Điểm tin công nghệ 19/6: Nâng cấp giúp iPhone 15 khác biệt thế hệ trước

Xe - Công nghệ - Ngày đăng : 06:00, 19/06/2023

Binance đồng ý trả lại tài sản cho khách hàng Mỹ; Cảnh báo lừa đảo mở tài khoản ngân hàng bằng công nghệ AI
iphone-15-series-gia-bao-nhieu-3.jpg

- Nâng cấp giúp iPhone 15 khác biệt thế hệ trước

2 tính năng nổi bật của iPhone 14 Pro và Pro Max hiện tại, Dynamic Island và cảm biến 48 MP, đều sẽ được đưa xuống mẫu iPhone 15 thường.

Thông tin rò rỉ này đã có từ vài tháng trở lại đây, nhưng mới được chứng thực một lần nữa bởi một báo cáo do ITHome thu thập được. Trong báo cáo, Sony, đối tác sản xuất cảm biến cho Appe, nói về việc toàn bộ mẫu iPhone 15 ra mắt tháng 9 tới có camera chính 48 MP. Trước đó, vào đầu tháng 6, Ross Young, chuyên gia tại Display Supply Chain Consultants, tiết lộ các mẫu màn hình được sử dụng trên iPhone 15, cho thấy thiết bị có Dynamic Island.

iPhone 14 thường hiện có camera kép bao gồm cảm biến chính 12 MP và camera siêu rộng 12 MP. Thiết lập này về cơ bản không thay đổi so với iPhone 13, ngoại trừ nâng cấp đường dẫn hình ảnh và khẩu độ lớn hơn trên iPhone 14. Vì vậy, nhờ cảm biến 48 MP mới, Apple có lý do để thuyết phục người dùng các thế hệ iPhone cơ bản nâng cấp lên iPhone 15.

iPhone 14 Pro và Pro Max là những chiếc iPhone đầu tiên có cảm biến 48MP kết hợp pixel. Nói cách khác, chúng có khả năng chụp ảnh 12 MP, trong đó mỗi pixel được kết hợp từ 4 pixel, mang lại ánh sáng và màu sắc tốt hơn cho ảnh.

Vào tháng 9 tới, khi iPhone 15 ra mắt, những cảm biến cao cấp này sẽ không còn độc quyền cho phiên bản Pro. Dự kiến cụm camera của iPhone 15 thường cũng sẽ được thiết kế lại, lồi cao hơn, giống iPhone 14 Pro, để chứa cảm biến này.

Tuy nhiên, iPhone 15 bản thường và iPhone 15 Pro vẫn sẽ có khác biệt. IPhone 15 Pro và iPhone 15 Ultra dự kiến có camera tiềm vọng và cảm biến lớn nhất từ ​​trước đến nay.

iPhone 15 tiêu chuẩn cũng vẫn thiếu một trong những tính năng nổi bật nhất của iPhone 14 Pro, tốc độ làm mới 1-120 Hz hay còn được gọi là ProMotion, tự động điều chỉnh độ mượt của màn hình để phù hợp với tác vụ. iPhone 15 dự kiến vẫn chỉ có màn 60 Hz.

Tính năng Always-on Display hay màn hình luôn bật của Apple sử dụng ProMotion, vì vậy iPhone 15 tiêu chuẩn cũng sẽ không có tính năng này.

Dù vậy, với những người dùng thích giao diện của Dynamic Island, camera tốt hơn và bộ xử lý A16 Bionic, thì iPhone 15 bản thường sẽ trở thành một lựa chọn hấp dẫn.

- Binance đồng ý trả lại tài sản cho khách hàng Mỹ

Sàn giao dịch tiền kỹ thuật số Binance (Trung Quốc) đã đồng ý trả lại tài sản cho khách hàng Mỹ trong bối cảnh Binance đang vướng vào một vụ kiện lớn chống lại nền tảng này.

Ủy ban Chứng khoán và Sàn giao dịch (SEC) của Mỹ thông báo Sàn giao dịch tiền kỹ thuật số Binance (Trung Quốc) đã đồng ý trả lại tài sản cho khách hàng Mỹ trong bối cảnh Binance đang vướng vào một vụ kiện lớn chống lại nền tảng này.

Trong tuyên bố công bố ngày 17/6, SEC cho biết Binance và Giám đốc điều hành (CEO) Triệu Trường Bằng (Changpeng Zhao) đã đồng ý trả lại các tài sản mà họ đang nắm giữ tại Mỹ vì lợi ích của khách hàng trên nền tảng giao dịch tiền điện tử Binance chi nhánh tại Mỹ.

SEC không nêu rõ có bao nhiêu khách hàng của Binance tại Mỹ liên quan, cũng như giá trị của các khoản tiền này.

Đầu tháng này, SEC đã kiện "gã khổng lồ" tiền kỹ thuật số Binance và CEO Triệu Trường Bằng và chi nhánh tại Mỹ về việc vận hành một “trang web lừa đảo quy mô lớn” và "lách luật một cách có tính toán". Khiếu nại của SEC cáo buộc Binance và ông Triệu Trường Bằng đã huy động hàng tỷ USD tiền của nhà đầu tư và vi phạm luật chứng khoán.

Theo SEC, Binance đã cho phép người dân Mỹ giao dịch, mặc dù nền tảng này không được đăng ký tại Mỹ với tư cách là một sàn giao dịch chứng khoán. Ngoài ra, Binance được cho là đã lạm dụng tài sản của khách hàng.

SEC cho biết họ muốn giữ an toàn cho tiền của khách hàng Mỹ, đồng thời nói thêm rằng lệnh của tòa án cũng cấm Binance và ông Triệu Trường Bằng "chi tiêu tài sản của công ty ngoài mục đích kinh doanh thông thường."

- TMĐT Đông Nam Á: Shopee vững vàng ngôi đầu, TikTok Shop như ngôi sao đang lên

TikTok đang tích cực tạo dựng chỗ đứng trên thị trường TMĐT Đông Nam Á nhưng so với những tên tuổi khác, tuy nhiên nền tảng này vẫn còn một chặng đường dài để nỗ lực nếu muốn vươn lên top đầu.

Hồi năm 2021, nền tảng chia sẻ video ngắn TikTok bắt đầu triển khai dịch vụ thương mại điện tủa (TMĐT) TikTok Shop tại khu vực Đông Nam. Báo cáo mới nhất của công ty tư vấn Momentum Works chỉ ra rằng, kể từ khi ra mắt cho tới nay, ước tính TikTok Shop đã tăng lên tổng giá trị hàng hóa (GMV) gấp 7 lần.

Cụ thể, TikTok Shop đã tăng GMV ước tính ở Đông Nam Á từ 600 triệu USD năm 2021 lên 4,4 tỷ USD vào năm ngoái – tốc độ tăng trưởng nhanh hơn so với các đối thủ như: Shopee của Sea, Lazada của Alibaba và GoTo thuộc Tokopedia.

"ByteDance thực sự rất quyết tâm trong việc thúc đẩy lĩnh vực thương mại điện tử đó vào Đông Nam Á. Vẫn còn quá sớm để biết liệu họ có thực sự thành công trong tương lai hay không, bởi vì mọi người vẫn phụ thuộc nhiều hơn vào các nền tảng thương mại điện tử đã có chỗ đứng", Weihan Chen, trưởng nhóm nghiên cứu chuyên sâu tại Momentum Works cho biết.

Báo cáo của Momentum Works cũng đưa ra ước tính GMV từ các đơn đặt hàng đã thanh toán tại các nền tảng bán lẻ kỹ thuật số lớn ở Đông Nam Á. Theo đó, dù TikTok có bước đột phá khi tiến quân vào lĩnh vực mua sắm trực tuyến nhưng nền tảng này vẫn bị lấn át bởi các đối thủ lớn hơn.

Sea Group đã tăng GMV ước tính của đơn vị Shopee từ 42,5 tỷ USD vào năm 2021 lên 47,9 tỷ USD vào năm ngoái. Đây là công ty mua sắm trực tuyến lớn nhất ASEAN, chiếm gần một nửa thị phần của khu vực, báo cáo của Momentum Works cho biết.

Trước đó, công ty tư vấn Bain & Co dự đoán ​​lượng người tiêu dùng kỹ thuật số củakhu vực Đông Nam Á sẽ tăng từ 370 triệu vào năm 2022 lên 402 triệu vào năm 2027. Sàn TMĐT Lazada của gã khổng lồ công nghệ Trung Quốc Alibaba xếp sau Shopee vào năm ngoái. Nghiên cứu cho thấy nền tảng thương mại điện tử này có thị phần lớn thứ hai trong khu vực nhưng cũng là đơn vị duy nhất có sự sụt giảm.

GMV ước tính của Lazada đã giảm từ 21 tỷ USD vào năm 2021 xuống còn 20,1 tỷ USD vào năm ngoái, theo báo cáo của Momentum Works. Trong khi đó, GoTo của Indonesia đã chứng kiến ​​sàn TMĐT Tokopedia của họ đứng ở vị trí thứ ba, tăng GMV ước tính từ 15,5 tỷ USD lên 18,4 tỷ USD trong giai đoạn này.

Mặc dù vượt trội so với các đối thủ ASEAN, nhưng TikTok Shop đang nhắm đến một miếng bánh lớn hơn trong thị trường bán lẻ kỹ thuật số. Sau khi ra mắt tại Indonesia, nền tảng này đã mở rộng nhánh thương mại điện tử của mình sang Thái Lan, Việt Nam, Malaysia và Philippines vào năm 2022. Tháng 8/2022, TikTok Shop tiếp tục ra mắt tại Singapore.

- Ví MoMo, ZaloPay chiếm tỷ lệ cao trong thanh toán không tiền mặt

Theo báo cáo “Người tiêu dùng số – The Connected Consumer” mới được công bố, trong quí 1-2023, trong những ví điện tử được cấp phép hoạt động tại thị trường Việt Nam, thanh toán qua ví điện tử MoMo và ZaloPay đang chiếm tỷ trọng cao nhất, lần lượt là 68% và 53%.

Theo báo cáo “Người tiêu dùng số – The Connected Consumer” do Decision Lab phối hợp Hiệp hội Tiếp thị di động Việt Nam vừa công bố mới đây, quí 1-2023, trong 40 ví điện tử được cấp phép hoạt động ở thị trường Việt Nam thì thanh toán không dùng tiền mặt qua ví điện tử MoMo đang chiếm tỷ trọng cao nhất với 68%, tiếp đến là ví điện tử ZaloPay với 53%; ViettelPay với 27%; ShopeePay là 25%, VNPay chiếm 16% và Moca 7%…

Hiện nay, người dùng có thể dùng nhiều hình thức thanh toán không dùng tiền mặt từ dùng thẻ truyền thống đến quét mã QR, thanh toán không tiếp xúc, eVoucher.

Tính đến đầu tháng 4-2023, giao dịch thanh toán không dùng tiền mặt tăng 53,5% về số lượng. Trong đó, thanh toán qua internet tăng 88,1% về số lượng và 7,4% về giá trị; qua điện thoại di động tăng 65,5% về số lượng và 13,3% về giá trị; qua phương thức QR code tăng 160,7% về số lượng và 43,8% về giá trị.

- Cảnh báo lừa đảo mở tài khoản ngân hàng bằng công nghệ AI

Tội phạm lừa đảo trên không gian mạng diễn biến phức tạp và ngày càng tinh vi hơn khi chúng sử dụng Deepfake – công nghệ ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) làm giả cuộc gọi video vào mục đích lấy dữ liệu khuôn mặt.

Ngày 16/6, Ngân hàng Hàng Hải (MSB) tiếp tục phát đi các thông báo đến khách hàng để cảnh báo về hình thức lừa đảo mới của các đối tượng lừa đảo trên không gian mạng. Trong đó, hình thức lừa đảo mới nhất là sử dụng công nghệ Deepfake - giả hình ảnh và giọng nói để giả mạo cán bộ cơ quan nhà nước (công an, cơ quan thuế, tòa án…) hoặc người quen của nạn nhân để gọi video call (cuộc gọi trực tiếp bằng hình) với nạn nhân.

Khi gọi video call, kẻ gian bằng các thủ đoạn khác nhau sẽ yêu cầu nạn nhân nhìn thẳng, nhìn sang trái, nhìn sang phải, nhìn lên, nhìn xuống. Đối tượng sẽ ghi lại video và sử dụng để mở tài khoản online (eKYC) tại các tổ chức tài chính - ngân hàng. Trong một số trường hợp, kẻ gian yêu cầu nạn nhân cung cấp thêm các thông tin cá nhân như số CMT/CCCD, số điện thoại, địa chỉ …

Khách hàng vô tình thực hiện theo các yêu cầu này đã gián tiếp giúp đối tượng có dữ liệu để đăng ký mở tài khoản thành công. Cuối cùng, kẻ gian sẽ sử dụng các tài khoản này với mục đích xấu.

Trước đó, vào đầu tháng 6, nhiều ngân hàng khác cũng đã phát đi thông báo khuyến cáo người dùng nâng cao cảnh giác với các đối tượng lừa đảo sử dụng tài khoản mạng xã hội (Zalo, Facebook...) hoặc tạo tài khoản mạng xã hội giả danh người thân của nạn nhân, sau đó các đối tượng này thu thập thông tin cá nhân, hình ảnh, video có giọng nói có sẵn và sử dụng công nghệ Deepfake để tạo ra các video giả mạo.

Từ đó, các đối sử dụng tài khoản mạng xã hội giả mạo hoặc chiếm đoạt được để nhắn tin mượn tiền hay nhờ chuyển tiền hoặc thông báo người thân của nạn nhân gặp nguy hiểm nhằm yêu cầu chuyển tiền gấp…; đồng thời thực hiện cuộc gọi video mạo danh, phát video giả nhằm xác thực thông tin, tăng độ tin cậy để lừa nạn nhân chuyển tiền.

Việt Báo (Tổng hợp)