Thời sự 24 giờ: Xử lý dứt điểm vụ AIC, FLC, Vạn Thịnh Phát, đăng kiểm
Xã hội - Ngày đăng : 06:00, 20/06/2023
Tổng Bí thư chỉ đạo xử lý dứt điểm vụ AIC, FLC, Vạn Thịnh Phát, đăng kiểm
Theo yêu cầu của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, các cơ quan cần tập trung chỉ đạo, phối hợp xử lý dứt điểm các vụ liên quan đến Công ty Việt Á, AIC, FLC, Vạn Thịnh Phát, đăng kiểm... Chỉ đạo này được Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh tại Hội nghị sơ kết 1 năm hoạt động của Ban Chỉ đạo cấp tỉnh về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực (Ban Chỉ đạo cấp tỉnh), sáng 19/6.
Xem thêm: Làm rõ sai phạm của các tổ chức đảng trong vụ FLC, Vạn Thịnh Phát, AIC
Xem thêm: Tổng Bí thư: Xử lý một vụ cảnh tỉnh cả vùng, xử một người để cứu muôn người
Theo báo cáo, các Ban Chỉ đạo cấp tỉnh đã đưa 444 vụ án, 156 vụ việc tham nhũng, tiêu cực phức tạp, dư luận xã hội quan tâm vào diện theo dõi, chỉ đạo. Từ đó, các cơ quan khởi tố mới 530 vụ án/1.858 bị can phạm tội về tham nhũng; số cán bộ, đảng viên bị khởi tố do hành vi tham nhũng, tiêu cực là 1.132 bị can.
Các cơ quan chức năng đồng thời xử lý kỷ luật 15 tổ chức Đảng, gần 80 cán bộ, công chức các cơ quan phòng chống tham nhũng, tiêu cực nhưng có sai phạm về tham nhũng, tiêu cực.
Trong xử lý sai phạm, Tổng Bí thư khẳng định chủ trương kiên quyết, nghiêm minh, đồng bộ giữa kỷ luật Đảng, kỷ luật hành chính của Nhà nước, đoàn thể và xử lý hình sự
"Xử lý không có vùng cấm, không có ngoại lệ, bất kể người đó là ai và không chịu sự tác động không trong sáng của bất kỳ tổ chức, cá nhân nào", Tổng Bí thư nói.
Theo chỉ đạo của người đứng đầu Đảng, các cơ quan cần tập trung lãnh đạo, chỉ đạo phát hiện sớm, xử lý kịp thời, nghiêm minh các vụ án, vụ việc tham nhũng, tiêu cực. Trong đó, tập trung chỉ đạo, phối hợp xử lý dứt điểm các vụ, việc liên quan đến Công ty Việt Á, AIC, FLC, Vạn Thịnh Phát, đăng kiểm và các vụ án, vụ việc liên quan đến cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp.
Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk Yeol sắp thăm Việt Nam
Bộ Ngoại giao Việt Nam cho biết, nhận lời mời của Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng, Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk Yeol và phu nhân sẽ thăm cấp Nhà nước Việt Nam từ ngày 22 đến 24/6.
Ông Yoon Suk Yeol là Tổng thống thứ 20 Đại Hàn Dân Quốc, nhậm chức vào tháng 5/2022.
Trước đó vào đầu năm nay, Chủ tịch Quốc hội Hàn Quốc Kim Jin Pyo thăm chính thức Việt Nam (12-18/1); Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Kinh tế Tài chính Choo Kyung Ho cũng có chuyến thăm Việt Nam vào ngày 10/3.
Theo Bộ Ngoại giao, Việt Nam và Hàn Quốc đang duy trì cơ chế đối thoại chiến lược ngoại giao - an ninh - quốc phòng cấp thứ trưởng, đối thoại an ninh Việt - Hàn cấp thứ trưởng và đối thoại quốc phòng Việt - Hàn cấp thứ trưởng.
Hai bên cũng đã ký bản ghi nhớ về bảo mật thông tin quân sự vào năm 2014, biên bản thỏa thuận về khắc phục hậu quả bom mìn sau chiến tranh năm 2016, tuyên bố tầm nhìn chung về hợp tác quốc phòng đến năm 2030.
Bộ Nội vụ không ủng hộ phương án của Bộ Công Thương chuyển Trung tâm Điều độ hệ thống điện
Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà vừa có văn bản gửi Thủ tướng góp ý về việc chuyển Trung tâm Điều độ hệ thống điện quốc gia (A0) từ Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) về Bộ Công Thương.
Bộ trưởng Bộ Nội vụ cho rằng A0 đã đáp ứng đủ điều kiện để chuyển đổi thành doanh nghiệp theo quy định của Luật Doanh nghiệp, Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất kinh doanh tại doanh nghiệp, cùng các văn bản hướng dẫn thi thành. Vì vậy trung tâm này có thể hoạt động độc lập về nhân sự, pháp lý, tài chính, không chung lợi ích với bên bán điện và bên mua điện, do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ trong giai đoạn 2021-2025.
Xem thêm: EVN tạm đình chỉ Giám đốc Trung tâm Điều độ hệ thống điện Quốc gia
Trên cơ sở đó, Bộ Nội vụ đồng tình với việc tách A0 từ EVN sang Bộ Công Thương, nhưng cần hoạt động theo mô hình doanh nghiệp. Mô hình này có đầy đủ cơ sở pháp lý để tổ chức triển khai thực hiện được ngay.
Xem thêm: Đề xuất chuyển Trung tâm Điều độ hệ thống điện Quốc gia về Bộ Công Thương
Bộ trưởng Bộ Nội vụ báo cáo Thủ tướng có ý kiến chỉ đạo Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp làm rõ trách nhiệm trong việc tham mưu, theo dõi, quản lý quá trình hình thành và phát triển các cấp độ thị trường điện lực tại Việt Nam gắn với tái cơ cấu EVN.
Đồng thời, các cơ quan liên quan hoàn thiện phương án chuyển nguyên trạng A0 từ EVN về Bộ Công Thương và xây dựng đề án chuyển A0 thành Công ty TNHH MTV Vận hành hệ thống điện; thị trường điện thuộc Bộ Công Thương.
Đắk Lắk đảm bảo an toàn tuyệt đối tại các điểm this au vụ việc tại Cư Kuin
Chiều 19/6, Sở GD&ĐT Đắk Lắk họp báo thông tin về công tác chuẩn bị và tổ chức thi tốt nghiệp THPT trên địa bàn.
Năm nay, toàn tỉnh Đắk Lắk có trên 21.000 thí sinh đăng ký dự thi, trong đó có khoảng 5.900 thí sinh là người đồng bào dân tộc thiểu số (chiếm tỷ lệ 28%).
Xem thêm: Vợ ôm mặt khóc, đưa chồng đi đầu thú
Trả lời về vấn đề đảm bảo an ninh trong thời gian diễn ra kỳ thi, sau vụ tấn công khủng bố tại trụ sở chính quyền cấp xã ở huyện Cư Kuin, Giám đốc Sở GD&ĐT Đắk Lắk Phạm Đăng Khoa cho biết, Công an tỉnh đã có kế hoạch cụ thể thắt chặt an ninh trong kỳ thi, không chỉ trên địa bàn huyện Cư Kuin mà áp dụng với toàn tỉnh.
Xem thêm: Người vợ kể báo công an, đưa chồng về đầu thú vụ tấn công trụ sở xã ở Đắk Lắk
Qua đó, yêu cầu đặt ra là đảm bảo an ninh tuyệt đối tại 33 điểm thi cho thí sinh, cán bộ, phụ huynh đưa con em đi thi.
Ông Khoa thông tin, tại địa bàn huyện Cư Kuin có 2 điểm thi tại 2 trường THPT Việt Đức và THPT Y Jút với trên 690 thí sinh dự thi, 41 phòng thi.
Riêng trường hợp của con trai liệt sĩ Nguyễn Văn Dũng (Chủ tịch UBND xã Ea Tiêu), người hy sinh trong vụ tấn công, thí sinh được đổi diện ưu tiên để đảm bảo quyền lợi trong kỳ thi.
Đại tá Nguyễn Hữu Lương - Trưởng phòng An ninh chính trị nội bộ (PA03), Công an tỉnh Đắk Lắk cho biết, công an đã có phương án đảm bảo an ninh trong quá trình diễn kỳ thi tốt nghiệp THPT trên địa bàn tỉnh.
Bên cạnh đó, cơ quan chức năng đã lường trước vấn đề tâm lý với học sinh, nhất là tâm lý học sinh là người đồng bào dân tộc thiểu số. Do đó, Công an tỉnh đã yêu cầu công an các địa phương tham mưu để cấp ủy tổ chức động viên, ổn định tinh thần cho người dân, nhất là các gia đình có con em tham gia kỳ thi.
Cựu Phó Cục trưởng Cục Thuế TP.HCM bị đề nghị 4-5 năm tù
Ngày 19/6, TAND TP.HCM tiếp tục phần xét hỏi tại phiên tòa xét xử sơ thẩm 67 bị cáo trong vụ sai phạm xảy ra tại Công ty CP Phát triển nhà Thủ Đức (Thuduc House), Cục Thuế TP.HCM và các đơn vị khác.
Bị cáo Nguyễn Thị Bích Hạnh (54 tuổi, cựu Phó Cục trưởng Cục Thuế TP.HCM) bị truy tố về tội vi phạm quy định về quản lý tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí, theo khoản 3, Điều 219 Bộ luật Hình sự, có khung hình phạt từ 10 - 20 năm tù. VKSND TP.HCM đã đề nghị HĐXX phạt bị cáo Hạnh 4 - 5 năm tù.
Xem thêm: Quá nhiều việc nên để xảy ra sai phạm
Theo vị đại diện VKS, bị cáo Hạnh đã chỉ đạo, ký các quyết định hoàn thuế cho Công ty nhà Thủ Đức đối với 15 kỳ từ tháng 4/2018 - 6/2019 trái quy định, bỏ qua các dấu hiệu rủi ro về thuế, không áp dụng nguyên tắc quản lý rủi ro trong quản lý hoàn thuế.
Cạnh đó, bị cáo này còn có ý kiến chỉ đạo các bộ phận giải quyết hoàn thuế cho Công ty nhà Thủ Đức không áp dụng đầy đủ quy trình và các văn bản hướng dẫn quản lý hoàn thuế, gây thất thoát cho Nhà nước 331 tỷ đồng.