Thủ tướng Phạm Minh Chính lên đường thăm chính thức Trung Quốc
Nhịp sống - Ngày đăng : 12:28, 25/06/2023
Đây là chuyến thăm chính thức Trung Quốc đầu tiên của Thủ tướng Phạm Minh Chính và cũng là chuyến thăm chính thức đầu tiên của người đứng đầu Chính phủ Việt Nam đến Trung Quốc trong 7 năm qua. Chuyến thăm ghi dấu sự tiếp nối các cuộc trao đổi, tiếp xúc thường xuyên giữa lãnh đạo cấp cao hai Đảng, hai nước thời gian qua.
Thủ tướng Phạm Minh Chính cùng đoàn đại biểu cấp cao của Chính phủ Việt Nam rời Hà Nội vào trưa 25/6, lên đường thăm chính thức Trung Quốc và dự Hội nghị thường niên các nhà tiên phong lần thứ 14 của Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF), theo lời mời của Thủ tướng Trung Quốc Lý Cường và nhà sáng lập kiêm Chủ tịch điều hành WEF - ông Klaus Schwab.
Trong bối cảnh tình hình quốc tế diễn biến phức tạp, khó lường, kinh tế thế giới suy thoái nghiêm trọng do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, chuyến thăm lần này của Thủ tướng Phạm Minh Chính có ý nghĩa hết sức quan trọng.
Đây được đánh giá là cơ hội để lãnh đạo cấp cao hai nước đi sâu trao đổi các biện pháp nhằm triển khai toàn diện kết quả và nhận thức chung đạt được trong chuyến thăm chính thức Trung Quốc của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng hồi cuối tháng 10 đầu tháng 11/2022.
Chuyến thăm cũng nhằm nỗ lực thúc đẩy các lĩnh vực và hợp tác cùng có lợi, kiểm soát tốt bất đồng, góp phần đưa quan hệ đối tác hợp tác chiến lược toàn diện Việt Nam - Trung Quốc ngày càng đi vào chiều sâu, thực chất.
Thời gian qua, quan hệ chính trị giữa Việt Nam - Trung Quốc về tổng thể duy trì xu thế phát triển ổn định và đạt nhiều kết quả tích cực.
Việc trao đổi tiếp xúc cấp cao giữa hai nước được duy trì mật thiết với hình thức linh hoạt, nổi bật nhất là chuyến thăm chính thức Trung Quốc rất thành công của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.
Về hợp tác kinh tế, thương mại, kim ngạch xuất nhập khẩu Việt Nam - Trung Quốc năm 2022, đạt hơn 175 tỷ USD (tăng 5,47%), trong đó xuất khẩu của Việt Nam đạt gần 58 tỷ USD (tăng 3,18%), nhập khẩu đạt gần 118 tỷ USD (tăng 6,63%).
Việt Nam tiếp tục giữ vị trí đối tác thương mại lớn nhất của Trung Quốc trong ASEAN và đối tác thương mại lớn thứ 4 của Trung Quốc tính theo quốc gia đơn lẻ (sau Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc).
Trong 5 tháng đầu năm 2023, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam với Trung Quốc đạt 61,5 tỷ USD, giảm 14,5% so với cùng kỳ năm 2022.
Cũng trong khoảng thời gian này, đầu tư của Trung Quốc đạt hơn 1 tỷ USD với 156 dự án, là nhà đầu tư FDI lớn thứ 3 tại Việt Nam (sau Singapore, Nhật Bản). Lũy kế đến 20/5, Trung Quốc duy trì vị trí thứ 6/143 quốc gia, vùng lãnh thổ đầu tư FDI vào Việt Nam, với 3.720 dự án còn hiệu lực, tổng vốn đăng ký đạt gần 24,9 tỷ USD.
Nhân chuyến thăm lần này, Thủ tướng Phạm Minh Chính sẽ tham dự WEF Thiên Tân, do WEF phối hợp với Chính phủ Trung Quốc tổ chức. Đây là hội nghị có quy mô lớn thứ hai sau WEF Davos (Thụy Sĩ).
Hội nghị lần thứ 14 năm nay có chủ đề "Doanh nghiệp: Động lực của kinh tế toàn cầu", gồm hơn 100 phiên họp, tập trung vào các vấn đề như điều chỉnh tăng trưởng, chuyển đổi năng lượng và nguyên liệu, bảo vệ thiên nhiên và khí hậu, tiêu dùng sau đại dịch, Trung Quốc trong bối cảnh toàn cầu, ứng dụng đổi mới sáng tạo.
Với vai trò là đối tác tin cậy, thành viên trách nhiệm của cộng đồng quốc tế, Việt Nam sẽ tích cực đóng góp, phối hợp với các đối tác quốc tế giải quyết những vấn đề toàn cầu nhằm duy trì và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế khu vực và thế giới.
Cũng thông qua hội nghị lần này, Việt Nam mong muốn quảng bá những thành tựu phát triển kinh tế - xã hội, chuyển tải thông điệp lớn về mục tiêu, quan điểm, định hướng phát triển của Việt Nam.
Đồng thời, Việt Nam muốn nắm bắt những vấn đề, xu thế mới của kinh tế thế giới, trao đổi về tư duy phát triển và quản trị ở tầm toàn cầu, khu vực và quốc gia trong bối cảnh kinh tế thế giới chuyển đổi sâu sắc.
Tăng cường hợp tác với các tập đoàn toàn cầu và khu vực, đặc biệt doanh nghiệp của Trung Quốc, nhằm thu hút các nguồn lực bên ngoài phục vụ phát triển đất nước, cũng là một mục tiêu quan trọng của Việt Nam khi tham dự hội nghị lần này.
Tham gia tháp tùng Thủ tướng Phạm Minh Chính trong chuyến thăm chính thức Trung Quốc có: Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn; Bộ trưởng - Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Trần Văn Sơn; Bộ trưởng KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng; Bộ trưởng Công Thương Nguyễn Hồng Diên; Bộ trưởng TN&MT Đặng Quốc Khánh; Chủ tịch Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước Nguyễn Hoàng Anh; Thứ trưởng Bộ Công an Lương Tam Quang; Thứ trưởng Thường trực Ngoại giao Nguyễn Minh Vũ; Đại sứ Việt Nam tại Trung Quốc Phạm Sao Mai; Phó Chánh văn phòng Trung ương Đảng Bùi Văn Thạch.
Trong chuyến công tác lần này của Thủ tướng Phạm Minh Chính lần này còn có sự tham gia của lãnh đạo một số bộ ngành và địa phương.