Bài 1: Món hàng trong chợ Dân Sinh khiến người khách lặng người

Nhịp sống - Ngày đăng : 07:00, 21/06/2023

Buổi trưa, chợ vắng người. Bãi giữ xe trước cổng số 3 thưa thớt. Bên trong chợ, sạp hàng các loại nghẹt kín. Có lẽ người bán nhiều hơn người mua. Thế nhưng điều này không lạ, trước đây hàng chục năm chợ cũng thế. Vậy mà chợ đã nuôi sống hàng trăm gia đình...

Buổi trưa, chợ vắng người. Bãi giữ xe trước cổng số 3 thưa thớt. Bên trong chợ, sạp hàng các loại nghẹt kín. Có lẽ người bán nhiều hơn người mua. Thế nhưng điều này không lạ, trước đây hàng chục năm chợ cũng thế. Vậy mà chợ đã nuôi sống hàng trăm gia đình...

Có đổi thay, chợ vẫn trầm lắng

Chợ Dân Sinh nằm ngay góc đường Yersin - Nguyễn Công Trứ (phường Phạm Ngũ Lão, quận 1, TP.HCM) là một ngôi chợ lâu đời.

Rộng khoảng 5.000 m2 có 3 cửa ra vào, chợ có hàng trăm sạp hàng đủ loại ngoại trừ thực phẩm và... vàng.

Chợ Dân Sinh, cổng phía đường Nguyễn Công Trứ. Đối diện với chợ chệch hướng về phía đường Ký Con trước đây có rạp Cathay, nơi phát xuất sự nghiệp du đãng của Đại Cathay.

Có lẽ lâu lắm - phải hơn 40 năm - chúng tôi mới trở lại chợ. Chợ bây giờ có nhiều chủng loại hàng hóa được bày bán. Trước kia trong cuộc sống hàng ngày, ai cần một món hàng khó kiếm vì cũ kỹ lỗi thời vẫn có thể tìm thấy được ở đây với giá rẻ.

Hàng ở đây không mới. Có thể là hàng phế thải tận dụng, có thể hàng lượm lặt từ các kho phế liệu và cũng có thể hàng từ những tay trộm cắp mang đến bán. Từ con vít nhỏ đến động cơ lớn, từ một cọng cáp đến món phụ tùng quí hiếm, ở đây đều có.

Thành ngữ "khu dân sinh" đã trở thành quen thuộc với cộng đồng thời bấy giờ.

Không còn bán đồ "lạc-xoong" (đồ cũ - người này không dùng nữa nhưng lại có ý nghĩa với người khác), chợ Dân Sinh ngày nay với những sạp hàng khang trang.

Hôm nay, chúng tôi vào chợ. Như một sự lột xác, chợ Dân Sinh giờ đây ngăn nắp và trật tự. Những sạp hàng trưng bày trông rất bắt mắt và khêu gợi tính tò mò của người đi mua hàng.

Một người bán hàng trong chợ cho biết: "Ở những chợ khác có rất nhiều khách hiếu kỳ vãn cảnh nhưng với chợ Dân Sinh, khách đến là tìm hàng để mua. Vì thế dù ít khách nhưng chúng tôi vẫn bán được và sống được".

Các loại sản phẩm phục vụ sản xuất và tiêu dùng như hàng điện tử gia dụng, thiết bị bảo hành, bảo trì và phụ tùng xe hơi, xe gắn máy, thiết bị điện, công cụ cầm tay bằng điện, máy bơm nước, xe nâng, xe đẩy và các thiết bị công nghiệp khác được bày bán tại chợ...

Ngoài ra, tại chợ còn có những sạp hàng bán đồ lưu niệm, dụng cụ cắm trại... Dĩ nhiên, giá cả cũng tùy loại và tùy khách hàng. Người bán chỉ cần nhìn qua người khách mua để có thể đưa ra một giá bán phù hợp. Thử đặt trường hợp bạn là một khách hàng không sành sỏi, bạn sẽ nhận được giá hàng ở trên trời và những lời giải thích "có cánh" về món hàng bạn muốn mua...

Dẫu có đổi thay kết cấu bên trong ngôi chợ và bộ mặt của ngôi chợ có sáng sủa hơn nhiều nhưng chợ Dân Sinh vẫn mãi mãi còn lưu giữ được không khí trằm lắng cố hữu của nó.

Có đồng tiền nào mua được kỷ niệm đâu?

Chợ mênh mông như thế nhưng những sạp bán các loại hàng cũ xưa chỉ đếm được trên đầu ngón tay. Chúng tôi cố tìm đến với một ý niệm muốn nhớ lại một thời đã qua và đã được hướng dẫn đến khu tạm xếp.

Đèn bão, đèn măng-sông, lon Guigoz, những vật dụng gần với người dân thuở trước.

Khu này có khoảng hơn 20 sạp hàng trong đó có 6 sạp bán đồ cũ. Số còn lại bán quần áo lính, quân trang quân dụng. Chúng tôi dừng lại ở sạp hàng 1C. Ở đây, rất nhiều món hàng mang đậm dấu ấn của thời gian. Từ những chiếc cân tay, những cái phèng la đến ba-lô, ghế bố được sản xuất vào những năm của thập niên 1950.

Phía trên cao là những chiếc đèn măng-sông mà thuở xưa nhà nào giàu có lắm mới sắm nổi để mỗi đêm chỉ thắp được vài giờ, những chiếc bàn ủi con gà mà mỗi lần muốn ủi đồ phải nướng than cho thật đỏ bỏ vào đó... Khó mà có thể kể hết được. Nhìn những món hàng ấy, phải những người đã từng sống trong giai đoạn đó mới rộn lên được niềm cảm xúc.

Tôi nói với người bán hàng là anh Lâm Nghĩa (41 tuổi) lấy cho tôi xem chiếc hộp quẹt zippo cũ kỹ. Cầm trên tay, tôi mở nắp. Tiếng tách thật trong và khi đậy lại cũng một tiếng kêu đặc biệt. Đúng là chiếc zippo thứ thiệt rồi. Lật ở dưới lên, 2 bên chữ zippo còn có những gạch nhỏ. Không thể lẫn vào đâu được. Đúng hàng và đúng thời gian sản xuất. Hộp quẹt zippo sản xuất gần đây không có những gạch nhỏ này.  

Hộp quẹt zippo (trong vòng tròn).

Chỉ vậy thôi nhưng trong lòng tôi nôn nao khó tả. Anh Nghĩa nói với tôi, hàng của anh có đủ chủng loại. Thật có, giả có, nhái có... Khách hàng muốn thứ nào anh cũng cung cấp được thứ đó.

Anh Lâm Nghĩa bên gian hàng của mình

Điều đáng lưu ý, hàng của anh bán, người mua về không phải để sử dụng mà chỉ là để trưng bày. Những quán cà phê, những tụ điểm ca nhạc, có một vài món hàng cũ xưa để trang trí cũng nói lên được một chút gì của thời đã qua.

Một người khách ghé vào. Ông với lấy chiếc nón nhựa treo trên giá. Săm soi, lật qua, lật lại. Ông lấy chiếc nón úp ngay trước ngực mình. Chiếc nón này xuất hiện ở Chợ Lớn vào những năm 1960. Những người Hoa bán hủ tiếu gõ, buôn bán ve chai hoặc những người chạy xích lô, ba gác thường đội nón này.

Giá 1 triệu đồng, người mua đắn đo nhưng không muốn trả lại chiếc nón.

Mỗi buổi sáng, tại các quán cà phê, những chiếc nón như thế này thường được úp bên cạnh khách. Chiếc nón có lẽ đã theo ông khách này một thời gian khá lâu nên bây giờ gặp lại, những kỷ niệm lần trở về với ông. Anh Lâm Nghĩa ra giá với ông 1 triệu đồng.

Ông chần chừ, kỳ kèo nhưng không buông chiếc nón. Cuối cùng ông chấp nhận mua. Nếu bây giờ, chiếc nón này được sản xuất thì giá thành cũng chỉ vài chục ngàn đồng. Nhưng ông chấp nhận mua với giá 1 triệu đồng vẫn không đắt. Ông nói: "Kỷ niệm là vô giá. Có đồng tiền nào mua được kỷ niệm đâu, phải không anh?"

Trần Chánh Nghĩa

Đã đăng trên VietNamNet ngày 28/04/2018   

https://vietnamnet.vn/vn/doi-song/song-la/mon-hang-trong-cho-dan-sinh-khien-nguoi-khach-lang-nguoi-445437.html?fbclid