Việt Nam là 1 trong 10 quốc gia đứng đầu thế giới về số lượng du học sinh

Cộng đồng người Việt - Ngày đăng : 21:43, 23/06/2023

Theo ICEF Monitor, trang thông tin về du lịch và giáo dục quốc tế, Việt Nam đang trong top 10 quốc gia trên thế giới đứng đầu về số lượng du học sinh. Trong đó, số du học sinh Việt Nam tập trung nhiều nhất ở Hàn Quốc (66.000 sinh viên) và Nhật Bản (49.000 sinh viên).

Vị trí tiếp theo là các quốc gia, vùng lãnh thổ như: Mỹ (29.742), Úc (21.315), Đài Loan (20.000), Canada (16.140), New Zealand: (13.475) và Trung Quốc (12.000). Theo đó, Việt Nam đang đứng đầu về số du học sinh tại Đài Loan, đứng thứ hai tại Nhật và Hàn Quốc, thứ 4 tại New Zealand và thứ 5 tại Úc, thứ 6 tại Mỹ.

Lý giải sự gia tăng số lượng du học sinh trong những năm gần đây, bài báo cho rằng: Việt Nam là đất nước coi trọng học vấn, và ưu tiên đầu tư cho giáo dục. Trích dẫn thông tin từ ngân hàng đầu tư đa quốc gia HSBC cho thấy chi tiêu cho giáo dục chiếm 47% tổng chi tiêu hộ gia đình tại Việt Nam (năm 2018).

Việt Nam là 1 trong 10 quốc gia đứng đầu thế giới về số lượng du học sinh

Việt Nam đứng thứ 2 về số lượng du học sinh tại Hàn Quốc.

Một cuộc khảo sát do Dịch vụ tư vấn giáo dục quốc tế Acumen (thuộc tập đoàn Sannam S4 được thành lập ở Ấn độ vào năm 2008) thực hiện ở Việt Nam năm 2023 với 1.000 người tham gia là các bậc cha mẹ có thu nhập cao, có con từ 8-22 tuổi, cho thấy: 85% phụ huynh sẵn sàng cho con cái họ đăng ký các chương trình giáo dục xuyên quốc gia. Gần một nửa (48%) cho biết họ muốn con mình đăng ký vào các chương trình ở nước ngoài hoặc các chương trình giáo dục xuyên quốc gia hơn, so với 34% thích con họ học trong nước.

Đồng thời, xét theo những khía cạnh khác, Việt Nam cũng là một câu chuyện thành công với sự phát triển tầng lớp trung lưu nhanh nhất Đông Nam Á. Đồng nghĩa với việc ngày càng có nhiều gia đình có điều kiện cho con cái ra nước ngoài sinh sống, học tập.

Bắt đầu từ những cải cách kinh tế khi chính sách đổi mới được áp dụng vào năm 1986, cùng với các xu hướng tích cực toàn cầu hóa, Việt Nam từ một trong những quốc gia nghèo nhất thế giới đã vươn lên trở thành nền kinh tế có thu nhập trung bình chỉ trong một thế hệ.

Theo Ngân hàng Thế giới: Từ năm 2002 đến 2021, GDP bình quân đầu người ở Việt Nam tăng 3,6 lần, đạt gần 3.700 USD. Tỷ lệ nghèo đói (3,65 USD/ngày, 2017) giảm từ 14% năm 2010 xuống 3,8% năm 2020.

Thời gian đến trường của học sinh Việt Nam trung bình là 10,2 năm, chỉ đứng sau Singapore trong khối các nước Asean. Tỷ lệ nhập học đại học đã tăng từ 10% năm 2001 lên 29% vào năm 2019.

Bên cạnh đó, Việt Nam cũng nằm trong top 10 thị trường có tốc độ phát triển giáo dục điện tử (E-learning) nhanh nhất (20% từ năm 2019-2023) và thị trường này được định giá 3 tỷ USD vào năm 2021, tăng từ 2 tỷ USD vào năm 2019.

Với lợi thế dân số trẻ, hơn 20 triệu người Việt Nam ở độ tuổi 5-19, cùng với sự tăng cường đầu tư và thụ hưởng giáo dục như đã nêu trên, Việt Nam hứa hẹn sẽ là thị trường lao động hấp dẫn cho các nhà tuyển dụng trên thế giới.

Thanh Huyền (Theo ICEF Monitor)