Vụ chặt cây dọc cao tốc Ninh Bình: Doanh nghiệp nói 'đến ngày thu hoạch'
Nhịp sống - Ngày đăng : 21:30, 26/06/2023
Liên quan đến vụ chặt hạ 100.000 cây xanh trên cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình, đại diện Tổng công ty đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) cho biết việc chặt hạ cây đang được tạm dừng do nhận được nhiều ý kiến trái chiều.
"Hàng cây này không thuộc sở hữu của VEC mà do một doanh nghiệp trồng và chăm sóc theo hình thức xã hội hóa", đại diện VEC O&M - doanh nghiệp quản lý tuyến đường - cho biết.
Cụ thể, từ năm 2015, VEC đã cho phép Công ty TNHH D&G Việt Nam thuê dải đất dọc 2 bên cao tốc để trồng 180.000 cây keo. Hàng cây trải qua 8 năm sinh trưởng, đến nay có 100.000 cây còn sống.
Trao đổi với phóng viên Dân trí, ông Trần Đức Thuận, đại diện D&G, khẳng định hàng cây dọc cao tốc là cây keo công nghiệp, không phải cây công trình. Ngay từ thời điểm trồng cây giống, doanh nghiệp đã xác định sẽ chặt hạ để thu hoạch khi cây đủ năm tuổi.
"Cây keo đủ tuổi sẽ bắt đầu mục ruỗng và dễ gãy đổ. Chúng tôi phải thu hoạch sớm trước mùa bão năm nay để tránh cây đổ ra đường", ông Thuận nói.
Với góc nhìn chuyên môn, PGS.TS Nguyễn Thị Yến (Giảng viên Lâm nghiệp đô thị), xác nhận keo là loại cây công nghiệp tuổi thọ ngắn, sau 8-10 năm sẽ thu hoạch.
"Nếu trồng cố định dọc đường cao tốc thì lựa chọn cây keo không phù hợp vì tuổi thọ ngắn. Các loại cây lát, xà cừ... phù hợp hơn", bà Yến chia sẻ.
Trước thông tin tuyến đường sẽ đầu tư mở rộng theo quy hoạch, chuyên gia lâm nghiệp cho rằng việc trồng keo là lựa chọn khả dĩ. Nếu trồng các loại cây giá thành cao và lâu năm, việc bứng chuyển cây để mở rộng mặt đường có thể sẽ tốn nhiều chi phí.
Nữ chuyên gia bày tỏ băn khoăn khi cả hàng cây xanh mát dọc đường cao tốc bị chặt hạ thì sẽ cần kế hoạch "trồng gối" cây mới thay thế để tránh ảnh hưởng đến cảnh quan của tuyến đường. "Chủ đầu tư phải cho biết kế hoạch trồng cây thay thế như thế nào", bà Yến nói.
Phản hồi bản tin , nhiều tài xế bày tỏ tiếc nuối vì hàng cây xanh tốt rất đẹp mắt, cho họ cảm giác thoải mái khi lưu thông. Tuy nhiên, cũng có người kể "suýt bị tai nạn" khi cây keo gãy đổ trong ngày mưa bão.