Con gái kêu không nhìn thấy chữ trên bảng, mẹ hốt hoảng khi nghe chẩn đoán của bác sĩ
Cùng con trưởng thành - Ngày đăng : 20:22, 23/06/2023
Chị Nguyễn Thùy Dung (35 tuổi, Q.Thanh Xuân, Hà Nội) giật mình khi nhận kết quả học tập của cô con gái đang học lớp 2. Học kỳ I con chị đứng thứ 2 của lớp, vậy mà giờ thành tích tụt xuống thứ 15. Thời gian qua, cô bé liên tục kêu đi học không hiểu bài vì không nhìn rõ những gì cô giáo viết. Gần đây cha mẹ đã đưa bé đi khám.
Ảnh minh họa
ThS.Bs Hoàng Thanh Nga (Bệnh viện Mắt Hà Nội 2) là người trực tiếp khám cho H. Bác sĩ nhận thấy bệnh nhi đã cận -3 diop. Trong khi lịch sử khám cho thấy 1 năm trước độ cận chỉ là -0,25 diop. Không chỉ bác sĩ mà ngay cả chị Dung cũng hết sức ngạc nhiên, bởi bố mẹ đã hạn chế cho con xem TV, điện thoại... nhưng không ngờ độ cận lại tăng nhanh đến vậy.
ThS.BS Hoàng Thanh Nga.
Ths.Bs Hoàng Thanh Nga giải thích rằng, cận thị là một tật khúc xạ ở mắt khiến mắt nhìn xa mờ, chỉ nhìn rõ khi tiến lại gần hoặc đưa vật tới gần mắt. Thông thường, độ cận sẽ diễn tiến từ nhẹ đến nặng tuỳ theo độ tuổi khởi phát cận thị và thói quen sinh hoạt của trẻ. Nếu không kiểm soát và điều trị kịp thời, cận thị nặng có thể dẫn đến bệnh lý nguy hiểm thậm chí là mù loà.
Với trường hợp của H., bác sĩ chỉ định cho bé đeo kính đúng số, điều chỉnh thói quen sống, đồng thời bổ sung dinh dưỡng... để mắt khỏe hơn và có thể kiểm soát độ cận.
Bác sĩ khuyến cáo 5 thói quen giúp trẻ nhỏ kiểm soát độ cận thị
Theo Ths.Bs Hoàng Thanh Nga cho biết: Có không ít phụ huynh thấy con cận thị nhẹ nên đã chủ quan, không theo dõi tình trạng của con... đến khi trẻ bị tăng độ cận quá nhanh sẽ ảnh hưởng đến thị lực, kết quả học tập và chất lượng sống của trẻ.
Trẻ nhỏ vốn chưa có ý thức nên rất cần cha mẹ, thầy cô giám sát và hướng dẫn thực hiện một số thói quen tốt để có thể kiểm soát độ cận tăng.
1. Đeo kính đúng số
Cha mẹ cần cho con đeo kính đúng số và thăm khám định kỳ từ 3 – 6 tháng hoặc theo chỉ định của bác sĩ. Điều này giúp con được tư vấn về các phương pháp kiểm soát cận thị phù hợp.
2. Xây dựng thói quen sống tốt
Bố mẹ nên dạy con duy trì các thói quen tốt cho mắt, chọn môi trường đủ ánh sáng và giữ khoảng cách nhìn phù hợp. Hạn chế sử dụng các thiết bị điện tử; tránh thức quá khuya. Vì khi mắt phải điều tiết trong môi trường thiếu ánh sáng có thể dẫn đến mệt mỏi và tăng độ nhanh hơn.
3. Chú ý thư giãn cho mắt
Dạy trẻ chia nhỏ các khoảng thời gian nhìn gần. Thực hiện nguyên tắc 20:20:20, nghỉ ngơi mắt sau mỗi 20 phút nhìn gần, thư giãn mắt 20 giây bằng cách nhìn ra xa trên 6m (20 feet)
4. Tăng cường dinh dưỡng
Theo bác sĩ, việc bổ sung đầy đủ các chất dinh dưỡng đặc biệt là các thực phẩm giàu vitamin A và một số chất chống oxy hoá từ rau xanh, củ quả… là rất quan trọng, nó giúp mắt sáng, khoẻ mạnh hơn.
5. Tích cực tập luyện
Cha mẹ nên khuyến khích trẻ tham gia các hoạt động ngoài trời để tăng cường sức khoẻ cho đôi mắt.
"Ánh sáng mặt trời có tác dụng hỗ trợ kích thích sự hoạt hoá của các tế bào mắt, giúp mắt khoẻ mạnh hơn. Vitamin D trong ánh nắng mặt trời cũng giúp trẻ tăng cường hấp thụ canxi, chống còi xương và phát triển thể chất toàn diện", Ths.Bs Hoàng Thanh Nga cho hay.
Theo bác sĩ Nga, cận thị được chia làm 4 loại chính, đó là:
- Cận thị giả: Khi nhìn xa mắt có thể nhìn vật lúc rõ lúc mờ, nguyên nhân có thể là do mắt phải làm việc hoặc học tập quá sức.
- Cận thị thứ phát: Do các nguyên nhân cụ thể (thuốc, bệnh giác mạc hoặc các hội chứng toàn thân).
- Cận thị ban đêm: Trong môi trường ánh sáng mờ, yếu, mắt không phân biệt rõ các vật ở xa.
- Cận thị bệnh lý: sự kéo dài trục quá mức đi kèm với cận thị dẫn đến những thay đổi cấu trúc của phần sau của mắt (bao gồm giãn lồi cực sau, bệnh hoàng điểm và bệnh thị thần kinh liên quan cận thị cao) và có thể dẫn đến mất thị lực không hồi phục.
Theo PNVN