Điểm tin công nghệ 16/6: Apple tiết lộ về tương lai của những ứng dụng iPhone

Xe - Công nghệ - Ngày đăng : 06:00, 16/06/2023

iPhone 8, 8 Plus và X có thể mất hơn 40% giá trị; TikTok tuyên bố đầu tư hàng tỉ đô la vào Đông Nam Á
apps-on-iphone.jpg

- Apple tiết lộ về tương lai của những ứng dụng iPhone

Một giám đốc điều hành công ty tiết lộ, Apple sẽ sớm để người dùng iPhone tải ứng dụng ở bên ngoài cửa hàng App Store.

Theo blog công nghệ GHacks, Phó Chủ tịch cấp cao phụ trách gia công Kỹ thuật phần mềm của Apple, Craig Federighi, đề nghị Apple đàm phán với các cơ quan quản lý châu Âu, thảo luận về tính năng sideloading.

Sideloading là khi chủ thiết bị có thể cài đặt phần mềm từ các nguồn không chính thức, không phải từ App Store.

Khi Apple giới thiệu phiên bản beta của iOS 17 đầu tháng này, nhân viên thử nghiệm ghi nhận việc thiếu tính năng sideloading. Có tin đồn Apple dự định đưa tính năng này vào iPhone trong iOS 17, dự kiến được phát hành chính thức cuối năm nay - nhưng nó đã không thành sự thực.

Sideloading là tính năng có truyền thống khiến các thiết bị Android khác biệt với iOS.

Đó là một thực tế khá phổ biến và nó có nghĩa là người dùng có thể tải ứng dụng đã bị xóa khỏi App Store.

Có lẽ những ứng dụng này không tương thích với iOS mới, hoặc chúng xâm phạm vào quyền sở hữu trí tuệ của người khác, hoặc bị một chính phủ cấm.

Tuy nhiên, Apple đã đưa ra những lo ngại về an ninh như lý do hãng tránh tính năng này. Công bằng mà nói, nhiều ứng dụng bị loại khỏi App Store là những ứng dụng trá hình phần mềm độc hại, phần mềm quảng cáo, hoặc thậm chí thu hút người dùng vào những sản phẩm bất hợp pháp.

- iPhone 8, 8 Plus và X có thể mất hơn 40% giá trị

Khi Apple phát hành bản cập nhật Beta 1 dành cho nhà phát triển của iOS 17, họ đã thông báo rằng nó sẽ không hỗ trợ iPhone 8, 8 Plus và X.

Điều này có thể khiến nhiều người tiêu dùng cảm thấy lo lắng. Tuy nhiên, khi nhìn vào những gì đã xảy ra trong quá khứ, việc các thiết bị này chạy iOS 16 vẫn có thể nhận các bản cập nhật bảo mật và sửa lỗi trong thời gian tới, giúp họ yên tâm hơn trong quá trình sử dụng.

Mặc dù vậy, nếu đang có suy nghĩ muốn bán iPhone 8, 8 Plus hoặc X cho thị trường đồ cũ trong thời gian tới, người dùng nên tranh thủ ngay lúc này để có thể thu về được khoản tiền tốt. Điều này dựa vào thông tin đến từ hãng nghiên cứu thị trường SellCell thông qua báo cáo phân tích dữ liệu từ hơn 40 nhà cung cấp dịch vụ thu mua đồ cũ, đồng thời nghiên cứu tác động của iOS 1 6 đối với giá các mẫu iPhone 6S và 7 vào năm ngoái.

Báo cáo chỉ ra rằng, do các mẫu iPhone 6S và 7 không thể nâng cấp lên iOS 16 khi hệ điều hành này được tiết lộ tại WWDC 2022, giá trị của những chiếc iPhone này trên thị trường sản phẩm đã qua sử dụng giảm 42,8%.

Dựa trên phân tích này, SellCell tin rằng dòng iPhone 8 và X cũng có thể mất hơn 40% giá trị vì không thể nâng cấp lên iOS 17. Chính vì vậy, SellCell khuyến nghị người dùng nên bán các mẫu iPhone này càng sớm càng tốt. Tất nhiên, giá của thiết bị cũ sẽ biến động dưới tác động của nhiều yếu tố như nhu cầu thị trường và tình trạng thiết bị, do đó người dùng nên đánh giá kỹ giá trị thị trường khi bán.

- VNPT mang nhiều giải pháp số tới Industry 4.0 Summit 2023

Tham dự triển lãm Industry 4.0 Summit 2023 vừa diễn ra, VNPT cũng đã mang đến những giải pháp về chuyển đổi số, gồm: VNPT IOC, VNPT CCVC, hệ sinh thái VNPT AI.

Trung tâm điều hành giám sát thông minh - VNPT IOC, một giải pháp do VNPT tự nghiên cứu được tích hợp, kết nối với các nguồn thông tin, dữ liệu của địa phương trên tất cả các lĩnh vực và ứng dụng các công nghệ hiện đại như: BigData, AI, Cloud… để phân tích, xử lý. Đến nay, VNPT IOC đã được triển khai tại 45 địa phương trên cả nước với 36 IOC cấp tỉnh và 54 IOC cấp huyện. Giải pháp VNPT IOC sẵn sàng tùy biến mở rộng theo nhu cầu cụ thể đặc thù của từng địa phương.

Giải pháp quản trị công chức viên chức (VNPT CCVC) đã và đang được VNPT đang triển khai tại 22 bộ/ngành, 44 tỉnh/thành phố và được tích hợp với hệ thống Cơ sở dữ liệu Quốc gia CBCCVC của Bộ Nội Vụ. Ngoài ra hệ sinh thái VNPT AI đã cung cấp được 7 sản phẩm chính: vnSocial, VNPT Smart Vision, VNPT Smart Reader, VNPT Smart Bot, VNPT Smart Voice, vnFace, và VNPT eKYC.

Trong đó, công nghệ sinh trắc học khuôn mặt VNPT FaceID lọt vào Top 10 thế giới hạng mục nhận diện khuôn mặt, tìm kiếm 1 khuôn mặt trong 1 triệu khuôn mặt trong thời gian chưa tới 1 giây. Công nghệ cũng được iBeta chứng nhận ISO 30107-3 về khả năng chống giả mạo khuôn mặt ISO.

- TikTok tuyên bố đầu tư hàng tỉ đô la vào Đông Nam Á

Nền tảng tạo và chia sẻ video ngắn TikTok, công ty con của ByteDance (Trung Quốc), có kế hoạch đầu tư hàng tỉ đô la vào thị trường Đông Nam Á trong những năm tới. TikTok đang dồn nguồn lực vào khu vực này giữa lúc chịu sức ép giám sát an ninh dữ liệu trên toàn cầu, đặc biệt là ở Mỹ và châu Âu.

Thông tin trên được Shou Zi Chew, CEO TikTok, thông báo tại một diễn đàn tác động Đông Nam Á do TikTok tổ chức ở Jakarta, Indonesia hôm 15-6.

“Chúng tôi sẽ đầu tư hàng tỉ đô la vào Indonesia và Đông Nam Á trong vài năm tới”, Shou Zi Chew nói tại diễn đàn khi nêu bật tác động kinh tế và xã hội của TikTok trong khu vực.

Ông không tiết lộ con số chính xác hoặc thời hạn cho khoản đầu tư này, nhưng nói sẽ tập trung vào đào tạo, quảng cáo và hỗ trợ các nhà cung cấp nhỏ muốn tham gia nền tảng thương mại điện tử TikTok Shop. Khoản đầu tư sẽ bao gồm 12,2 triệu đô la Mỹ hỗ trợ cho hơn 120.000 doanh nghiệp vừa và nhỏ, doanh nhân và thanh niên trong khu vực trong 3 năm tới.

Chew cho biết nội dung trên TikTok trở nên đa dạng hơn khi có thêm nhiều người dùng hơn và nền tảng này đang mở rộng sang thương mại điện tử bên cạnh mảng quảng cáo, cho phép người tiêu dùng mua hàng thông qua các liên kết trên các video phát trực tiếp trên TikTok.

- Các nhà xuất bản âm nhạc kiện Twitter vì dung túng vi phạm bản quyền

Một nhóm gồm 17 nhà xuất bản âm nhạc đã kiện Twitter lên tòa án liên bang tại Tennessee, Mỹ vào hôm thứ Tư (14/6), cáo buộc mạng xã hội này đã tạo điều kiện cho hàng nghìn vi phạm bản quyền bằng cách cho phép người dùng đăng nhạc mà không có giấy phép.

Twitter đã thúc đẩy sự tương tác của người dùng bằng "vô số bản sao vi phạm các tác phẩm âm nhạc", vụ kiện cho biết.

Các thành viên của Hiệp hội các nhà xuất bản âm nhạc quốc gia (NMPA), bao gồm Sony Music Publishing, BMG Rights Management và Universal Music Publishing Group đang đòi bồi thường thiệt hại hơn 250 triệu USD với cáo buộc vi phạm gần 1.700 bản quyền.

Vụ kiện cho biết tình trạng vi phạm lâu nay đã trở nên tồi tệ hơn kể từ khi tỷ phú Elon Musk mua Twitter vào tháng 10 năm ngoái, trong khi các nền tảng lớn khác như TikTok, Facebook và YouTube đã cấp phép hợp pháp cho âm nhạc từ các nhà xuất bản. Các nhà xuất bản lưu ý rằng các nhóm pháp lý của Twitter đã bị cắt giảm kể từ khi Musk nắm quyền kiểm soát.

Vụ kiện cho biết, Twitter "thường xuyên bỏ qua" hành vi vi phạm lặp lại của những người dùng đăng các tweet có chứa nhạc không được cấp phép. Các nhà xuất bản nói thêm rằng Twitter khuyến khích hành vi vi phạm của người dùng, điều này làm tăng mức độ tương tác và doanh thu quảng cáo, đồng thời mang lại "lợi thế không công bằng" so với các nền tảng trả tiền cho giấy phép âm nhạc.

Việt Báo (Tổng hợp)