Tỷ phú Trần Đình Long vượt lên thành người giàu nhất
Xã hội - Ngày đăng : 08:51, 26/06/2023
Vượt tỷ phú Phạm Nhật Vượng
Trong tuần 19-23/6, thị trường chứng khoán ghi nhận động lực tăng trưởng đến các cổ phiếu vốn hóa lớn như: Tập đoàn Hòa Phát - HPG (+8,3%), Vinamilk - VNM (+4,5%) và GVR (+6,7%)… Tuy nhiên, không phải tất cả các mã trụ cột đều tăng.
Nhóm cổ phiếu thép, trong đó có Hòa Phát của tỷ phú Trần Đình Long, tăng trưởng tích cực sau khi Hiệp hội Thép Việt Nam công bố sản lượng thép tháng 5 phục hồi đồng thời giá thép cuộn cán nóng (HRC) tăng trở lại.
Cổ phiếu Hòa Phát (HPG) tăng 4/5 phiên trong tuần qua, và tăng 8/10 phiên kể từ ngày 12/6. Đây là một diễn biến rất tích cực của cổ phiếu đầu ngành thép, với thị phần khoảng hơn 50% mảng thép xây dựng.
Trong 6 tháng qua, cổ phiếu HPG đã tăng hơn 40%. Còn so với đáy hồi giữa tháng 11/2022, cổ phiếu HPG tăng khoảng 130%.
Với việc cổ phiếu HPG diễn biến tích cực như vậy, tài sản của Chủ tịch Tập đoàn Hòa Phát Trần Đình Long tăng vọt. Tính tới ngày 24/6, hơn 1,516 tỷ cổ phiếu HPG của ông Long có trị giá trên 38.514 tỷ đồng.
Tài sản của tỷ phú Phạm Nhật Vượng tính theo lượng cổ phiếu sở hữu hiện tại giá trị hơn 35.900 tỷ đồng (hơn 691 triệu cổ phần). Cổ phiếu Vingroup (VIC) đang ở mức 52.000 đồng/cp.
Như vậy, tỷ phú Trần Đình Long đã vượt qua tỷ phú Phạm Nhật Vượng để giàu nhất sàn chứng khoán Việt theo thống kê số lượng cổ phiếu nắm giữ trực tiếp trên sàn chứng khoán.
Sở dĩ tài sản tính trên giá trị cổ phiếu nắm giữ của tỷ phú Phạm Nhật Vượng giảm không chỉ do giá cổ phiếu VIC mà còn do chủ tịch VIC sử dụng cổ phần để góp vốn thành lập công ty. Tháng 3/2023, ông Vượng giao dịch chuyển nhượng hơn 49 triệu cổ phiếu VIC để góp vốn vào CTCP Di chuyển Xanh và Thông minh GSM - hãng taxi sử dụng phương tiện là ô tô điện của VinFast.
Không chỉ HPG, gần đây, nhóm cổ phiếu ngành thép đều tăng mạnh. Cổ phiếu Thép Pomina (POM) tăng gần 40% trong vòng 3 tuần qua; Thép Nam Kim (NKG) tăng tới 17%; cổ phiếu Tôn Hoa Sen (HSG) bứt phá 13%...
Cổ phiếu Tôn Hoa Sen của ông Lê Phước Vũ được nhóm quỹ Dragon Capital tiếp tục gom thêm trước thềm doanh nghiệp này chốt quyền chi trả cổ tức. Nhóm này tăng sở hữu tại HSG lên hơn 7,2%.
Ngành thép sau gần một năm đen tối
Sau khoảng một năm trầm lắng và giá thép giảm mạnh, ngành thép bắt đầu đón nhận các thông tin tích cực.
Theo Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA), sản lượng thép sản xuất trong tháng 5 đạt 2 triệu tấn, tăng 3,1% so với tháng trước. Tổng sản lượng tiêu thụ tăng khá mạnh thêm 13,3% lên 2,14 triệu tấn. Xuất khẩu tăng gần 30% lên 822.657 tấn, cao gấp rưỡi so với cùng kỳ năm trước.
Với Hòa Phát, tiêu thụ thép của doanh nghiệp này đang cải thiện. Trong tháng 5, sản lượng bán các sản phẩm thép tăng 16% so với tháng trước, lên 530.000 tấn.
Cổ phiếu ngành thép tăng mạnh trong bối cảnh giới đầu tư đánh cược các doanh nghiệp ngành thép sẽ được hưởng lợi nhờ những tín hiệu tích cực gần đây.
Trong nửa cuối năm 2022, doanh nghiệp ngành thép lao đao vì giá nguyên vật liệu nhập khẩu đầu vào tăng mạnh, tỷ giá tăng cao, nhu cầu tiêu thụ thép tụt giảm cả trong nước và quốc tế. Trong khi, giá thép bán ra liên tục đi xuống. Đa phần các doanh nghiệp ngành thép thua lỗ.
Bắt đầu từ quý I/2023, nhiều doanh nghiệp đã hết lỗ và chuyển sang có lãi nhẹ. Nhiều khả năng tình trạng này sẽ được duy trì trong quý II/2023.
Gần đây, cho dù thị trường bất động sản trong nước vẫn khá trầm lắng nhưng một số doanh nghiệp địa ốc lớn đã khởi động lại các dự án.
Tại đại hội đồng cổ đông (ĐHCĐ) thường niên năm 2023 hôm 22/6, Chủ tịch Novaland Bùi Thành Nhơn cho biết, doanh nghiệp này đã “qua thời kỳ khó khăn nhất”. Trong quý II/2023, Novaland đã tái khởi động các dự án trung tâm TP.HCM cùng các đại đô thị NovaWorld Phan Thiet, NovaWorld Ho Tram, Aqua City. Sắp tới, trong giai đoạn 2024-2025, Novaland dự kiến triển khai thêm hai dự án bất động sản đô thị tại TP.HCM và một dự án đô thị vệ tinh lân cận TP.HCM.
Hôm 23/6, tại ĐHCĐ thường niên năm 2023 của Tổng Công ty Phát triển Đô thị Kinh Bắc - CTCP (KBC), CEO Nguyễn Thị Thu Hương cho biết dòng vốn FDI vẫn vào Việt Nam mạnh. KBC đã cho thuê 62,7ha KCN Nam Sơn Hạp Lĩnh cho Goertek và một doanh nghiệp FDI lớn dự kiến thuê phần còn lại của KCN này và sẽ mang vào Việt Nam hàng tỷ USD. Khu đô thị Tràng Cát cũng đã được triển khai các công đoạn, san lấp được 100ha.
Thị trường bất động sản và xây dựng được cho là sẽ hồi phục sau hàng loạt thông tin tích cực như: Nghị định 10 của Chính phủ (hướng dẫn thi hành Luật Đất đai) giúp tháo gỡ những nút thắt hành chính cho các chủ đầu tư dự án BĐS; Nghị định 08/2023 về trái phiếu doanh nghiệp, Nghị quyết 33 về một số giải pháp tháo gỡ thị trường BĐS hay Quyết định 388 về đề án phát triển nhà ở xã hội,…
Thuế giá trị gia tăng (VAT) với các nhóm hàng, dịch vụ hôm 24/6 cũng được chốt giảm 2% (từ 10% xuống 8%) đến hết năm 2023. Cùng với lãi suất huy động giảm, một số công ty chứng khoán kỳ vọng sự hỗ trợ về chính sách và đầu tư công sẽ cải thiện sức mua của thị trường thép từ nửa năm sau 2023.
Sáng 25/6, đường vành đai 4 Hà Nội đã được khởi công. Một số dự án đầu tư công khác như cao tốc Bắc Nam giai đoạn 2 hay vành đai 3 HCM,... cũng được cho là góp phần giúp các doanh nghiệp trong đó có doanh nghiệp ngành thép hưởng lợi.