Làm gì khi trẻ em ngày càng ít thời gian hoạt động ngoài trời?

Cùng con trưởng thành - Ngày đăng : 17:35, 24/06/2023

Một nghiên cứu năm 2018 ở Anh cho thấy trẻ em dành khoảng 4 giờ bên ngoài mỗi tuần, ít hơn khoảng 50% so với thế hệ cha mẹ.

Bất kỳ bậc cha mẹ nào cũng muốn con mình được phát triển toàn diện, họ mua những thực phẩm dinh dưỡng tốt nhất, đầu tư cho con học những trường học chất lượng, dành thời gian bên cạnh con để dạy con các kỹ năng xã hội.

Nhưng có một điều mà nhiều bậc cha mẹ ngày nay chưa thực sự để ý đến, đó là đưa con tiếp xúc với thiên nhiên. Có nhiều lý do cho hiện tượng này, một phần vì bản thân các phụ huynh cũng khá bận rộn và không có nhiều trải nghiệm đặc biệt với thiên nhiên như trước, họ cũng sợ trẻ con gặp sự cố không mong muốn ngoài tự nhiên. Hơn nữa, trẻ em ngày nay cũng áp lực và bận rộn hơn thế hệ trước rất nhiều, các em phải học tập nhiều hơn, sau giờ học thì phải lao vào học thêm, tham gia các lớp kỹ năng. Hệ quả là trẻ em đang dành ít thời gian ở ngoài trời hơn bao giờ hết.

Một nghiên cứu năm 2018 ở Anh cho thấy trẻ em dành khoảng bốn giờ bên ngoài mỗi tuần, ít hơn khoảng 50% so với thế hệ cha mẹ. Khi trẻ em không hoạt động ngoài trời, chúng sẽ bỏ lỡ những trải nghiệm quý giá giúp làm phong phú thêm sự phát triển về thể chất, nhận thức và tinh thần.

Làm gì khi trẻ em ngày càng ít thời gian hoạt động ngoài trời?-1

Lợi ích của thiên nhiên đối với trẻ em

Thiên nhiên mang lại nhiều lợi ích lâu dài về sức khỏe thể chất, sức khỏe tinh thần và năng lực học tập. Tiếp xúc với Vitamin D sẽ thúc đẩy sự chắc khỏe của xương và giảm thiểu các vấn đề liên quan đến bệnh tiểu đường và bệnh tim. Ngay cả việc chơi đùa với đất cát cũng có thể làm giảm mức độ lo lắng và căng thẳng ở trẻ em.

Đưa trẻ tiếp xúc với tự nhiên, từ các loài động vật độc đáo đến các phong cảnh thiên nhiên và các kiểu khí hậu khác nhau, giúp trẻ hiểu được sự đa dạng của thế giới xung quanh, đồng thời nhận thức được vị trí và trách nhiệm của mình trong thế giới đó.

Ví dụ, khi trẻ được nhìn thấy một dòng sông hay chạm tay vào dòng nước mát của một con suối, các em có thể hiểu hơn về môi trường sống của cá và phần nào nhận thức được nguồn tài nguyên quý giá nhất của sự sống bắt đầu từ đâu.

Làm gì khi trẻ em ngày càng ít thời gian hoạt động ngoài trời?-2

Một nghiên cứu của Đại học Essex vào năm 2010 chỉ ra, chỉ cần năm phút đắm mình vào thiên nhiên mỗi ngày là sức khỏe tinh thần sẽ được cải thiện nhanh chóng. Đối với trẻ em, tự do vui chơi ngoài trời giúp tăng cường kỹ năng giải quyết vấn đề, khả năng tập trung và kỷ luật tự giác.

Về mặt xã hội, vui chơi ngoài trời giúp cải thiện sự hợp tác, linh hoạt và khả năng nhận thức. “Trẻ sẽ thông minh hơn, có khả năng hòa đồng tốt hơn với những người khác, khỏe mạnh và hạnh phúc hơn khi chúng thường xuyên có cơ hội vui chơi tự do ngoài trời”, một nghiên cứu do Hiệp hội Y khoa Hoa Kỳ công bố năm 2005 kết luận.

Thiên nhiên không chỉ dừng lại ở những tán cây xanh mướt, núi non, biển hồ, sông suối, thiên nhiên có thể đến từ chính những vườn rau, ruộng lúa hay những khu đất trồng cây ăn quả.

Làm gì khi trẻ em ngày càng ít thời gian hoạt động ngoài trời?-3

Là một bậc phụ huynh, bạn có thể đưa con ghé thăm các khu vườn rộng lớn, những trang trại quy mô, giúp con hiểu về quy trình sản xuất thực phẩm địa phương và cách để tạo ra những loại thực phẩm có lợi cho sức khỏe. Bằng cách này, trẻ sẽ thêm trân quý những thực phẩm mình ăn hằng ngày, hiểu rằng quy trình từ trang trại đến siêu thị là cả một chặng đường vất vả.

Giúp trẻ tạo ra các hoạt động ngoài trời ý nghĩa

Nếu chưa có thời gian đưa trẻ trải nghiệm các hoạt động bên ngoài thiên nhiên như cắm trại ở rừng, bạn có thể cân nhắc đưa bé đi dạo ở công viên, bảo tàng, hoặc các khu du lịch có nhiều cây xanh.

Khi trải nghiệm môi trường tự nhiên, nhiều cha mẹ thường có tâm lý sợ mình gặp nguy hiểm, ví dụ như té ngã khi trèo cây, nhiễm vi khuẩn gây bệnh, ăn nhầm quả dại, đây đều là những rủi ro không ai mong muốn.

Làm gì khi trẻ em ngày càng ít thời gian hoạt động ngoài trời?-4

Để giảm thiểu rủi ro, bạn nên tìm hiểu kỹ về nơi mình sắp đến, nắm kỹ được địa hình cấu trúc thông qua bản đồ, tìm hiểu về hệ sinh thái xung quanh thông qua sách báo hoặc những người thông thạo vùng đất này. Đôi khi, trẻ cần leo trèo, vấp ngã để lớn khôn.

Không bao giờ là quá sớm (hoặc quá muộn) để khơi dậy tình yêu thiên nhiên cho trẻ.

Theo Phụ nữ Việt Nam