Vụ 'bắn nhầm' dê của người dân: Quy trình tiếp theo xử lý trách nhiệm 3 cựu cán bộ công an
Pháp luật - Ngày đăng : 07:51, 28/06/2023
Ngày 27/6, Giám đốc Công an TP Hà Nội đã ký quyết định tước danh hiệu Công an nhân dân đối với 3 cán bộ Công an thị trấn Đại Nghĩa, huyện Mỹ Đức, gồm: Đại úy Nguyễn Văn Nhân, Thượng úy Bùi Đình Việt và Thượng úy Bùi Tiến Tùng.
Đồng thời, Cơ quan CSĐT Công an thành phố ra quyết định khởi tố vụ án hình sự Trộm cắp tài sản, quyết định tạm giữ hình sự đối với Nguyễn Văn Nhân, Bùi Đình Việt và Bùi Tiến Tùng để điều tra, xử lý liên quan vụ người dân bị mất trộm dê ở xã An Phú.
Trả lời PV VTC News, Tiến sĩ, luật sư Đặng Văn Cường (Trưởng văn phòng luật sư Chính Pháp) cho rằng, vụ việc có dấu hiệu tội phạm nên cơ quan điều tra vào cuộc xác minh làm rõ để xử lý là phù hợp với quy định của pháp luật.
Điều đáng chú ý, trong vụ án này 3 nghi phạm lại là các cán bộ chiến sĩ công an thị trấn. Đây là cán bộ chiến sĩ công an cấp cơ sở, gần gũi nhất với người dân, đồng thời là những người hiểu biết pháp luật và nhiệm vụ của họ là phải đảm bảo an ninh trật tự, an toàn xã hội.
Nếu những người này chính là những người đã thực hiện hành vi trộm cắp tài sản thì đây là hành vi rất đáng lên án, cần phải xử lý bằng những chế tài nghiêm khắc của pháp luật.
Sau khi có quyết định tước danh hiệu công an nhân dân, cơ quan điều tra sẽ khởi tố bị can và có thể tạm giam để xử lý theo quy định của pháp luật.
Thông thường sau khi bắt người phạm tội quả tang hành vi Trộm cắp tài sản, cơ quan điều tra có thể khởi tố vụ án hình sự, đồng thời khởi tố bị can và tạm giam đối với bị can để điều tra.
Luật sư Cường cho biết các cơ quan chức năng sẽ tiến hành các quy trình để xem xét xử lý kỷ luật đối với các cán bộ chiến sĩ này, sau khi có quyết định kỷ luật thì sẽ khởi tố bị can và tạm giam để điều tra xử lý theo quy định của pháp luật.
"Việc khởi tố vụ án hình sự là động thái rất quyết liệt, nhanh chóng của cơ quan chức năng, thể hiện thái độ không bao che, không dung túng cho hành vi sai phạm, xử lý nghiêm minh để giữ gìn uy tín của lực lượng công an nhân dân và cảnh tỉnh những hành vi vi phạm pháp luật có thể xảy ra đối với các cán bộ chiến sĩ trẻ tuổi", luật sư Cường nhấn mạnh.
Theo luật sư Cường, điều kiện để khởi tố vụ án hình sự là vụ việc có dấu hiệu tội phạm. Bởi vậy trường hợp xác định những con dê này là tài sản của tổ chức, cá nhân, đồng thời định giá giá trị tài sản này từ 2.000.000 đồng trở lên thì đủ căn cứ để khởi tố vụ án hình sự về tội Trộm cắp tài sản.
Sau khi khởi tố vụ án hình sự, cơ quan điều tra sẽ điều tra rõ người nào thực hiện hành vi trộm cắp tài sản để khởi tố bị can.
Hành vi bắn dê nhưng không có mục đích chiếm đoạt có thể bị xử lý hình sự về tội hủy hoại tài sản, còn trường hợp săn bắn nhằm chiếm đoạt thì đây là hành vi trộm cắp tài sản.
Trường hợp kết quả điều tra cho thấy 3 người này nhận thức rõ những con dê này "có chủ" (không phải dê núi, hoang dã vô chủ) nhưng vì lòng tham mà lén lút chiếm đoạt những con dê này bằng cách bắn chết hoặc trọng thương rồi mang đi thì đây là hành vi trộm cắp tài sản, cơ quan điều tra sẽ khởi tố bị can và tạm giam đối với những người đàn ông này để xử lý theo quy định của pháp luật.
Với hành vi trộm cắp tài sản từ 2.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng hoặc dưới 2.000.000 đồng nhưng đã bị xử phạt hành chính, bị kết án về tội danh xâm phạm quyền sở hữu mà còn vi phạm, những người này sẽ phải đối mặt với khung hình phạt là phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm.
Trường hợp tài sản trị giá từ 50.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng hoặc hành vi được xác định là phạm tội có tổ chức, những người này sẽ phải đối mặt với khung hình phạt là phạt tù từ 02 năm đến 07 năm theo quy định tại điều 173 Bộ luật Hình sự.
"Như vậy, trường hợp xác định những con dê này là có chủ và giá trị từ 2.000.000 đồng trở lên thì việc khởi tố vụ án hình sự để điều tra về tội trộm cắp tài sản theo điều 173 Bộ luật Hình sự là có căn cứ", luật sư Cường khẳng định.