Sẽ có du thuyền cao cấp, tàu nghỉ qua đêm trên sông Sài Gòn

Du lịch online - Ngày đăng : 10:42, 22/06/2023

Đây là những sản phẩm du lịch sẽ đưa vào hoạt động nhằm tạo ra những điểm nhấn đặc trưng, thu hút cho du lịch đường thủy tại TP.HCM.

Tăng cường các dịch vụ du lịch đường thủy

Hiện nay, TP.HCM có 4 tuyến sông chính: Sông Sài Gòn, sông Đồng Nai, sông Soài Rạp và sông Lòng Tàu với hệ thống kênh rạch kết nối tạo ra mạng lưới đường thủy liên kết với các tỉnh Bình Dương, Tây Ninh, Đồng Nai, Long An, Bà Rịa - Vũng Tàu và đặc biệt kết nối với các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long.

Trong thời gian qua, dù du lịch đường thủy được khai thác nhưng chưa đạt nhiều hiệu quả, không tạo được sự quan tâm, thu hút du khách trong và ngoài nước. Tổng lượt khách du lịch đường thủy giảm dần từ 845.000 lượt năm 2018 còn 297.000 lượt năm 2020. Nguyên nhân được cho là quy hoạch chưa hoàn chỉnh, cơ chế quản lý thiếu toàn diện, cơ sở hạ tầng hạn chế, môi trường nước chưa đảm bảo...

Sẽ có du thuyền cao cấp, tàu nghỉ qua đêm trên sông Sài Gòn - 1

TP.HCM có 101 tuyến đường thủy với tổng chiều dài 913km

Để phát triển sản phẩm du lịch đường thủy TP.HCM giai đoạn 2023-2025, Sở Du lịch TP.HCM đề ra hai giai đoạn phát triển từ năm nay đến 2024 và 2024-2025.

Theo đó, giai đoạn 2023-2024 sẽ cải thiện và nâng cao chất lượng các sản phẩm du lịch đường thủy hiện có như tuyến du lịch đi Bình Quới (bán đảo Thanh Đa, quận Bình Thạnh), tuyến đi Củ Chi, tuyến đi Cần Giờ. Sở Du lịch cũng sẽ “làm mới” tuyến du lịch nội đô Nhiêu Lộc - Thị Nghè, hướng tuyến từ bến du thuyền quận 1 đến bến du thuyền quận 3.

Trên tuyến quan trọng này, cơ quan chức năng sẽ đầu tư các dịch vụ vui chơi, giải trí trên mặt nước như chèo xuồng SUP - thuyền kayak, các hoạt động team building, kết hợp với một số hoạt động mang tính lễ hội, như: thả hoa đăng, đua thuyền, sân khấu dưới nước, tái hiện chợ nổi để thu hút du khách. Đồng thời kết hợp với phố ẩm thực Phan Xích Long (quận Phú Nhuận) tham quan, ăn uống, giải trí nên cần đầu tư xây dựng một bến thủy nội địa gần khu vực này để tăng tính kết nối.

picture-491762652-1687389464-176-width1430height954.jpg

Đi waterbus ngắm hoàng hôn ở sông Sài Gòn

Giai đoạn 2024-2025, thành phố sẽ tăng cường các dịch vụ du lịch trên sông. Trong đó tái hiện chợ nổi trên sông tại khu vực chân cầu Tân Thuận (quận 4 và quận 7) định kỳ thứ bảy, chủ nhật hàng tuần; xây dựng các mô hình phát triển du lịch đường sông trên sông Sài Gòn như loại hình tàu nghỉ cao cấp qua đêm trải nghiệm trên sông Sài Gòn, Cần Giờ; tàu gỗ nhỏ chở khách vào các khu vực rạch nhỏ, kết hợp với việc tham quan các di tích lịch sử, đình, chùa, làng nghề trên tuyến.

Giai đoạn này cũng sẽ đầu tư các tuyến mới như tuyến đi quận 7 (hướng tuyến: bến Cầu Mống/bến Bạch Đằng - sông Sài Gòn - kênh Tẻ - rạch Ông Lớn - rạch Đỉa) với chương trình trải nghiệm dịch vụ vui chơi, giải trí dưới nước như chèo thuyền kayak, ca nô kéo…; hoặc tuyến du lịch liên quận 1, 4, 5, 6 và 8, hướng tuyến bến Cầu Mống/bến Bạch Đằng - sông Sài Gòn - kênh Tẻ - kênh Tàu Hủ đến bến Bình Đông hoặc tiếp tục theo kênh Đôi đến đình Bình Đông. Trên địa bàn TP Thủ Đức cũng nghiên cứu sản phẩm du lịch đường sông mới, hướng tuyến: bến Bạch Đằng - sông Sài Gòn - rạch Chiếc - rạch Ông Nhiêu - sông Tắc - sông Đồng Nai - chùa Hội Sơn.

TP.HCM đã lên kế hoạch cho nhóm các sản phẩm du lịch thủy tầm xa, từ TP.HCM đi các tỉnh lân cận với chiều dài lớn hơn 60km. Cụ thể, sẽ có tuyến đường thủy xuất phát từ cảng Sài Gòn, bến Bạch Đằng, bến Cầu Mống... đi các tỉnh như Bà Rịa - Vũng Tàu, Bình Dương, Đồng Nai, Tiền Giang, Bến Tre, Vĩnh Long, Cần Thơ và tuyến Châu Đốc (An Giang) để kết nối qua Campuchia. Các tuyến xa thường phục vụ khách có nhu cầu giải trí, thể thao, đánh golf, nghỉ dưỡng, du lịch tâm linh…

Biến du lịch đường thủy thành sản phẩm đặc trưng

Ông Lê Trương Hiền Hòa, Phó Giám đốc Sở Du lịch TP.HCM cho biết, ngành du lịch TP luôn xác định phát triển du lịch đường thủy là nội dung quan trọng nằm trong chiến lược phát triển du lịch TP đến năm 2030. “Đây là sản phẩm du lịch được đánh giá có sức hấp dẫn và tiềm năng lớn, có giá trị cạnh tranh cao không chỉ trong nước và cả quốc tế. Ngoài tiếp tục cùng các doanh nghiệp khai thác các sản phẩm du lịch gắn với đường thủy như tour Bạch Đằng đi Củ Chi, Cần Giờ; du lịch nội đô Nhiêu Lộc - Thị Nghè thì ngành du lịch còn hoàn thiện các dịch vụ tăng giá trị trải nghiệm”, ông Hòa chia sẻ.

Theo ông Hòa, sắp tới TP sẽ có các dịch vụ thưởng ngoạn trên sông kết hợp thưởng thức ẩm thực trên tàu nhà hàng, du thuyền, hoạt động trải nghiệm gắn với thể thao như chèo SUP; tour ngắm du thuyền cho khách tầm trung và cao cấp, sản phẩm liên kết bằng tàu cao tốc từ TP.HCM đến Vũng Tàu, Bến Tre, Tiền Giang… “Khai thác tuyến đường sông chắc chắn sẽ là điểm nhấn quan trọng, sản phẩm du lịch đặc trưng của TP nếu được đầu tư và khai thác một cách có hiệu quả năm 2023”, ông Hòa nhìn nhận.

Sẽ có du thuyền cao cấp, tàu nghỉ qua đêm trên sông Sài Gòn - 3

Du lịch đường thủy phát triển chưa xứng tầm với tiềm năng của thành phố

Sở Du lịch TP.HCM cũng sẽ xây dựng bộ thuyết minh chuẩn về tuyến du lịch đường thủy và bản đồ các tuyến du lịch đường thủy, các điểm đến trên tuyến bằng công nghệ GIS. Nghiên cứu bến Bạch Đằng thành bến trung tâm, làm điểm xuất phát đi các tuyến du lịch đường thủy. Sở Du lịch TP.HCM còn đề xuất xã hội hóa đầu tư xây dựng các điểm dừng chân ven sông; tăng cường các dịch vụ du lịch trên sông, có chính sách hỗ trợ các nhà điều hành tour du lịch sông nước. TP tiếp tục đầu tư du thuyền cao cấp, tàu nhà hàng tiêu chuẩn 4-5 sao và phát triển thêm loại hình tàu nghỉ qua đêm trải nghiệm trên sông Sài Gòn.

Sẽ có du thuyền cao cấp, tàu nghỉ qua đêm trên sông Sài Gòn - 4

Bến Bạch Đằng về đêm

Kế hoạch này của Sở Du lịch TPHCM nhận được nhiều ý kiến đồng thuận từ doanh nghiệp du lịch. Tuy nhiên, việc kêu gọi đầu tư các tuyến giao thông đường thủy, phát triển du lịch đường thủy liên kết vùng cần cả một quá trình dài. Theo đó, Nhà nước cần có thêm nhiều chính sách, tiện ích hoặc các sản phẩm du lịch để thu hút các doanh nghiệp vào khai thác và người dân yêu thích các sản phẩm này.

Bên cạnh đó, việc phát triển vận tải hành khách du lịch bằng đường thủy hiện tại cũng đang gặp khó khăn vì còn vướng quy hoạch. Cụ thể như tuyến sông số 1 (Bạch Đằng - Linh Đông), với 9 bến hoạt động từ năm 2017 đến nay nhưng vẫn còn 4 bến chưa xây dựng được. Nguyên nhân là do chưa được giao thuê đất. Chính vì vậy, giải pháp đặt ra là các quận, huyện cần sớm điều chỉnh bổ sung quy hoạch, sớm làm các thủ tục giao thuê đất để doanh nghiệp hoàn thiện hạ tầng.

Để phát huy hiệu quả và có sức hút, theo đại diện các doanh nghiệp, rất cần sự chăm chút, liên tục làm mới những sản phẩm hiện có. Thêm nữa, cần có kế hoạch đảm bảo vệ sinh môi trường, ngăn chặn tình trạng vứt rác ra sông, kênh rạch.