Nghe tin con gái muốn ly hôn, bố đến nhà nói một câu khiến tôi khóc nghẹn
Ngẫm nghĩ - Ngày đăng : 16:56, 16/06/2023
Mẹ gọi điện cho tôi hỏi: "Con đã nghĩ kỹ chưa? Có chắc là con muốn ly hôn không để mẹ còn nói với bố. Bố con mà biết chuyện chắc sẽ nổi điên lên cho mà xem. Tính bố, con biết rồi".
Cuộc điện thoại đã kết thúc hồi lâu, tôi vẫn cứ ngồi tần ngần. Ông bà ta nói "cá không ăn muối cá ươn", chỉ tiếc là khi tôi nhận ra câu nói này không sai thì đã muộn.
5 năm trước, tôi kết hôn. Người đàn ông tôi chọn làm chồng đã trải qua một đời vợ, hai đứa con vợ cũ giành nuôi.
Thực ra, khi mới quen, tôi không biết anh từng ly hôn. Vẻ ngoài điển trai của anh, giọng nói ấm áp, nhẹ nhàng và cách anh quan tâm phụ nữ khiến tôi mê đắm.
Cho đến khi anh thú nhận anh từng đi qua một cuộc hôn nhân đổ vỡ, trái tim tôi đã bị anh đánh cắp mất rồi.
Anh nói vợ chồng anh không hợp nhau, tính anh hướng nội, vợ anh lại hướng ngoại. Cả hai không có tiếng nói chung trong nhiều vấn đề, cả cách nuôi dạy con cái.
Sau ly hôn, hai đứa con sinh đôi còn nhỏ tuổi nên ở với mẹ. Anh nhận chu cấp nuôi con theo phán quyết của tòa án.
Bố là người nghiêm khắc nhất, cũng là người dịu dàng nhất với tôi (Ảnh minh họa: iStock).
Nếu tôi biết anh từng có vợ ngay từ đầu, có lẽ tôi sẽ cân nhắc chuyện tình cảm có nên hay không. Nhưng tôi đã yêu anh rồi, quá khứ không còn quá quan trọng nữa.
Bố mẹ tôi khi biết chuyện thì phản đối kịch liệt, đặc biệt là bố tôi. Bố tôi khó tính. Xưa nay, chỉ cần ông nói gì, vợ con lúc nào cũng "một phép" nghe theo, không dám trái lời.
Vậy nên, việc tôi cãi lời bố để chạy theo tiếng gọi trái tim mình khiến bố giận đến mất ăn mất ngủ.
Mẹ tôi cũng không ủng hộ, nhưng vì nhìn chồng giận quá, thành ra lại thương con. Mẹ khuyên bố thử gặp bạn trai tôi xem thế nào, đâu phải cứ ly hôn là xấu. Lần đầu tiên, tôi thấy bố xuôi theo ý mẹ.
Tôi mời anh đến nhà ăn cơm, thực chất là để bố mẹ nhận xét xem anh là người như thế nào. Hôm đó, trong con mắt của tôi, anh đã thể hiện là chàng rể tương lai hoàn hảo.
Anh về rồi, bố mẹ và tôi ngồi ở phòng khách. Bố nhìn tôi nói:
"Từ nhỏ đến lớn, bố khắt khe với con. Bố biết là nhiều khi con không phục nhưng cũng không dám cãi lại. Con lớn rồi, bố muốn con hiểu, dù bố có làm gì cũng chỉ là vì muốn tốt cho con.
Chỉ riêng chuyện hôn nhân, bố sẽ không áp đặt con theo cách nhìn của bố. Bởi đó sẽ là người cùng con chung sống suốt quãng đời sau này nên bố tôn trọng lựa chọn của con.
Chỉ có điều, bố sống đến tuổi này, trải qua đủ chuyện trên đời, va vấp với đủ loại người. Bố thấy cậu ta yêu thì có thể thú vị, nhưng lấy làm chồng thì không đáng tin tưởng.
Đàn ông con trai mà trau chuốt vẻ bề ngoài, nói năng toàn những lời ngọt ngào hoa mỹ. Nó không theo gái thì gái cũng theo nó.
Chuyện cậu ấy từng ly hôn không phải xấu, nhưng quan trọng là lý do vì sao ly hôn, con nhất định phải tìm hiểu rõ. Bố chỉ nói thế thôi, còn cuộc đời con, sướng khổ gì con tự làm tự chịu. Sau này, đừng chạy về nhà khóc lóc kêu khổ là được".
Bố nói xong, đứng dậy đi thẳng về phòng. Việc bố không phản đối nữa khiến tôi có chút bất ngờ, cho rằng bố đã nhìn ra điểm tốt của anh ấy.
Sau này, tôi mới nhận ra, bố biết có cản tôi cũng không được nên chỉ còn cách để tôi "nhảy vào lửa" để biết được "bị bỏng" đau đớn đến cỡ nào.
Tôi và anh kết hôn trong niềm hạnh phúc tột cùng của tôi. Tôi yêu anh nhiều, hoàn toàn bị sự dịu dàng, chu đáo của anh thu phục. Kết hôn rồi, qua một người quen tôi mới biết vợ cũ anh chủ động đòi ly hôn vì anh "gái gú" bên ngoài.
Lúc đầu, tôi có chút hoang mang nhưng rồi lại nghĩ, biết đâu sai lầm một lần sẽ giúp anh biết trân trọng gia đình và gìn giữ cuộc hôn nhân mới hơn.
Những ngày tháng mật ngọt dần qua đi. Thay vào đó là những gánh nặng cơm áo đời thường và bao lo toan của một gia đình nhỏ.
Con trai tôi ra đời như tô thêm màu cho bức tranh gia đình thêm rực rỡ, sống động. Cứ tưởng rằng chỉ cần vợ chồng biết yêu thương, chia sẻ, cùng làm việc và nuôi dạy con cái. Thật không ngờ, hạnh phúc ngắn chẳng tày gang.
Chồng tôi hóa ra vẫn "chứng nào tật nấy". Chuyện anh dây dưa với một nhân viên nhỏ tuổi phục vụ ở quán bia, tôi tình cờ phát hiện được.
Lúc đầu anh chối, nói là cùng bạn bè đi uống bia, trêu ghẹo chút thôi. Nhưng một lần anh về muộn, tôi gọi điện, giọng cô gái trẻ bắt máy, nói rằng: "Anh ấy say, em sẽ chăm sóc anh ấy đến khi tỉnh rồi trả về cho chị nhé".
Giọng điệu cô gái ra vẻ khiêu khích khiến tôi không kìm nổi cơn thịnh nộ.
Hôm đó, chúng tôi cãi nhau to. Tôi nhắc về cuộc hôn nhân đầu tan vỡ của anh, nói nếu anh vẫn "ngựa quen đường cũ", tôi cũng sẽ ra đi. Không ngờ, anh ta lao đến tát tôi đau điếng, kèm theo mấy câu lải nhải giọng tỉnh tỉnh say say.
Khi tỉnh dậy, anh ấy nói không nhớ hôm qua đã làm gì. Anh xin lỗi tôi, hứa hẹn thề thốt sẽ không tái phạm.
Nhưng tôi đã "sáng mắt" ra rồi, nhận ra con người thật của anh ta rồi. "Giang sơn dễ đổi, bản tính khó dời", tôi thà đau ngắn còn hơn đau dài.
Tôi muốn dành tâm sức của mình để kiếm tiền và chăm sóc, nuôi dạy con chứ không phải để đau khổ vì một người không đáng.
Tôi tâm sự chuyện này với mẹ khiến mẹ lo lắng. Mẹ hỏi tôi định sau ly hôn sẽ thế nào, sống ở đâu?
Mẹ sợ bố sẽ không cho tôi về nhà. Ngày tôi lấy chồng, bố đã nói: "Chuyện hôn nhân sau này của con, sướng khổ gì cũng hãy tự làm, tự chịu".
Tôi bảo mẹ đừng quá lo lắng, thành phố này rộng thế, lẽ nào không có chỗ cho mẹ con tôi trú chân.
Một chiều, tôi đang lúi húi dọn nhà thì có tiếng chuông cửa. Vị khách bất ngờ chính là bố tôi. Từ ngày tôi lấy chồng, bố mới chỉ đến nhà tôi một lần vào dịp tôi sinh con và lần này là lần thứ hai.
Tôi còn chưa hết bất ngờ và bối rối, bố đã ngồi xuống ghế, nhìn tôi chăm chú rồi hỏi:
- Con sống khổ sở lắm phải không?
- Con xin lỗi bố, xin lỗi vì đã không nghe lời bố.
- Con không có lỗi gì với bố cả, nếu có thì hãy xin lỗi bản thân con. Sai thì sửa, ngoại trừ cái chết là không sửa được, còn lại không có gì là không thể.
Thu dọn quần áo tư trang đi, bố đưa hai mẹ con về nhà. Nhà mình luôn có chỗ cho con.
Tôi nhìn bố, người đàn ông khó tính nhất mà tôi từng biết, thật không ngờ hôm nay lại dịu dàng đến thế. Những lời bố nói khiến nước mắt tôi rơi không kìm lại được. Tôi cứ thế, ngồi ôm lấy cánh tay gầy guộc của bố mà khóc hệt như một đứa trẻ.
Khi tôi viết những dòng này, tôi đã mang con về nhà, chờ hoàn tất thủ tục ly hôn. Chồng tôi có van xin, níu kéo nhưng cũng chẳng để làm gì cả. Có những lựa chọn sai lầm, chúng ta phải dành cả cuộc đời để sửa.
Điều làm tôi áy náy nhất chính là đã không thể cho con một gia đình trọn vẹn, và khiến cha mẹ phải bận lòng.
Theo Dân trí