Sinh viên ngành 'dễ bị dọa giết', biết trước lương ra trường 4 triệu đồng
Nhịp sống - Ngày đăng : 11:30, 15/06/2023
"Đợt đó ê-kíp trực sắp mổ bộ phận sinh dục của bệnh nhân nam dưới 18 tuổi. Do em là nữ nên người nhà có phần hơi khó chịu, rồi chửi em vì sao lại dám nhìn "chỗ đó" của con trai cô ấy", Minh Ngọc (23 tuổi), sinh viên một trường đại học y ở phía Nam kể lại trải nghiệm đáng quên trong những ngày đầu học thực hành tại bệnh viện.
"Người nhà bệnh nhân say xỉn vào viện dọa đánh, chém giết chúng em thì không phải chuyện hiếm. Sinh viên bọn em cũng quen rồi, vì thương bệnh nhân nên chỉ có thể nhẫn nhịn trong sợ hãi", Phúc Anh (23 tuổi, quê Bình Dương), nữ sinh trường đại học y kể lại.
Hào quang "ảo"
Ngồi trên giảng đường đại học đã được 5 năm, Minh Ngọc, sinh viên ngành y ở TPHM cho biết, đây là thời điểm "bận rộn nhất cuộc đời". Thời gian ngủ mỗi ngày chỉ vài tiếng, buổi sáng cũng như buổi tối, cứ lúc nào chợp mắt được là tranh thủ.
Nếu không "ngủ vội", nữ sinh sẽ không có thời gian chuẩn bị cho những bài thi liên tục trong tuần hay cho những giờ học lý thuyết, ca trực hơn 24 tiếng tại bệnh viện.
Phòng trọ cách nhà chỉ khoảng 1-2 tiếng đi xe máy nhưng 5 năm qua, số lần Minh Ngọc về quê chỉ đếm trên đầu ngón tay. Khái niệm về nhà mỗi cuối tuần cũng không xảy ra trong đời sinh viên của cô gái, khác xa so với sinh viên các ngành khác.
"Không phải một mình em mà các bạn cùng lớp cũng thế. Áp lực thi cử, đối diện với năng lực chuyên môn, bệnh nhân và cả người nhà bệnh nhân. Giấc ngủ là đáng giá nhất, nhiều lúc chúng em chỉ vội chợp mắt ở băng ghế đá, thậm chí là hành lang bệnh viện", Ngọc bộc bạch.
Trước đây, Ngọc đăng ký nguyện vọng 1 vào ngành y với nhiều kỳ vọng từ gia đình, họ hàng. Những người xung quanh cũng dành cho Ngọc một ánh nhìn thiện cảm khi biết cô gái sẽ trở thành bác sĩ tương lai.
Nhưng khi thật sự học nghề, hiểu nghề, Ngọc cho rằng đó chỉ là hào quang "ảo". Bởi chỉ có người trong cuộc mới hiểu được sự vất vả "không nói lên lời" của nhân viên y tế.
"Nhớ nhất là lần đầu tiếp nhận các ca bệnh nặng. Mặc dù không được trực tiếp chữa trị, chỉ đứng nhìn nhưng cảm giác rất lo sợ. Nhưng rất nhanh sau đó lại chuyển sang thấy thương bệnh nhân hơn, hiểu rằng mình phải cố gắng nhiều hơn để sau này chữa trị cho họ", Ngọc trải lòng.
Mỗi khi nghe hàng xóm có ý định cho con học ngành y, Ngọc chỉ cười trừ rồi nhẹ nhàng khuyên… nên suy nghĩ thật kỹ. Cô gái hiểu rõ rằng, nhiều phụ huynh luôn nghĩ học làm bác sĩ thì lương sẽ cao, nhưng hiếm thấy bố mẹ nào lo rằng con sẽ trải qua rất nhiều áp lực. Đến bản thân Ngọc cũng không hiểu rằng, vì sao vẫn có nhiều phụ huynh mong con mình học ngành y đến thế.
Hi vọng mong manh để kiếm tiền… gỡ vốn
Nữ sinh Phúc Anh (quê ở miền Tây) cũng có chung nỗi niềm với nhiều sinh viên ngành y khác. Đối với cô gái, bản thân vốn dĩ không quá yêu thích ngành y nhưng do kỳ vọng của bố mẹ, Phúc Anh đành đặt bút điền vào nguyện vọng 1.
"Vì không yêu thích nên mới học em thấy chán lắm. Khi biết đến mức lương của bác sĩ em còn hụt hẫng hơn. Đến nay, học phí em đóng đã hơn 100 triệu đồng, kinh tế gia đình lại không khá giả. Tiền bố mẹ làm ra chỉ đủ đóng học phí, chữa bệnh cho bố em", nữ sinh nghẹn ngào.
Nghĩ đến chuyện ra trường phải đi làm thêm ở phòng khám bên ngoài để tăng thu nhập, Phúc Anh trầm ngâm vì nỗi vất vả sẽ dài thêm. "Sau này, "chân trái dài hơn chân phải", biết là sẽ vất vả nhưng cũng phải cố để kiếm tiền… gỡ vốn. Vì sau này em út sẽ đến tuổi đi học, áp lực kinh tế gia đình sẽ còn nhiều", Phúc Anh bộc bạch.
Đến thời điểm hiện tại, Phúc Anh cảm thấy hối hận khi đã chọn ngành này. Bởi em thấy tiếc cho bản thân, cho gia đình vì công việc này không biết đến khi nào mới "gỡ vốn" được.
Phúc Anh không chắc sau này có lo được cho gia đình hay không. Không những vậy, bạn bè đồng trang lứa đã có công việc ổn định. Đến mức cô gái không dám đi họp lớp vì sợ câu hỏi "khi nào ra trường?".
"Than thở một chút là vậy, nhưng tiếp xúc với nhiều bệnh nhân lớn tuổi em thấy nghề này rất có ý nghĩa. Nhiều bệnh nhân họ thương em lắm, hay chúc em sống lâu nữa. Dù khó khăn nhưng em sẽ cố gắng hết mình để thành một bác sĩ giỏi", nữ sinh cười, nói.
Nữ sinh ngành y Minh Ngọc (quê Đồng Nai) tâm sự, vì cô đã yêu nghề nên không còn bận tâm nhiều đến mức lương sau này nhưng áp lực đồng trang lứa lúc nào cũng có.
"Mới nghỉ được chút, em mở điện thoại ra xem thì thấy bạn bè cấp ba đăng ảnh đi uống cà phê, cuối tháng nhận lương đi du lịch. Trong khi mình thì phải trốn vào nhà vệ sinh gọi điện cho mẹ, tranh thủ vài phút chỉ để chợp mắt, em thấy tủi thân lắm", Ngọc nghẹn ngào.
Nói về động lực quyết tâm mặc chiếc áo blouse (áo của bác sĩ), Ngọc cho hay chỉ đơn thuần vì bản thân em muốn cứu người. "Hơn hết, sau này khi người nhà không may bệnh thì em sẽ tận tay chữa trị", nữ sinh trải lòng.
Theo số liệu của Tổng cục Thống kê năm 2021, số lượng học viên được đào tạo chuyên khoa Y có xu hướng tăng. Trong đó, từ năm 2015-2017, lượng học viên được đào tạo chuyên khoa Y cấp 1 tăng 41,91%; học viên được đào tạo chuyên khoa Y cấp 2 tăng 33,48%.
Tuy nhiên, lượng học viên tốt nghiệp lại có xu hướng giảm. Cụ thể, từ năm 2015-2017, số học viên được đào tạo chuyên khoa Y cấp 1 giảm 9,82%; con số này tại chuyên khoa Y cấp 2 giảm 15,93%.
Trước đó, Sở Y tế TPHCM cho biết, lượng thí sinh đăng ký học điều dưỡng tại Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch đã giảm 66% trong năm 2022. Dự báo tình trạng thiếu nhân lực tại các bệnh viện sẽ càng trầm trọng hơn.
Nếu như năm 2021 có 2.300 người nộp đơn đăng ký học điều dưỡng tại trường Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch, thì sang năm 2022 chỉ còn 781 người (giảm 66%). Tình hình này cũng đang trở nên phổ biến tại các trường có đào tạo chuyên ngành điều dưỡng.
Theo Sở Y tế, do đặc thù công việc của điều dưỡng thường khá vất vả, áp lực công việc ngày càng cao, môi trường làm việc nguy cơ lây nhiễm bệnh cao nhưng thu nhập lại thấp, không đảm bảo cuộc sống gia đình nên dẫn đến tình trạng bỏ nghề, chuyển nghề trong một bộ phận điều dưỡng.
Một số ít khác được bệnh viện tư tiếp nhận với mức lương cao hơn. Bên cạnh đó, điều dưỡng trung cấp đang gặp khó khăn trong việc học tập để nâng chuẩn trình độ lên cao đẳng, đại học theo quy định của Bộ Y tế.
Mặt khác, kinh phí đào tạo cho chương trình cử nhân, cao đẳng điều dưỡng hiện nay phải mất từ 35-40 triệu đồng mỗi năm học. Nhưng khi ra trường lương lại thấp, không có chế độ ưu đãi nên càng ngày số lượng người nộp đơn học điều dưỡng ngày càng giảm.
*Tên nhân vật đã được thay đổi