Vào 'sào huyệt' Đề Ga
Nhịp sống - Ngày đăng : 07:33, 21/06/2023
Làng Bon Broai (xã Ia Broai, ngoại ô thị xã Ayunpa), cách Pleiku-thành phố tỉnh lỵ Gia Lai 100 km. Đây là nơi chôn nhau cắt rốn và cũng là nơi mẹ cùng các em của Ksor Kơk đang sinh sống.
Thời điểm ấy, tình hình nơi đây đang cực nóng, nên khi biết tôi có ý định đến đó, nhiều bạn bè, đồng nghiệp can ngăn vì lo ngại an ninh không đảm bảo. Duy có hai người bạn ở Tòa án tỉnh Gia Lai là Ngọc Khánh và Ksor Jưh động viên, hỗ trợ tôi đi.
Jưh là cán bộ trẻ mới ra trường và gia đình Jưh ở cùng làng Bon Broai. Bận việc không về được, Jưh tận tình chỉ dẫn đường đi nước bước, còn gọi điện về nhà nhờ cha mẹ và một số cán bộ địa phương hỗ trợ tôi. Riêng Khánh sắp xếp đi cùng nên tôi lấy làm an tâm.
Bến Mộng trên sông Ba, cửa ngõ vào xã Ia Broăi, với cây cầu bê tông kiên cố đang được xây dựng |
1. Sáng sớm ngày 29/12/2001, từ Pleiku, tôi và Khánh đón xe đò đến bến xe thị xã Ayunpa rồi bắt xe ôm đi theo chỉ dẫn của Jưh để về làng. Làng Bon Broai nằm bên bờ sông Ba, cách trung tâm thị xã vài ki-lô-mét và qua đò bến Mộng là tới.
Có sự hậu thuẫn của Juh nhưng tôi vẫn không khỏi lo lắng. Việc đầu tiên đặt chân đến đây là chúng tôi đến trụ sở UBND xã để trình giấy tờ, đề nghị được cung cấp thông tin tư liệu và quan trọng nhất là hỗ trợ vào làng.
Chủ tịch xã là ông Kpă Man, ông cho biết, cả xã có 518 hộ với 2.989 nhân khẩu, 100% là người dân tộc Jarai và được chia làm 4 thôn. Sau khi cung cấp thông tin về tình hình tại địa phương, ông cắt cử Trưởng công an xã, anh Ksor Pup đưa chúng tôi vào thăm làng.
Trong làng toàn bộ là nhà sàn, làm bằng gỗ, có nhà lợp ngói, có nhà lợp tôn, và có cả mái tranh. Vừa nghe anh Ksor Pup nói chuyện, vừa tận mắt thấy những gì đang diễn ra, đủ cảm nhận được nơi này có sự quan tâm đặc biệt của Nhà nước, cơ sở hạ tầng đang được đầu tư, đời sống người dân có nhiều thay đổi. Đầu năm 2000 điện lưới quốc gia kéo về từng nhà dân.
Cây cầu bê tông kiên cố bắc qua sông Ba nối trung tâm thị xã với xã Ia Broai và vùng lân cận, tổng trị giá 18 tỷ đồng đang được xây dựng. Từ năm 1999 nhà nước bắt đầu xây dựng kênh mương nội đồng để người dân phát triển sản xuất nông nghiệp. Trường học cũng được xây dựng khang trang và tất cả trẻ em trong độ tuổi đều được đến trường.
Tác giả (đội mũ, thứ hai từ phải qua) cùng một số cán bộ, người dân địa phương trước căn nhà bà Ksor H’BleKsor H’Ble. Ảnh chụp chiều 29/12/2021. |
2. Chúng tôi đến nhà bà Ksor H’Ble, mẹ của Ksor Kok - kẻ đã kích động một bộ phận người dân tộc thiểu số gây ra những biến cố ở Tây Nguyên. Đó là căn nhà tương đối nhỏ nằm gần rìa làng. Dù là mẹ của “tổng thống tự phong”, nhưng bà Ksor H’Ble thuộc hộ đói, chính quyền thường phải hỗ trợ, từ gạo, mắm muối đến áo quần, chăn màn, thuốc men....
Bà Ksor H’Ble ở tuổi 75, mấy hôm rồi không được khỏe nên chỉ nằm trong nhà. Bà có 4 người con trai, trong đó Ksor Kok là con người chồng đầu. Cha Kok mất khi Kok còn bé. Bà lấy chồng mới và có thêm 3 con trai là Ksor Ni, Ksor Krok, Ksor Nhơk.
Kok lớn lên đăng lính cho Mỹ rồi bỏ xứ đi biệt tích từ năm 1964. Ba người con còn lại đều được nhà nước đãi ngộ. Krok và Nhok trước cùng làm cán bộ hợp tác xã nông nghiệp, Ksor Ni từng làm công an xã nhưng nghe theo sự xúi giục, hứa hẹn của Kok, cả ba đã tham gia biểu tình, gây rối ở địa phương và trượt dài theo con đường tội lỗi.
Điều đó khiến bà rất khổ tâm. “Thằng Kok, tưởng nó chết rồi, nhưng ai ngờ nó sang Mỹ làm người xấu. Nó còn dụ dỗ các em và nhiều người khác làm chuyện xấu”, bà Ksor H’Ble nói với vẻ mặt buồn rười rượi. Bà cho biết, suốt ngày chúng nó lo đi làm việc xấu, bỏ bê chuyện làm ăn, nhà cửa. Dù có nhiều con nhưng lúc bà đau bệnh nằm một chỗ, không đứa nào quan tâm, chăm sóc.
Chị H’Beng đang tách hạt bắp mới thu hoạch trong căn nhà của mình |
3. Chiều tà, gió se lạnh. Trên đường đến nhà cha mẹ của Jưh, tôi nhận được tin nhắn của anh bạn đồng nghiệp. Anh yêu cầu tôi phải ra khỏi làng trước khi bóng tối ập xuống, đặc biệt không được ở lại đêm trong làng vì theo lời anh là “rất nguy hiểm”. Tôi có phần lưỡng lự, nhưng khi gặp cha mẹ Jưh, thấy ông bà hiền lành phúc hậu, tôi quyết định ở lại.
Trong lúc chờ mẹ Jưh-bà Ksor H’pi làm cơm, tôi ra chỗ bậc thang lên xuống nhà sàn đứng xem lũ trẻ trong làng đá bóng ở đám đất trống ngay trước mặt. Quả bóng làm bằng đủ thứ chất liệu và được quấn tròn bằng dây vải.
Lúc đầu, chúng chia hai phe đá qua đá về, dần dà tất cả đều chạy theo giành bóng. Vừa đá, chúng vừa hò reo dậy cả làng. Tôi chưa từng chứng kiến trận chơi bóng nào vui đến vậy. Cho đến khi trăng non chênh chếch và ánh sáng mờ đục trong màn sương chúng mới chịu thôi.
Bữa cơm tối nhà mẹ Jưh có thịt gà và một số món bản địa khác. Chúng tôi vừa ăn, vừa uống rượu cần, nói chuyện rôm rả. Khi lất khất say cũng là lúc nhiệt độ ngoài trời xuống thấp. Thấy lạnh trong người, tôi xin phép vào góc nhà, nơi mẹ Jưh đã chuẩn bị sẵn và trùm chăn ngủ.
Chừng quá nửa đêm, có tiếng động và tiếng người đâu đó nói chuyện khiến tôi thức giấc. Nằm im trong chăn, tôi suy nghĩ đến chuyện anh bạn đồng nghiệp cảnh báo nguy hiểm...
Rồi bỗng dưng tôi thấy ớn lạnh khi nhớ hình ảnh lưỡi rựa sáng loáng mình bắt gặp trên tay một người đàn ông có vẻ bí hiểm trong làng... Tôi trở nên cảnh giác và giỏng tai nghe ngóng đề phòng bất trắc ập đến từ bên ngoài. Rất may, cả đêm trôi đi bình yên.
Buổi sáng, tôi dậy thật sớm. Vừa bước ra ngoài đã thấy nhiều người thức dậy. Sương dày đặc. Mấy người nhà sát bên, lớn có, nhỏ có đứng co ro gần như bất động trong chiếc khăn choàng thổ cẩm, mắt nhìn xa xăm, vô định. Thi thoảng họ nói với nhau điều gì đó bằng tiếng địa phương nên tôi không hiểu. Một lúc sau có tiếng khọt khẹt. Nhìn lên cột điện trước nhà thấy chiếc loa sắt rõ to.
Người nhà Jưh kể, từ khi có điện, chính quyền địa phương gắn hệ thống loa phóng thanh để truyền tin tức. Lúc đầu không chịu được tiếng oang oang, bà con bèn dùng cây chọc cho loa rụng xuống đất như cách hái một quả mít. Giờ thì đã quen, nhiều người còn thích đón nghe thông tin thời sự và cả ca nhạc.
Chương trình truyền thanh buổi sáng kết thúc, chúng tôi dùng bữa sáng do mẹ Jưh chuẩn bị rồi xin phép ra về. Sương dần tan. Hừng đông ló dạng từ phía chân trời.
Ksor Jưh hiện là Chánh án TAND huyện Phú Thiện (tỉnh Gia Lai). Qua điện thoại, Jưh cho biết, bà Ksor H’Ble đã mất từ nhiều năm trước. Bà ra đi mang nỗi dằn vặt của một người mẹ bởi những đứa con hư. “Chỉ mỗi chuyện đó là đáng buồn, còn lại đều rất đáng vui vì quê em đã thay đổi rất nhiều, bà con không ai còn đói và nhiều người làm giàu từ ruộng đồng, buôn bán...”, Jưh nói. Trước khi dứt lời, Jưh còn dặn: “Có dịp, anh lên thăm lại Bon Broai nhé!”