6 tháng đầu năm: quản lý thị trường TP.HCM kiểm tra, xử phạt hơn 1.000 vụ vi phạm hành chính

Kinh doanh - Ngày đăng : 23:04, 22/06/2023

Ngày 22/6, Cục Quản lý thị trường TP.HCM đã có báo cáo kết quả kiểm tra, xử phạt vi phạm hành chính 6 tháng đầu năm 2023.
6thang-4.jpg

Cục Quản lý thị trường TP.HCM tiếp tục thực hiện các chỉ đạo của Bộ trưởng Bộ Công Thương và Tổng cục Quản lý thị trường về việc thực hiện các giải pháp bảo đảm cân đối cung cầu, bình ổn thị trường; chống các hành vi đầu cơ, găm hàng và vi phạm pháp luật trong hoạt động thương mại trong tình hình dịch Covid-19 vẫn còn tiềm ẩn, phức tạp; về việc tăng cường kiểm tra, xử lý vi phạm trong kinh doanh xăng dầu…

Kết quả chung công tác kiểm tra, xử phạt vi phạm hành chính trong 6 tháng đầu năm 2023: kiểm tra 1.805 vụ (tăng 838 vụ, tăng 86,65% so với cùng kỳ năm trước); số vụ xử lý: 1.594 vụ, trong đó có 24 quyết định xử phạt vi phạm hành chính/quyết định tịch thu theo thẩm quyền của UBND TP, UBND quận/huyện; 1.570 quyết định xử phạt vi phạm hành chính/quyết định tịch thu theo thẩm quyền của quản lý thị trường.

Tổng số vụ đã thu phạt và nộp ngân sách là 1.637 vụ, thu nộp vào ngân sách hơn 37 tỷ đồng (tăng 150,46% so với cùng kỳ năm trước) gồm gần 30 tỷ đồng tiền phạt hành chính, hơn 6 tỷ đồng tiền bán hàng tịch thu và hơn 935 triệu tiền phạt truy thu số lợi bất hợp pháp. Đã tiêu hủy hàng giả, hàng cấm, hàng không đủ điều kiện lưu thông trị giá hơn 30,6 tỷ đồng (tăng 93% so với cùng kỳ năm trước). Trị giá hàng tịch thu chờ bán khoảng 102 tỷ đồng.

Trong kỳ, Cục Quản lý thị trường TP.HCM đã chuyển cơ quan tiến hành tố tụng xem xét khởi tố vụ án hình sự: là 8 vụ (trong đó, có 4 vụ hàng giả, 3 vụ hàng lậu và 1 vụ hàng cấm), đang xem xét là 8 vụ, ước tính trị giá hàng hóa vi phạm khoảng 5,2 tỷ đồng.

Trong 6 tháng đầu năm 2023, Cục Quản lý thị trường TP.HCM đã chỉ đạo các đội quản lý thị trường tăng cường quản lý địa bàn, xác định rõ các địa bàn trọng điểm, mặt hàng trọng tâm nên việc triển khai kiểm tra, kiểm soát hiệu quả, đúng trọng tâm và đạt được nhiều kết quả tích cực, thể hiện qua số liệu kiểm tra một số lĩnh vực, mặt hàng như sau: thuốc lá điếu nhập lậu và thuốc lá điện tử; hàng hóa nhập lậu; hàng hóa không rõ nguồn gốc, xuất xứ; hàng giả; thực phẩm; mỹ phẩm, dược phẩm, thực phẩm chức năng, vị thuốc y học cổ truyền; thương mại điện tử.

Ngoài ra, các đội quản lý thị trường địa bàn tích cực tham gia các đoàn kiểm tra liên ngành của TP Thủ Đức và quận/huyện về phòng chống dịch bệnh gia cầm, gia súc, an toàn thực phẩm, văn hóa xã hội, giá, sau đăng ký kinh doanh, gas, hóa chất, y dược tư nhân, xăng dầu… đã kiểm tra 21.541 vụ, có 107 vụ vi phạm. Trong đó, riêng liên ngành phòng chống dịch bệnh gia cầm, gia súc đã kiểm tra 20.646 vụ, có 16 vụ vi phạm về kiểm dịch, giao cơ quan thú y xử lý 936 con gia cầm sống và 400 kg thịt gia cầm. Xử phạt vi phạm hành chính với số tiền là 106,5 triệu đồng.

Hoạt động buôn lậu và sản xuất kinh doanh hàng giả, xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp, hàng kém chất lượng, không đảm bảo an toàn thực phẩm…; các mặt hàng trang thiết bị y tế, khẩu trang y tế, thuốc tân dược, lương thực, thực phẩm ... có chiều hướng tăng, diễn biến phức tạp; hoạt động kinh doanh trong lĩnh vực thương mại điện tử và các trang mạng xã hội như Facebook, Zalo,… sẽ phát triển theo chiều hướng tăng ở hầu hết các nhóm hàng hóa.

Tình hình buôn lậu, gian lận thương mại trong tạm nhập, tái xuất, chuyển khẩu, khai báo không đúng khối lượng, chủng loại, xuất xứ để buôn lậu, gian lận về thuế sẽ không giảm; hàng hóa sẽ tiếp tục tập kết tại các kho hàng, bến bãi; vận chuyển, kinh doanh hàng lậu, hàng giả, vi phạm sở hữu trí tuệ, hàng giả xuất xứ, không rõ nguồn gốc,… sẽ phát sinh thông qua các dịch vụ bưu điện, chuyển phát nhanh, dịch vụ hàng không, logistic; sử dụng thương mại điện tử, ứng dụng thiết bị di động để quảng cáo, giao dịch hàng hóa nhằm tránh sự kiểm tra, phát hiện của các lực lượng chức năng, Cục Quản lý thị trường TP.HCM cho biết thêm.

THANH PHƯỢNG (Tổng hợp)