Doanh nhân Nhật Bản hơn 10 năm nhặt rác hồ Gươm để "trả ơn Việt Nam"
Hồ sơ - nhân vật - Ngày đăng : 20:08, 22/06/2023
8 giờ ngày cuối tuần, ông Tohru Ninomiya, 73 tuổi, cùng khoảng 30 người nước ngoài và tình nguyện viên Việt Nam tập trung tại Quảng trường Đông Kinh Nghĩa Thục (quận Hoàn Kiếm).
Sau khi chào hỏi, họ phân chia túi giấy, găng tay, kẹp sắt, rồi tản đi khắp hồ Gươm để nhặt rác, dưới cái nắng oi ả của mùa hè Hà Nội.
30 phút sau, các tình nguyện viên quay về điểm tập kết, trên tay là những túi giấy mà bên trong ngập tràn mẩu thuốc lá, cốc giấy, chai nhựa,…
Họ tiến hành thu gom, phân loại, rồi chuyển rác tái chế đến trụ sở các dự án môi trường. Các đơn vị này sau đó đưa rác đến các nhà máy xử lý.
Kết thúc buổi nhặt rác, các tình nguyện viên Nhật Bản và Việt Nam cùng chụp một bức ảnh lưu niệm. Hơn một thập kỷ, vẫn góc chụp bên hồ Gươm, người đến - người đi, nhưng hoạt động nhặt rác vẫn luôn bền bỉ 30 phút mỗi sáng chủ nhật hàng tuần.
"Tôi mong muốn lan tỏa một thói quen tốt đến mọi người, nhất là trẻ em", ông Tohru Ninomiya, người khởi xướng dự án, nói.
Tháng 10/2008, ông Tohru Ninomiya lần đầu sang Việt Nam, làm việc cho một công ty chuyên sản xuất cao su. Ngắm nhìn thủ đô Hà Nội, doanh nhân Nhật Bản thấy con người nơi đây thân thiện, cuộc sống yên bình.
Một lần đi bộ ven hồ Gươm, ông quan sát nhiều người dân tiện tay vứt mẩu thuốc lá, ném chai nhựa… xuống đường, trong vườn hoa… dù bên cạnh là thùng rác công cộng. Ông cho rằng, nếu điều này không sớm thay đổi, thì hồ Gươm sẽ dần mất đi vẻ đẹp vốn có.
"Tôi luôn biết ơn những người Việt Nam đầu tiên đã cùng tôi xây dựng, thành lập công ty. Tôi nghĩ mình cần làm một điều gì đó, để trả ơn và đóng góp cho xã hội Việt Nam", ông Ninomiya nhớ lại.
Tháng 3/2011, ông tự bỏ tiền mua túi giấy, kẹp và găng tay, rủ thêm 5 đồng nghiệp, bắt đầu nhặt rác ở hồ Gươm. Thời điểm đó, hoạt động này được duy trì hai tuần một lần, rồi chuyển đều đặn sáng chủ nhật hàng tuần từ tháng 9/2012.
Câu chuyện người đàn ông Nhật Bản nhặt rác hồ Gươm nhanh chóng thu hút truyền thông địa phương. Năm 2013, bức ảnh có tên "Nhặt rác vì tình yêu Hà Nội", chụp khoảnh khắc ông Ninomiya mặc áo mưa màu đỏ cặm cụi nhặt rác ở hồ Gươm, đã đạt giải Nhất cuộc thi "Vì môi trường xanh 2013".
Hình ảnh này lan tỏa mạnh mẽ đến cộng đồng Việt Nam, truyền cảm hứng cho nhiều người yêu môi trường ở Hà Nội. Trong số đó, bà Nguyễn Thị Minh Phương, 65 tuổi, chuyên gia khí tượng thủy văn về hưu, đã tham gia và hỗ trợ ông Ninomiya từ tháng 10/2012.
Bà quan niệm: "Nếu người nước ngoài yêu Hà Nội, tự bỏ tiền và công sức để nhặt rác, thì chúng ta phải tâm huyết hơn thế".
Để kêu gọi người dân cùng hưởng ứng nhặt rác 8 giờ chủ nhật hàng tuần, bà Phương đã giúp ông Ninomiya thành lập nhóm tình nguyện Làm sạch đẹp hồ Gươm với Ninomiya trên Facebook. Đây là nơi bà dành tôn vinh những người đã đổ mồ hôi để "bảo vệ màu xanh thủ đô".
Mỗi buổi nhặt rác kéo dài 30 phút, trung bình có khoảng 20 thành viên, thời điểm đông nhất tăng lên 50 - 60, trong đó có cả người Việt Nam và Nhật Bản.
Bộ dụng cụ được đặt ngay ngắn dưới mặt đất để bất cứ ai cũng có thể tham gia, từ trẻ em, học sinh, sinh viên, đến phụ huynh, người đi làm, cụ già, doanh nhân, chuyên gia…
"Chúng tôi bền bỉ nhặt rác, làm đẹp hồ Gươm bất kể nắng - mưa, chỉ gián đoạn hoạt động thời kỳ đại dịch Covid-19", bà nói.
Những ngày đầu, nhiều người hỏi bà Phương "nhặt rác được tiền không?".
Đáp lại, bà cười, nói đây là hoạt động tự nguyện làm sạch môi trường, để người khác nhìn vào sẽ tự cảm thấy xấu hổ mỗi khi định xả rác lung tung.
Có những người thắc mắc tại sao nhóm tình nguyện chỉ nhặt rác 30 phút mỗi buổi, cho rằng hoạt động này chỉ như "muối bỏ bể" hay "dã tràng xe cát".
Thời gian đầu nghe vậy, Tohru Ninomiya cảm thấy có chút chạnh lòng, song theo ông, "30 phút là thời gian đủ và hợp lý để duy trì một phong trào lâu dài".
"Nếu hoạt động kéo dài, các thành viên sẽ mệt, nhất là những ngày hè nóng bức, dễ mất đi sự hào hứng", người đàn ông Nhật Bản giải thích.
Hiểu được thế nào là "đủ và hợp lý", dự án của ông Ninomiya được mọi người quan tâm, dần mở rộng phạm vi ảnh hưởng, tác động không nhỏ tới ý thức người dân.
Biết đến nhóm Làm sạch đẹp hồ Gươm với Ninomiya qua em gái, hơn một tháng qua, chị Kim Huệ (37 tuổi, quận Hoàng Mai) đều đặn đưa 5 người con, lớn nhất 10 tuổi, bé nhất 6 tháng tuổi, đến hồ Gươm nhặt rác.
"Tôi muốn rèn cho các con tình yêu thiên nhiên, tôn trọng sự vất vả, nhọc nhằn của các cô lao công", chị chia sẻ.
Dù một mình xoay xở với 5 đứa trẻ, người mẹ nói không mệt, miễn các con học được cách bảo vệ môi trường thông qua hoạt động nhặt rác hàng tuần. Ở nhà, chị cũng thường hướng dẫn con thu gom, phân loại và vứt rác đúng nơi quy định.
Ông Trần Văn Đạm, 76 tuổi, sống tại huyện Vĩnh Tường (tỉnh Vĩnh Phúc) đã gắn bó 9 năm với Làm sạch đẹp hồ Gươm với Ninomiya.
4h mỗi cuối tuần, ông đi nhiều chuyến xe buýt để xuống Hà Nội, thuê trọ hoặc ngủ nhờ nhà người quen, chờ đến giờ nhặt rác.
"Chính ông Ninomiya và cô Phương đã truyền cảm hứng cho tôi. Tôi mong rằng mỗi người dân, mỗi du khách sẽ tự giác vứt rác đúng nơi quy định", ông Đạm nói, kêu gọi người trẻ hành động vì môi trường sống lý tưởng.
Sau 10 năm, ông Ninomiya và bà Phương nhận thấy ý thức vệ sinh xung quanh hồ Gươm đã được cải thiện đáng kể, nhiều thùng rác được chính quyền địa phương bố trí xung quanh khu vực này.
Theo bà Phương, sự bền bỉ và kiên trì của nhóm đã góp phần thay đổi ý thức của người dân, để họ nhận ra đằng sau mỗi ghế đá xung quanh hồ Gươm là một bãi rác có thể được lấp đầy bằng một túi giấy.
"Hình ảnh tình nguyện viên nhặt rác đã gắn liền với hồ Gươm hơn một thập kỷ", bà Phương cho hay.
Ông Ninomiya cũng nhận ra điểm mấu chốt để duy trì dự án, chính là sự tham gia nhiệt tình của những người Việt Nam yêu môi trường. Mỗi lần ông về nước hoặc đi công tác, bà Phương và các thành viên khác đã thay phiên tổ chức để hoạt động không bị gián đoạn.
"Tôi không nói dự án này đem đến kết quả tích cực ra sao. Tôi chỉ mong đây là nơi mọi người cùng nhau làm việc tốt", ông tâm sự.
Người đàn ông Nhật Bản không biết có thể gắn bó với Việt Nam đến bao giờ, nên đã chuyển giao hầu hết hoạt động của nhóm cho các tình nguyện viên Việt Nam. Ông nói đã hoàn thành sứ mệnh người khởi xướng và dẫn dắt, hy vọng thế hệ tiếp theo sẽ kế thừa và mở rộng dự án.
"Đến một ngày, khi ông Ninomiya về nước, chúng tôi sẽ tự làm sạch đất nước của chúng tôi", bà Phương khẳng định, quyết tâm duy trì hoạt động hàng tuần như cách mà ông Ninomiya đã "trả ơn Việt Nam" suốt 11 năm qua.
Ông Tohru Ninomiya tâm niệm, giáo dục trẻ em là điều cốt lõi để hình thành ý thức bảo vệ môi trường. Trong đó, gia đình và nhà trường là những người định hướng trẻ hình thành hoạt động nhặt rác mỗi ngày.
"Tôi mong rằng, 5 - 10 năm nữa, mọi người đều có thói quen rủ nhau nhặt rác", ông nói.
Ông Tohru Ninomiya, 73 tuổi, quốc tịch Nhật Bản.
Từ năm 2008 đến nay, ông làm việc tại các công ty Ishigaki Vietnam (2008 - 2015), Hiroshima Energy Supply (2015 - 2018) và Kubota Kasui Vietnam (2018 - nay).
Năm 2018, ông Ninomiya được UBND quận Hoàn Kiếm biểu dương "Người tốt, việc tốt", với hoạt động nhặt rác xung quanh hồ Gươm.