Nữ sinh viết văn 21 trang và khuôn mẫu 'viết không nghĩ mới lắm vậy!'
Giáo dục - Đời sống trẻ - Ngày đăng : 14:42, 26/06/2023
Kịch bản tấn công... đạo đức
Sự việc nữ thủ khoa trường chuyên ở Hà Tĩnh viết bị tấn công trên mạng xã hội trở thành vấn đề được nhiều người quan tâm.
Ở đó, một đứa trẻ 15 tuổi vừa trải qua kỳ thi lớp 10, với bài thi văn 21 trang giấy đã trở thành chủ thể nhắm tới của nhiều đả kích, xúc xiểm. Phê phán người khác "ngộ chữ", nhiều người mang danh trí thức dùng những con chữ cay nghiệt, nhẫn tâm để cười cợt, bôi nhọ, nhục mạ một học sinh.
Khi tấn công, bỉ bôi em học trò, có người khoác cho mình "chiếc áo đạo đức" rằng phê phán bài văn 21 trang để nói về cách học dạy văn khuôn mẫu, sáo rỗng, áp đặt, không sáng tạo, học vẹt... lâu nay.
Nhưng rồi cũng chính họ lại tấn công một đứa trẻ 15 tuổi bằng những cái khuôn được họ cắt gọt như phải viết ngắn mới hay, viết dài là bốc phét, sáo rỗng hay dùng những từ ngữ vô cùng nặng nề để nói về em. Họ đưa mình ra làm quy chuẩn chiếu lên người khác, để đả kích, chê bai người khác.
Hãy nhìn những lời mỉa mai đầy khuôn mẫu, quy chụp tấn công em học trò: "Tôi viết nhanh lắm, dài lắm cũng chỉ 8 trang", "Viết dài, viết dai thành viết dại, tôi đi thi không bao giờ viết quá 7 trang", "Viết mà không cần nghĩ mới viết lắm vậy", "Rút gọn 21 trang còn lại 1 thôi để cho não hoạt động với", "Viết này chỉ dạng phát ngôn viên"...
Dùng một đứa trẻ trong sự việc này để nói về thực trạng dạy văn học văn cũng chỉ là cái cớ để nhiều người đưa chuẩn của mình ra áp lên người khác. Đó là người khác cũng phải viết như mình, phải giống mình, không thể hơn mình, kể cả về độ dài bài viết.
Phê phán kiểu "tư duy cây búa"
Hàm ý để nói về thực trạng dạy văn cũng chỉ là lớp vỏ bọc của nhiều người lớn mang danh trí thức chất chứa trong mình nỗi ghen ghét, không chấp nhận người khác khác với mình, chưa nói là giỏi hơn mình, nhất là đó chỉ là đứa trẻ chỉ mới xong lớp 9.
Họ không chấp nhận nổi việc một đứa trẻ có thể viết được bài văn 21 trang giấy. Không! Không thể! Nếu có thì với họ đó phải là thứ văn... của máy chạy chữ, của học vẹt, chữ bốc phét, của việc "không có não".
Như vị tiến sĩ nọ khi xỉa xói em học trò "không não" cũng không từ bỏ cơ hội để phô trương bản thân: "Tôi thuộc hàng viết nhanh, nhưng để viết một trang, trước đó phải đi bộ và nghĩ mất một tiếng mới dám viết ra điều mình nghĩ. Có những vấn đề người khác viết 20 trang, tôi chỉ gói gọn trong 1 trang là đủ rõ".
Trong khi nói về khả năng viết của mình, mỉa mai cách viết của người khác thì bài phê phán, tấn công em học trò chỉ vài trăm chữ của vị tiến sĩ này có lịch sử chỉnh sửa đến hàng chục lần.
Cô Huỳnh, một giáo viên dạy văn nêu quan điểm, văn chương vốn đã phong phú, người bình văn chương lại càng đa dạng hơn, mỗi một tư duy tiếp nhận là một sự sáng tạo mới cho tác phẩm văn học miễn nó không phi lí là được. Tại sao cứ phải nhìn nhận theo hướng tiêu cực "viết dài là bốc phét"?
Cùng một vấn đề nhưng mỗi người có những cảm xúc khác nhau. Sao cứ mặc định viết dài là viết dở, viết dài là viết sai? Và tại sao lại nói những câu ngớ ngẩn như "viết dài là có điểm cao", "thầy cô đo gang chấm"?
Nữ giáo viên cho rằng, đừng lấy hạn chế của cá nhân mình làm cơ sở đánh giá người khác. Mình có thể không viết được nhưng không có nghĩa là không có người viết được, mình viết dài không hay không có nghĩa là người khác viết dài cũng không hay. Điều mình không thể, không dùng để mặc định người khác cũng không thể.
Theo nhà sáng tạo nội dung số Phạm Gia Hiền, người ta kết án bằng những lời đanh thép về cô học trò khi mà chưa hề đọc bài văn đó, không có một dòng một chữ nào phân tích được rằng bài văn 21 trang đó chất lượng ra sao.
Với họ, viết 21 trang giấy thi trong thời gian 150 phút thì không thể hay được. Đây chính là tư duy cây búa!
Theo ông Hiền, viết 21 trang giấy thi văn trong 150 phút là rất khó, chính ông cũng ngạc nhiên trước khả năng viết dồi dào như vậy của một học sinh cấp 2. Nhưng thế giới này luôn phải dành chỗ cho các khả năng. Và một người thầy, càng phải luôn dành sự bao dung cho những khả năng, dù rất hiếm hoi, vượt lẽ thường của học trò.
Thầy Nguyễn Anh Vinh, giáo viên tại TPHCM nhấn mạnh, khả năng của người này không nằm trong giới hạn, tầm hiểu biết của người kia. Có những khả năng đến khoa học còn không giải thích nổi nhưng nó vẫn tồn tại, mình không làm được không có nghĩa người khác cũng không làm được như mình.
Thầy Vinh nói về sự việc: "Bất kỳ ai không làm được điều gì đó không phải là cái tội. Nó chỉ đáng sợ khi mình không làm được lại còn nhỏ nhen, ích kỷ chỉ muốn "trói buộc" hoặc phủ nhận người khác trong tầm nhìn, khả năng hạn hẹp của mình".