Điểm tin kinh doanh 24/6: Vàng thế giới lao dốc, trong nước duy trì 67 triệu đồng/lượng

Kinh doanh - Ngày đăng : 06:00, 24/06/2023

Cổ phiếu blue-chip giúp VN-Index áp sát mốc 1.130 điểm, thanh khoản vẫn tốt; Xuất khẩu rau quả tăng kỷ lục, kim ngạch 6 tháng gần bằng cả năm 2022
vang-1.jpg

- Vàng thế giới lao dốc, trong nước duy trì 67 triệu đồng/lượng

Giá vàng hôm 23/6 tiếp tục giảm sâu về quanh mốc 1.910 USD/ounce, mức thấp nhất trong vòng 3 tháng qua, sau quan điểm cứng rắn của Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) Jerome Powell trong phiên điều trần kéo dài 2 ngày trước Quốc hội nước này.

Tính đến 10 giờ sáng 23/6, giá vàng thương hiệu DOJI tại khu vực Hà Nội cũng như TP.HCM đang niêm yết ở mức 66,4 triệu đồng/lượng mua vào và 67 triệu đồng/lượng bán ra.

Giá vàng SJC ở khu vực Hà Nội, Đà Nẵng và TP.HCM đang mua vào mức 66,4 triệu đồng/lượng.

Ở chiều bán ra, tại Hà Nội và Đà Nẵng, vàng SJC đang giao dịch ở mức 67,02 triệu đồng/lượng, cao hơn 20.000 đồng so giá giao dịch tại TP.HCM.

Vàng PNJ đang mua vào ở mức 55,4 triệu đồng/lượng và bán ra mức 56,5 triệu đồng/lượng, giảm 100.000 đồng/lượng so cùng giờ ngày hôm 22/6.

Giá vàng thế giới sáng 23/6 tiếp đà giảm sâu với vàng giao ngay giảm 21,5 USD xuống còn 1.911,1 USD/ounce. Vàng tương lai tháng 8 giao dịch lần cuối ở mức 1.924 USD/ounce, giảm 20,9 USD so rạng sáng ngày trước đó.

Trong ngày điều trần thứ hai trước Hạ viện và Chủ tịch Thượng viện, Chủ tịch FED Powell nhắc lại thông điệp của mình rằng, đa số các quan chức Cục Dự trữ Liên bang vẫn hoàn toàn cam kết tăng lãi suất thêm 2 lần với tổng số 50 điểm cơ bản vào cuối năm nay; đồng nghĩa với việc đưa lãi suất của FED lên mức 5,5-5,7%.

Điều này khiến giá vàng lao dốc xuống mức thấp nhất trong vòng hơn 3 tháng qua.

- Cổ phiếu blue-chip giúp VN-Index áp sát mốc 1.130 điểm, thanh khoản vẫn tốt

Chỉ số VN-Index ghi nhận phiên tăng thứ 4 liên tiếp, qua đó áp sát mốc 1.130 điểm, bất chấp nhiều nhà đầu tư vẫn tỏ ra nghi ngờ về đà tăng hiện tại trong bối cảnh kinh tế vĩ mô phát tín hiệu xấu.

Phiên 23/6, chỉ số VN-Index tăng 4,08 điểm, tương đương 0,36%, lên 1.129,38 điểm. Nhóm VN30 tạo ra lực kéo chính khi chỉ số VN30-Index tăng 0,82%.

Cổ phiếu ngân hàng diễn biến khá tích cực, trong đó tiêu biểu là VPB tăng 3,06%, MBB tăng 1,51%, ACB tăng 1,15%, STB tăng 1%, SSB tăng 2,26%, VIB tăng 1,01%. Trong khi đó, BID, TCB, SHB, LPB, OCB tăng nhẹ dưới 1%. Ngược dòng có VCB, CTG, HDB và MSB nhưng mức giảm đều chưa tới 1%.

Các cổ phiếu chứng khoán lớn như SSI, HCM, VND, VCI đều biến động trong biên độ hẹp, trong khi các mã nhỏ hơn lại gây ấn tượng, chẳng hạn VIX tăng 3,39%, CTS tăng 1,4%, AGR tăng 4,55%.

Nhóm bất động sản bị bao phủ bởi sắc đỏ, tuy nhiên mức giảm đa số đều không sâu, khoảng trên dưới 1%. Ở chiều ngược lại, một số cái tên gây ấn tượng có thể kể đến CTD tăng 3,4%, AGG tăng 5,48% và QCG tăng kịch trần.

Nhóm sản xuất ghi nhận diễn biến hết sức khả quan từ các cổ phiếu vốn hóa hàng đầu. Cụ thể, HPG tăng 2,21%, VNM tăng 3,29%, MSN tăng 1,31%, SAB tăng 1,1%. Các mã còn lại ghi nhận tăng - giảm đan xen với mật độ khá đều.

Cổ phiếu năng lượng và bán lẻ phân hóa: GAS giảm 0,42%, POW giảm 0,36%, PLX giảm 0,4% còn PGV lại tăng 0,8%; MWG giảm 0,35% nhưng PNJ và FRT lần lượt có thêm 1,74% và 1,95% giá trị.

Cổ phiếu hàng không giao dịch tích cực với VJC tăng 0,53% và HVN tăng 2,88%.

Toàn sàn HoSE có 235 mã tăng giá, 52 mã đứng giá tham chiếu và 200 mã giảm giá. Thanh khoản khớp lệnh tiếp tục duy trì ở mức cao, đạt 16.701 tỷ đồng.

- WB: Việt Nam cần đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công

Ngân hàng Thế giới (WB) khuyến cáo Việt Nam cần đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công (bao gồm cả các Chương trình mục tiêu quốc gia) sẽ hỗ trợ tổng cầu và tăng trưởng kinh tế trong ngắn hạn. Trong dài hạn, ưu tiên đầu tư vào công nghệ kỹ thuật số, công nghệ xanh, cơ sở hạ tầng và nguồn nhân lực.

Ngân hàng Thế giới (WB) vừa công bố Báo cáo cập nhật tình hình kinh tế vĩ mô của Việt Nam tháng 6/2023.

Báo cáo nêu rõ, chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) chỉ tăng 0,1% (so với cùng kỳ) trong tháng 5 năm 2023, giảm từ mức 0,5% (so với cùng kỳ) trongtháng 4. Doanh thu bán lẻ tăng 11,5% trong tháng 5 năm 2023 so với cùng kỳ năm 2022, tương đương với mức tăng trưởng trong tháng 4. Doanh thu bán hàng hóa cải thiện từ 9,7% (so với cùng kỳ) trong tháng 4 lên 10,9% (so với cùng kỳ) trong tháng 5. Trong khi đó, tốc độ tăng trưởng doanh thu dịch vụ giảm từ 19,2% (so với cùng kỳ) trong tháng 4 xuống còn 7,6% (so với cùng kỳ) trong tháng 5.

Xuất khẩu hàng hóa thấp hơn 6% so với một năm trước do nhu cầu bên ngoài yếu. Nhập khẩu giảm 18,4% trong tháng 5 năm 2023 (so với cùng kỳ năm trước), phản ánh nhu cầu đối với nguyên liệu đầu vào của cả doanh nghiệp FDI và doanh nghiệp trong nước tiếp tục chậm lại. Điều này có thể cho thấy hoạt động sản xuất và xuất khẩu sẽ còn tiến triển chậm trong những tháng tới.

Lạm phát chỉ số giá tiêu dùng (CPI) ghi nhận giảm tháng thứ tư liên tiếp, từ mức 2,8% (so với cùng kỳ) trong tháng 4 xuống 2,4% (so với cùng kỳ) trong tháng 5 do giá năng lượng toàn cầu và chi phí vận tải trong nước giảm. Lạm phát cơ bản vẫn còn ở mức khá cao (4,5% so với cùng kỳ) trong tháng 5, so với tháng 4 (4,6% so với cùng kỳ).

Cam kết FDI đã chậm lại trong tháng 5 năm 2023 do những bất ổn toàn cầu tiếp tục ảnh hưởng đến niềm tin của nhà đầu tư. Vốn FDI giải ngân đạt 1,8 tỷ đô la Mỹ trong tháng 5 năm 2023, tương đương với cùng kỳ năm 2022.

Cũng theo WB, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) đã cắt giảm lãi suất tái cấp vốn từ 5,5% xuống 5% và lãi suất cho vay qua đêm từ 6,0% xuống 5,5%. Đây là lần cắt giảm lãi suất thứ ba liên tiếp kể từ tháng 3 năm 2023. Tăng trưởng tín dụng tiếp tục chậm lại, giảm từ 9,2% (so cùng kỳ) trong tháng 4 năm 2023 xuống còn 9,0% (so với cùng kỳ) trong tháng 5 và phản ánh nhu cầu đang suy yếu.

Cân đối ngân sách ghi nhận mức thâm hụt khá lớn, khoảng 2 tỷ đô la Mỹ, trong tháng 5 năm 2023. Thu ngân sách giảm 35,8% (so với cùng kỳ), phản ánh tác động một lần của nền cơ sở cao do các khoản thu tăng cao sau Covid-19 từ các khoản thu liên quan đến đất, tài sản, VAT các khoản thu khác cùng kỳ năm 2022. Chi tiêu công đã tăng 27,8% (so với cùng kỳ) trong tháng 5 năm 2023.

Theo WB, nhu cầu bên ngoài tiếp tục yếu và những bất ổn toàn cầu đang có tác động bất lợi đến nền kinh tế, dẫn đến xuất khẩu và nhập khẩu bị thu hẹp, và sản xuất công nghiệp chậm lại. Trong khi tiêu dùng trong nước (thể hiện qua doanh thu bán lẻ) vẫn khá vững và có thể so sánh với mức tăng trước đại dịch, tăng trưởng tín dụng tiếp tục chậm lại, phản ánh nhu cầu tín dụng yếu.

WB dự báo, trường hợp điều kiện tài chính toàn cầu thắt chặt hơn, nhu cầu bên ngoài có thể suy yếu hơn nữa. Miền Bắc Việt Nam bắt đầu bị thiếu điện tiêu dùng và sản xuất vào cuối tháng 5, nếu không được giải quyết kịp thời có thể ảnh hưởng đến nền kinh tế.

Theo báo cáo của WB, khi lạm phát có dấu hiệu giảm dần, NHNN đã nới lỏng các chính sách tiền tệ để hỗ trợ nền kinh tế. Tuy nhiên, cơ quan điều hành chính sách tiền tệ sẽ cần theo dõi chặt chẽ sự khác biệt trong xu hướng điều hành chính sách tiền tệ của Việt Nam so với các nước khác, điều mà có thể tạo ra áp lực lên dòng vốn và tỷ giá.

Trong thời gian tới, WB khuyến cáo cần đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công (bao gồm cả các Chương trình mục tiêu quốc gia) sẽ hỗ trợ tổng cầu và tăng trưởng kinh tế trong ngắn hạn. Đồng thời, ưu tiên đầu tư vào công nghệ kỹ thuật số và công nghệ xanh, cơ sở hạ tầng và nguồn nhân lực sẽ giúp thúc đẩy sự phát triển bền vững lâu dài.

- Xuất khẩu rau quả tăng kỷ lục, kim ngạch 6 tháng gần bằng cả năm 2022

Dự báo đến hết tháng 6, xuất khẩu rau quả có thể mang về 3 tỉ USD gần tương đương với kim ngạch của toàn ngành trong năm 2022.

Theo Hiệp hội rau quả Việt Nam dù chỉ mới qua 3 tuần của tháng 6 nhưng kim ngạch rau quả đã đạt 723 triệu USD, tăng hơn 79% so với cùng kỳ 2022, trong đó, sầu riêng, thanh long đóng góp nhiều nhất. Như vậy từ đầu năm đến nay, xuất khẩu rau quả đạt gần 2,8 tỷ USD.

Dự báo kết thúc tháng 6 xuất khẩu rau quả có thể đạt tới 3 tỉ USD, tương đương giá trị xuất khẩu của cả năm 2022 gần 3,2 tỉ USD.

Xuất khẩu rau quả bắt đầu sôi động từ cuối năm 2022 khi thị trường Trung Quốc mở cửa trở lại. Tuy nhiên, giá trị xuất khẩu tăng đột biến từ 2 tuần cuối tháng 5-2023 khi đạt giá trị trên 400 triệu USD; tăng gấp đôi so với 2 tuần trước đó. Đà tăng tiếp tục trong những ngày đầu tháng 6.

Trong nhóm trái cây xuất khẩu, sầu riêng là mặt hàng có mức tăng mạnh nhất. 5 tháng, xuất khẩu quả sầu riêng đạt hơn 503 triệu USD, gấp hơn 18 lần so với cùng kỳ năm trước (27,6 triệu USD).

Trong top 10 thị trường xuất khẩu rau quả lớn nhất của Việt Nam thì Trung Quốc dẫn đầu với gần 63,5% thị phần, tăng hơn 12,4% so cùng kỳ năm ngoái (kim ngạch đạt gần 1,3 tỷ USD trong 5 tháng đầu năm). Tiếp đến là thị trường Hàn Quốc, Nhật Bản, Hà Lan đều tăng trưởng tốt, chỉ Mỹ giảm 12% so với cùng kỳ.

Việt Báo (Tổng hợp)