'Cầm nhầm' bản quyền, đâu rồi lòng tự trọng?
Dòng chảy - Ngày đăng : 07:37, 29/06/2023
Tác giả Trương Minh Nhật cho biết ông rất hài lòng về bản án. Không bàn đến khoản bồi thường, mục đích đòi quyền nhân thân ca khúc "Gánh mẹ" của ông đã như ý nguyện.
"Cầm nhầm" tài sản trí tuệ
Theo đơn khởi kiện, ông Trương Minh Nhật cho rằng ông là tác giả, đồng thời là chủ sở hữu của bài thơ "Gánh mẹ". Tuy nhiên khi bộ phim "Lật mặt 4" - "Nhà có khách" do Công ty Lý Hải Production sản xuất được công chiếu, ông Nhật phát hiện bài thơ "Gánh mẹ" của ông được sử dụng làm nhạc phim trong bộ phim này với thông tin người sáng tác là Quách Beem (tên thật là Đoàn Đông Đức) mà ông không hề hay biết.
Theo ông Nhật, Công ty Lý Hải sử dụng bài thơ "Gánh mẹ" của ông trong phim "Lật mặt 4" mà không xin phép, không trả tiền cũng như không nêu tên ông như tác giả là sử dụng trái phép, xâm phạm đến quyền nhân thân và quyền tài sản của ông.
Từ đó, ông Nhật khởi kiện Công ty Lý Hải và nhạc sĩ Quách Beem, yêu cầu công ty bảo đảm quyền nhân thân của ông với bài thơ "Gánh mẹ" cùng với những điều khoản bồi thường đính kèm. Sau nhiều ngày xét xử, ông Trương Minh Nhật được phán quyết là chủ sở hữu bài thơ "Gánh mẹ".
Đồng nghĩa, Quách Beem phải tạm ngưng việc khai thác bài thơ "Gánh mẹ"; khắc phục, sửa chữa thông tin sai lệch trong hồ sơ đăng ký quyền tác giả tại Cục Bản quyền tác giả và bồi thường cho ông Nhật 122,4 triệu đồng.
Ông Trương Minh Nhật được tòa tuyên là tác giả, chủ sở hữu của bài thơ “Gánh mẹ”, ông Quách Beem không phải là tác giả cả nhạc và lời của ca khúc trên. (Ảnh do nhân vật cung cấp)
Thật ra, chuyện vi phạm bản quyền, hay còn được gọi là "cầm nhầm tài sản trí tuệ" là hiện trạng phổ biến trong showbiz. Trước đó, câu chuyện tranh chấp giữa Xesi (tác giả ca khúc "Túy âm") và ca sĩ Ngọc Mai về ca khúc "Túy âm"; Kay Trần và Nguyễn Khoa với ca khúc "Tết đong đầy"… gây xôn xao dư luận.
Warner Music Vietnam - với vai trò là hãng đĩa của Kay Trần, cho biết thời gian qua, phía Nguyễn Khoa đã vi phạm Luật Sở hữu trí tuệ khi tự ý kinh doanh bản ghi và sử dụng hình ảnh nghệ sĩ Kay Trần với mục đích thương mại.
Công ty quản lý của Kay Trần đã liên hệ với Nguyễn Khoa để trao đổi vấn đề bản quyền "Tết đong đầy" nhằm giải quyết theo hướng ôn hòa và đúng với luật pháp nhưng phía Nguyễn Khoa từ chối. Theo Nguyễn Khoa, 2 ca khúc "Tết đong đầy" và "Chuyện tình tôi" do anh sáng tác, Kay Trần chỉ góp vào 8 câu rap cho mỗi bài. Kay Trần sau đó có đề nghị mua lại 2 bài này nhưng Khoa không đồng ý.
Nguyễn Khoa cho biết thêm: "Để hợp lý, tôi đã bỏ 8 câu rap của Kay Trần ra và làm lại bản mới về giai điệu và lời. Nhưng Kay Trần lại đi kiện tụng, nên tôi đã không đồng ý cho Kay Trần sử dụng 2 ca khúc này dưới bất kỳ hình thức nào".
Với trường hợp của ca khúc "Túy âm", Xesi "tố" Ngọc Mai hát mà không xin phép tác giả, trong khi Ngọc Mai cho biết nhà tổ chức những chương trình cô tham gia đã làm việc về tác quyền với VCPMC - nơi "Túy âm" được ký ủy quyền. Và câu chuyện nói qua nói lại cứ thế kéo dài trên các trang mạng xã hội cá nhân và cả truyền thông.
Sáng tạo có ý thức
Trong thời đại "nhạc số" hiện nay, vấn nạn vi phạm bản quyền cũng dễ dàng xác minh và người vi phạm cũng nhận về "hình phạt" tương xứng. Minh chứng rõ nét nhất là nhiều MV (video ca nhạc) đang đứng đầu top xu hướng (Top trending) trên YouTube Việt Nam nhưng ngay lập tức bị các nền tảng đánh bản quyền bằng việc ẩn hoặc xóa bỏ hoàn toàn sản phẩm nếu phát hiện vi phạm.
Có thể kể đến như "Em của ngày hôm qua" của Sơn Tùng M-TP, "Ngốc" của Hương Tràm, "Chạm khẽ tim anh một chút thôi" của Noo Phước Thịnh, "Ghen", "Chưa bao giờ mẹ kể" và "Có em chờ" của Min… (các sản phẩm này đều có lượt người nghe đạt từ vài chục đến cả trăm triệu lượt).
Theo nhạc sĩ Nguyễn Hồng Thuận, vấn đề bản quyền nói chung và bản quyền ca khúc nói riêng khá phức tạp vì liên quan và chồng chéo đến nhiều hình thức sở hữu. Việc ca khúc phổ biến, được yêu mến còn đi kèm với các nguồn thu lớn đến từ quyền liên quan nên thường dễ xảy ra tranh chấp.
Hiện nay, hầu hết các tác giả đều ủy quyền khai thác tác phẩm của mình cho Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam (VCPMC). Nhạc sĩ Huy Tuấn cho biết chỉ khi nào người thể hiện tác phẩm mà chưa thông qua đơn vị được ủy quyền (cũng như tác giả), khi đó chúng ta sẽ dùng đến luật để bảo vệ quyền tác giả, được quy định trong Luật Sở hữu trí tuệ.
"Nghệ sĩ có thể tìm đến những người có chuyên môn về sở hữu trí tuệ để nhận tư vấn về phạm vi và giới hạn các quyền của mình, nếu có thể thì nên thực hiện ngay sau khi định hình tác phẩm hoặc bản ghi âm, ghi hình. Tuy nhiên, điều quan trọng nhất vẫn là ý thức trách nhiệm và lòng tự trọng của người làm nghề. Vấn đề tôn trọng bản quyền đã được nhắc đến rất nhiều nhưng cái chính vẫn là ý thức của người làm nghề" - nhạc sĩ Nguyễn Ngọc Thiện nhấn mạnh.
Những người trong cuộc bày tỏ mong mỏi tình trạng kiện tụng, tranh chấp sẽ sớm được loại bỏ để có một showbiz thật sự chuyên nghiệp và văn minh. Muốn có được điều này thì việc sáng tạo có ý thức và tôn trọng bản quyền tác phẩm là những vấn đề cốt lõi.