Bất động sản Việt Nam đang được nhà đầu tư ngoại săn đón
Bất động sản - Ngày đăng : 07:08, 19/06/2023
Chia sẻ với Tri Thức Trực Tuyến trong chuyến công tác đến Việt Nam cách đây không lâu, ông Matthew Bouw, Giám đốc điều hành toàn khu vực châu Á - Thái Bình Dương (APAC) của Cushman & Wakefield khẳng định Việt Nam ngày càng hấp dẫn nhiều nhà đầu tư tổ chức khắp toàn cầu.
Hồi tháng 3, công ty dịch vụ bất động sản thương mại này đã tổ chức một sự kiện ở trụ sở Singapore dành cho 80 nhà đầu tư tổ chức lớn nhất thế giới, nhiều trong số đó đến từ châu Á. Khi thăm dò ý kiến của lãnh đạo các công ty về những thị trường đầu tư bất động sản ưa thích, Cushman & Wakefield nhận được đa số câu trả lời gọi tên Nhật Bản, Australia và Việt Nam.
Ông Matthew Bouw, Giám đốc điều hành Cushman & Wakefield APAC. Ảnh: NVCC. |
Có sẵn các động lực tăng trưởng
Theo ông Matthew Bouw, nhà đầu tư tổ chức luôn nhắm đến các thị trường ổn định và đáng tin cậy. Đặc biệt, trong bối cảnh thị trường bất động sản thương mại toàn cầu đang đối diện nhiều thách thức, Việt Nam nổi lên như một quốc gia đang có nhiều chính sách và sáng kiến tích cực để cải thiện tính minh bạch, tuân thủ pháp luật cũng như môi trường kinh doanh nói chung.
Đồng thời, làn sóng đầu tư của nhiều công ty đa quốc gia lớn như Lego, Panasonic, Samsung, LG, Sharp... cũng là dấu hiệu tích cực, bởi khách thuê đi đâu, nhà đầu tư tổ chức sẽ theo chân đến đó.
Nhìn về triển vọng tương lai, ông Matthew Bouw nhấn mạnh giới đầu tư luôn tìm đến những khu vực đang thể hiện sự tăng trưởng, như chỉ số kinh tế tích cực, dân số trẻ, tầng lớp trung lưu đang phát triển và quá trình đô thị hóa nhanh chóng.
"Việt Nam có tất cả những thuộc tính đó, cộng với tốc độ tăng trưởng GDP cao. Tất cả những yếu tố này chính là động lực cho sự phát triển của tất cả các lĩnh vực bất động sản. Việt Nam sẵn có các động lực tăng trưởng và có thể trở thành một điểm đến đầu tư hấp dẫn hơn nữa nếu không ngừng nỗ lực cải thiện môi trường kinh doanh", người đứng đầu Cushman & Wakefield APAC nhìn nhận.
Nhiều loại hình bất động sản thương mại ở Việt Nam đang được nhà đầu tư ngoại nhắm đến. Ảnh: Quỳnh Danh. |
Phân tích về các loại hình bất động sản thương mại được ưa chuộng nhất ở Việt Nam, ông cho biết công nghiệp và hậu cần là ưu tiên hàng đầu. Bên cạnh đó là các tòa nhà văn phòng hạng A có vị trí thuận lợi, đáp ứng ESG, cơ cấu khách thuê tốt, tăng trưởng cho thuê mạnh mẽ, thời hạn thuê hấp dẫn và công suất thuê cao.
Mặt khác, các căn hộ chung cư hoặc nhà xây để cho thuê cũng đang trở thành loại tài sản được tìm kiếm nhiều hơn ở nhiều thành phố trên thế giới. Với mật độ dân số đô thị ngày càng tăng do quá trình đô thị hóa và nguồn cung không tăng trưởng kịp nhu cầu, phân khúc nhà ở có thể sẽ là loại tài sản tăng trưởng tốt ở một số thị trường trên khắp APAC trong thập kỷ này.
Đặc biệt, ông nhấn mạnh trong hai năm gần đây, lượng dữ liệu được lưu trữ trên thế giới đã tăng gấp đôi. Với sự phát triển của trò chơi trực tuyến, thương mại điện tử và điện toán đám mây nói chung, Việt Nam có thể trở thành một trung tâm tập hợp các ngành công nghệ đang lên này.
Rủi ro của một thị trường mới nổi
Xét riêng ở khu vực Đông Nam Á, ông cho biết Việt Nam và Philippines đang là hai trong số những thị trường mới nổi được các nhà đầu tư tổ chức săn đón nhiều nhất. Trong đó, điểm tương đồng là các nhà đầu tư tổ chức lớn đều gia nhập hai thị trường này thông qua hợp tác với các nhà phát triển và doanh nghiệp địa phương.
Lý do là các thị trường mới nổi rất đa sắc thái và phức tạp, tiềm ẩn nhiều rủi ro hơn, đòi hỏi nhà đầu tư thiết lập quan hệ đối tác với doanh nghiệp nội địa để hỗ trợ trong việc xin giấy phép, tìm nguồn nguyên liệu và nhân tài.
Việt Nam đang được nhiều tổ chức đầu tư hơn, trong đó cách tiếp cận là thông qua hợp tác với doanh nghiệp nội địa. Ảnh: Quỳnh Danh. |
Vì vậy, ông Matthew Bouw nhấn mạnh thị trường sẽ tiếp tục chứng kiến các thương vụ mua bán và sáp nhập (M&A) cũng như các mối quan hệ hợp tác tiếp đà phát triển trong lúc thị trường Việt Nam dần trưởng thành.
"Việt Nam làm tôi nhớ đến Ấn Độ cách đây 6-7 năm. Đất nước này liên tục tạo điều kiện cho các hoạt động kinh doanh, nhờ đó thứ hạng của họ trên bảng chỉ số thuận lợi kinh doanh và chỉ số tham nhũng đã được cải thiện đáng kể", ông nhận xét và nhấn mạnh những chỉ số này thực sự quan trọng đối với nhà đầu tư tổ chức và các tập đoàn đa quốc gia.
Việt Nam có thể tăng khả năng cạnh tranh trong khu vực và thậm chí trở nên hấp dẫn hơn so với đối thủ trong mắt các nhà đầu tư.
Ông Matthew Bouw, Giám đốc điều hành Cushman & Wakefield APAC
"Giờ đây, chúng ta thấy Việt Nam đang làm điều tương tự và coi đó là một ưu tiên. Điều này cho thấy thị trường đang trưởng thành, và những tín hiệu đó cực kỳ tích cực đối với các nhà đầu tư tổ chức đang muốn thâm nhập và mở rộng hoạt động tại Việt Nam", ông nói.
Dù vậy, Giám đốc điều hành Cushman & Wakefield APAC vẫn khuyến nghị Việt Nam tiếp tục nghiên cứu, ban hành các quy định và chính sách phù hợp cũng như nâng cao chất lượng cơ sở hạ tầng, hỗ trợ các nhà đầu tư xin giấy phép và triển khai dự án một cách nhanh chóng.
"Bằng cách duy trì các động lực tăng trưởng kèm theo các yếu tố hỗ trợ cần thiết để tạo điều kiện cho sự tăng trưởng, Việt Nam có thể tăng khả năng cạnh tranh trong khu vực và thậm chí trở nên hấp dẫn hơn so với đối thủ trong mắt các nhà đầu tư", ông Matthew Bouw nhấn mạnh.