Chuyện gì xảy ra tiếp theo sau khi tàu Titan bị phá hủy do 'co sập'
Tin thế giới - Ngày đăng : 07:14, 24/06/2023
Chuẩn đô đốc John Mauger, Tư lệnh Vùng Cảnh sát biển 1 của Mỹ, cho biết cơ quan chức năng sẽ tiếp tục thăm dò đáy biển để tìm ra nguyên nhân tai nạn, theo Washington Post.
“Chúng tôi sẽ tiếp tục điều tra khu vực có các mảnh vỡ. Tôi biết có nhiều câu hỏi về vụ việc xảy ra thế nào, tại sao và lúc nào, cũng như câu hỏi về các quy tắc và tiêu chuẩn được áp dụng”, ông Mauger nói thêm.
Theo ông, gia đình các nạn nhân cần hiểu điều gì đã xảy ra. Do quốc tịch của các nạn nhân tương đối đa dạng, giới chức các nước sẽ cần gặp mặt và thỏa thuận về cách thức điều tra. Tuy vậy, ông từ chối bình luận về khả năng trục vớt các thi thể.
Ngày 18/6, tàu lặn Titan bị mất liên lạc và gặp nạn khi trên đường lặn tới xác tàu Titanic ở vùng biển ngoài khơi Canada. Vụ việc khiến năm người thiệt mạng.
Giới chuyên gia nhận định cơ quan chức năng sẽ mất nhiều thời gian để xác định chính xác nguyên nhân khiến thảm kịch xảy ra. Trong khi đó, khả năng trục vớt thi thể các nạn nhân được đánh giá là gần như không thể do bản chất của tai nạn.
Ít khả năng tìm được thi thể
Theo chuyên gia hải dương học Simon Boxall tại Đại học Southampton (Anh), thi thể của các nạn nhân khó có thể được trục vớt sau khi đã phải chịu áp lực “tương tự tháp Eiffel đáp lên người”.
Năng lượng lớn ép bẹp con tàu cho thấy các nạn nhân có thể không kịp nhận ra vấn đề mà tử vong “ngay lập tức”.
Theo ông Boxall, nhiều chuyên gia đã nhận định kịch bản này là điều “gần như chắc chắn xảy ra” nhưng không muốn lên tiếng khi chiến dịch tìm kiếm quy mô lớn chưa kết thúc.
Giờ đây, cơ quan chức năng - và cả OceanGate - sẽ chuyển hướng sang xem xét đâu là sai sót dẫn đến vụ việc thương tâm này. Khu vực xảy ra tai nạn sẽ được khảo sát kỹ lưỡng.
Phương tiện không người lái có thể được triển khai để thu thập mảnh vỡ. Chúng sẽ được ráp lại trên bờ để phân tích cách thức và thời điểm chính xác con tàu gặp nạn.
“Đây sẽ là công việc cần nhiều nỗ lực. Chúng ta sẽ không có đáp án ngay tuần sau”.
Giáo sư John Carlton tại Đại học City, London (Anh) cũng cho rằng các bên sẽ mất vài tuần để hiểu nguyên nhân vụ việc xảy ra từ góc độ kỹ thuật. Trong khi đó, cuộc chiến pháp lý (nếu xảy ra) sẽ kéo dài “hàng tháng, thậm chí hàng năm”.
“Trách nhiệm là vấn đề phức tạp và sẽ cần được thảo luận bởi các luật sư vì dường như các hành khách đã phải ký nhiều giấy miễn trừ trách nhiệm”, ông Carlton nhận định. Ông cũng chỉ ra vụ việc sẽ rất phức tạp do tai nạn xảy ra ở vùng biển quốc tế, không thuộc quyền tài phán của bất cứ quốc gia nào.
Ai sẽ trả tiền?
Tranh luận cũng đã nổ ra liên quan tới chi phí của chiến dịch tìm kiếm cứu nạn. Một số người đặt câu hỏi tại sao các cơ quan của chính phủ Mỹ và Canada - vốn hoạt động bằng tiền thuế của người dân - phải tham giải cứu một cuộc thám hiểm do tư nhân tổ chức. Tuy vậy, giới chức Mỹ cho rằng đây là điều cần làm.
“Điều này tương tự việc một công dân đi ra biển và thuyền bị chìm”, cựu Tư lệnh Cảnh sát biển Mỹ Paul Zunkunft nói. “Chúng tôi ra tìm kiếm người đó. Chúng tôi không buộc họ trả hóa đơn sau vụ việc”.
Hiệp hội Tìm kiếm Cứu nạn Mỹ (NASAR) khuyến cáo cơ quan chức năng thu tiền từ các chiến dịch giải cứu do có thể khiến người dân ngần ngại kêu gọi trợ giúp trong tình huống khẩn cấp.
Tuy nhiên, cũng có ý kiến cho rằng OceanGate - công ty vận hành con tàu - cần chi trả chi phí trục vớt các mảnh tàu dưới biển.
Ông Zunkunft cho biết thông thường chính phủ Mỹ sẽ chi tiền cho các chiến dịch tìm kiếm cứu nạn trên biển. Trong khi đó, sau khi chiến dịch đã hoàn tất, các công ty tư nhân cần quyết định liệu họ có trục vớt tàu không - và thực hiện điều này bằng cách nào.
Xác tàu lặn Titan nằm ở độ sâu khoảng 4 km so với mặt biển, ở địa điểm cách bờ hàng trăm hải lý. Do đó, công cuộc trục vớt sẽ tương đối khó khăn và tốn kém.