Bài toán thu hút vốn tư nhân xây dựng sân bay
Nhịp sống - Ngày đăng : 16:12, 23/06/2023
Sáng 23/6, Cổng thông tin điện tử Chính phủ tổ chức buổi tọa đàm với chủ đề Huy động các nguồn lực phát triển hạ tầng hàng không.
Tọa đàm được chủ trì bởi TS Nguyễn Sĩ Dũng, nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, và các khách mời gồm ông Nguyễn Anh Dũng (Phó vụ trưởng Vụ Kế hoạch Đầu tư - Bộ GTVT), TS Lương Hoài Nam (chuyên gia hàng không), ông Phạm Ngọc Sáu (nguyên Giám đốc sân bay Vân Đồn).
Tại tọa đàm, các chuyên gia chia sẻ nhận thức chung về việc cần thiết phải huy động vốn tư nhân để xây mới hoặc nâng cấp các sân bay. Tuy nhiên, thực tế cho thấy cả nước mới chỉ có một sân bay BOT được hoàn thành (sân bay Vân Đồn) và việc nhân rộng các dự án tiếp theo đang gặp nhiều khó khăn.
Chia sẻ về bối cảnh hiện nay, TS Lương Hoài Nam cho biết 6 sân bay lớn và "hấp dẫn" nhất cả nước cơ bản đã có chủ trương giao cho Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) quản lý, khai thác. Do đó, dư địa đầu tư PPP sẽ không nằm ở các sân bay này.
"Có khoảng 10-12 sân bay được đưa vào danh mục xã hội hóa, và nói thẳng ra không phải là "ngon". Chúng ta muốn cố gắng thu hút đầu tư xã hội hóa các sân bay này thì phải trải thảm", ông Lương Hoài Nam chia sẻ.
Việc "trải thảm đỏ" theo cách nói của TS Lương Hoài Nam bao hàm cơ chế chính sách thông thoáng, đặc biệt là thủ tục hành chính cần đơn giản, mạch lạc và không có rủi ro cho nhà đầu tư.
Đối với mô hình sân bay chuyên dùng, ông Nam khẳng định chỉ với tổng mức đầu tư không quá 500 tỷ đồng có thể xây ngay được một sân bay với khu bay nhỏ, nhà ga tối thiểu. Tuy nhiên, các nhà đầu tư khi cầm nghị định của Chính phủ lên đọc thì thấy khó, không làm nổi. Ông đề xuất các sân bay chuyên dùng nên giao cho địa phương phê duyệt đầu tư, quản lý. Các bộ ngành chỉ tập trung quản lý theo chuyên ngành.
Với kinh nghiệm 5 năm quản lý vận hành sân bay tư nhân Vân Đồn, ông Phạm Ngọc Sáu cũng góp ý kiến về cách thức tạo đột phá trong việc thu hút vốn xây dựng sân bay.
Thứ nhất, Nhà nước cần tạo môi trường kinh doanh thuận lợi, đáng tin cậy, đơn giản hóa thủ tục, hoàn thiện độ tin cậy về quyền sở hữu, chính sách đất đai; đảm bảo môi trường đầu tư ổn định.
Bên cạnh đó, quy trình cấp phép, quản lý hoạt động sân bay phải minh bạch. Xây dựng được mô hình đối tác công tư mạnh mẽ, hữu ích.
Một vấn đề được ông Sáu đặt ra là xung quanh sân bay phải có hạ tầng đường bộ, đường sắt, đường thủy kết nối thuận tiện để tăng tiềm năng giao thương, du lịch. Ông Sáu lấy ví dụ sân bay Vân Đồn được xây trên đất Quảng Ninh, nhưng khách đến Hạ Long thường chọn sân bay Cát Bi (Hải Phòng) vì đi lại thuận tiện hơn.
"Ngoài ra, cũng phải tạo điều kiện, có chính sách ưu đãi cho các hãng hàng không và các công ty vận tải mở đường bay mới. Tạo môi trường hỗ trợ cho các doanh nghiệp có liên quan như kinh doanh nhà hàng tại sân bay", ông Sáu chia sẻ.
Ghi nhận ý kiến của các chuyên gia, TS Nguyễn Sĩ Dũng bổ sung một yếu tố để đột phá là vai trò của các địa phương. Đơn cử như Quảng Ninh đã giải phóng mặt bằng nhanh để nhà đầu tư làm sân bay Vân Đồn.
"Có khi công trình rẻ, không đội vốn, đội giá gì nhưng kéo từ năm này qua năm khác sẽ đội lên rất nhiều. Nhiều khi hiệu quả công trình tiết kiệm nằm ở thời gian rút ngắn giải phóng mặt bằng", ông Sĩ Dũng chia sẻ.
Tọa đàm do Cổng thông tin điện tử Chính phủ tổ chức diễn ra trong bối cảnh Chính phủ vừa ban hành quy hoạch sân bay toàn quốc giai đoạn 2030, tầm nhìn 2050 với chủ trương tận dụng nguồn vốn xã hội hóa để đầu tư sân bay. Bên cạnh đó, Bộ GTVT cũng đang hoàn thiện Đề án định hướng huy động nguồn vốn xã hội đầu tư kết cấu hạ tầng cảng hàng không.