Đề xuất đặt tên đường nghệ sĩ Phùng Há, Bảy Nam, Út Trà Ôn
Xã hội - Ngày đăng : 20:48, 25/06/2023
Hội Sân khấu TP.HCM tham mưu, Sở VH&TT TP.HCM hoàn tất hồ sơ và thống nhất đề xuất đặt tên đường đối với 9 nghệ sĩ gạo cội gồm NSND Tám Danh, NSND Bảy Nam, NSND Phùng Há, nghệ sĩ Năm Phỉ, NSND Viễn Châu, NSND Út Trà Ôn, soạn giả Hà Triều - Hoa Phượng và NSND Lương Đống.
Theo đó, cặp soạn giả Hà Triều - Hoa Phượng được đề xuất với tên chung. Vì vậy, có 8 tên nghệ sĩ nằm trong danh sách được gửi đi.
Trước đó, Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật TP.HCM gửi công văn đến các hội, yêu cầu chọn những nghệ sĩ tiêu biểu đã mất trong lĩnh vực của mình để trình HĐND đưa vào quỹ tên đường của thành phố.
Hội nhấn mạnh việc đề xuất này chỉ là bước đầu, đây là hoạt động thuộc chức năng, nhiệm vụ của tổ chức này.
Hai nghệ sĩ gạo cội của nền sân khấu Việt Nam từng được đặt tên đường ở TP.HCM là Năm Châu (quận Tân Bình) và Thanh Nga (quận 9).
Việc sử dụng tên nghệ sĩ đặt tên đường nhằm tri ân, tôn vinh những cống hiến, từ đó người dân có thể biết và tìm hiểu thêm về họ cũng như lịch sử nghệ thuật sân khấu tại TP.HCM và Việt Nam.
Chia sẻ với VietNamNet, NSND Kim Cương tự hào khi mẹ - NSND Bảy Nam và dì ruột - nghệ sĩ Năm Phỉ được đề xuất đưa vào quỹ tên đường của TP.HCM.
Chín nghệ sĩ xuất hiện trong danh sách đề xuất đưa vào quỹ tên đường của TP.HCM thuộc thế hệ tiên phong đặt nền móng xây dựng nền nghệ thuật cải lương Việt Nam.
Trong đó, nghệ sĩ Tám Danh, Bảy Nam, Phùng Há, Năm Phỉ và Út Trà Ôn đều là tượng đài có sức ảnh hưởng đến nhiều thế hệ sau này.
Trích đoạn vở 'Lá sầu riêng' năm 1990 có mẹ con NSND Bảy Nam - Kim Cương
Những người được họ dạy dỗ, truyền nghề như Kim Cương, Ca Lê Hồng, Thanh Vy, Lê Thiện, Phi Điểu... đều trở thành cây đa, cây đề của nền cải lương hiện tại.
Đặc biệt, bà Phùng Há còn góp phần vào những công trình, địa điểm quan trọng của nghề như Chùa Nghệ sĩ (quận Gò Vấp), Nhà truyền thống sân khấu (Quận 1) và Khu dưỡng lão nghệ sĩ sân khấu (Quận 8).
NSND - soạn giả Viễn Châu là 'Vua vọng cổ' với gia tài 4.000 bài ca cổ và 70 tuồng cải lương, cũng là người sáng tạo thể loại tân cổ giao duyên và vọng cổ hài.
Hai soạn giả Hà Triều - Hoa Phượng được mệnh danh cặp soạn giả 'Sóng thần' với loạt vở ăn khách như Khi hoa anh đào nở, Tấm lòng của biển, Cô gái Đồ Long, Nửa đời hương phấn, Thái hậu Dương Vân Nga, Bóng hồng sa mạc...
NSND - họa sĩ Lương Đống là bậc thầy của ngành mỹ thuật sân khấu Việt Nam. Ông từng là Giám đốc Nhà hát cải lương Việt Nam và Giám đốc Nhà hát cải lương Trần Hữu Trang, có đóng góp lớn lao cho nghệ thuật, nghiên cứu và giảng dạy.