một mình nữa; trong khi tôi vẫn cách giữ khoảng cách với anh ấy về mặt tình cảm”.
Trạng thái gần gũi về thể chất và khoảng cách về cảm xúc chính là đặc điểm của mối quan hệ tưởng tượng. Mối quan hệ này được hình thành khi những cảm xúc yêu thương, tôn trọng và hấp dẫn chân thành được thay thế bằng những tưởng tượng về sự an toàn, kết nối và bảo vệ.
Mặc dù tất cả những điều này có vẻ như là thuộc tính tích cực của một mối quan hệ thân mật, nhưng thực chất nó chính là "kẻ hủy diệt" của bất kỳ mối quan hệ thân thiết nào.
Những người tham gia vào một mối quan hệ tưởng tượng coi trọng thói quen tự phát và an toàn hơn đam mê. Họ cũng có thể đánh mất chính mình trong mối quan hệ, thay vì duy trì những phẩm chất độc đáo từng mang lại cho họ sự tự tin và thu hút đối tác đến với họ ngay từ đầu.
Khi các cặp vợ chồng đánh mất cảm xúc thực sự dành cho nhau, họ có xu hướng vứt bỏ mối quan hệ hoặc chìm sâu hơn vào mộng tưởng vì sợ mất nhau hoặc cô đơn.
Dẫu sao thì tình trạng này có thể được phục hồi nếu các cặp vợ chồng chấp nhận đối diện với những thực tại dưới đây.
Mất đi sự hấp dẫn về thể chất
Nếu chúng ta coi đối phương như một phần mở rộng của chính mình, chúng ta đánh mất một số “phản ứng hóa học” đã thu hút chúng ta đến với họ.
Ngược lại, khi chúng ta coi đối tác của mình là những cá nhân độc lập và hấp dẫn, chúng ta có thể duy trì mức độ phấn khích và tình cảm mới mẻ dành cho họ.
Buông thả bản thân về thể chất hoặc tinh thần
Khi chúng ta đạt đến mức độ thoải mái trong một mối quan hệ, chúng ta thường có xu hướng ít quan tâm hơn đến vẻ ngoài.
Chúng ta hành động mà không quan tâm hoặc cân nhắc, vì thế chúng ta không chỉ làm tổn thương đối tác mà còn làm tổn thương chính mình.
Chúng ta có thể tăng cân hoặc có những thói quen không lành mạnh, ăn uống thiếu kiểm soát hoặc bỏ bê tập thể dục.
Chính sự buông thả này làm tan vỡ lòng tự trọng của chúng ta và đẩy đối tác của chúng ta ra xa. Đây là xu hướng ảnh hưởng xấu đến mối quan hệ, làm suy yếu sự tự tin và sức sống của chúng ta.
Không chia sẻ các hoạt động hàng ngày
Khi mới bắt đầu mối quan hệ, chúng ta thường cởi mở, hào hứng thử những điều mới và chia sẻ những cuộc phiêu lưu. Nhưng khi rơi vào thói quen, chúng ta thường chống lại những trải nghiệm mới lạ.
Chúng ta trở nên sợ hãi hơn, đa nghi hơn và không sẵn sàng làm mọi việc với đối tác của mình. Tình yêu không thể tồn tại nếu nó không được nuôi dưỡng.
Hãy chậm lại và dành thời gian để vun vén cho mối quan hệ. Đây là điều cần thiết để duy trì sự thân mật. Liên tục làm những điều khiến đối phương cảm thấy được yêu thương cũng là cách giúp chúng ta duy trì cảm hứng và đam mê trong quan hệ vợ chồng.
Nuôi dưỡng sự tức giận
Khi ở bên ai đó trong một thời gian dài, chúng ta có xu hướng điểm danh những hành vi tiêu cực của họ và tạo ra “vũ khí” chống lại họ. Hãy cố gắng để ý xem bạn có đang chứa đựng sự tức giận hay oán giận không. Đối mặt trực tiếp với các vấn đề từ một lập trường trưởng thành và cởi mở sẽ giúp cho những cảm xúc tốt đẹp trong bạn không bị hao hụt.
Giao tiếp trung thực có thể hơi khó khăn, nhưng nó giúp bạn thực sự hiểu đối tác của mình, thay vì nhìn họ qua lăng kính tiêu cực hoặc chỉ trích.
Cảm thấy thoải mái khi trực tiếp nói ra những điều khiến mình khó chịu hoặc tức giận, bạn có thể bỏ qua chúng tốt hơn. Lợi ích của việc nói lên suy nghĩ của bạn là bạn ngừng nhìn đối tác từ góc độ tiêu cực và hoài nghi.
Theo psychalive.org
Theo Giáo dục thời đại