Thiếu điện đã được cảnh báo, nhưng để có nguồn điện mới cần ít nhất 3-4 năm
Nhịp sống - Ngày đăng : 11:47, 14/06/2023
Sáng 14/6, Ban Kinh tế Trung ương phối hợp với các bộ, ngành tổ chức Hội thảo chuyên đề "Xu hướng công nghệ và giải pháp phát triển ngành công nghiệp năng lượng của Việt Nam trong chiến lược công nghiệp hóa, hiện đại hóa đến năm 2030, tầm nhìn 2045".
Sự kiện này nằm trong khuôn khổ Diễn đàn cấp cao thường niên về công nghiệp 4.0 năm 2023 gắn với triển khai Nghị quyết 29 về công nghiệp hóa, hiện đại hóa.
Đảm bảo năng lượng phải chuẩn bị từ sớm
Phát biểu tại đây, ông Nguyễn Anh Tuấn, Phó viện trưởng Viện Năng lượng - Môi trường, nhận định tiềm năng năng lượng tái tạo như gió và mặt trời ở Việt Nam là rất lớn, nhưng để khai thác hiệu quả và khắc phục hạn chế của các loại hình này cần công nghiệp linh hoạt về lưu trữ, tăng cường lưới điện.
Về tiết kiệm và hiệu quả năng lượng, theo ông Tuấn, đây luôn được coi là khoản đầu tư có chi phí thấp nhất. "Dư địa tiết kiệm năng lượng còn rất lớn. Chúng ta có thể tiết kiệm tổng tiêu thụ năng lượng lên đến 8,4% trong giai đoạn đến năm 2030 và từ 19 đến 22% đến năm 2050", ông Tuấn nói.
Thách thức về huy động nguồn vốn và công nghệ trong điều kiện ngân sách Nhà nước không đủ cũng là vấn đề ông Tuấn muốn được nghe thêm góp ý tại hội thảo chuyên đề lần này.
Một vấn đề quan trọng khác được ông đặt ra là thách thức về đảm bảo an ninh cung cấp điện và cung cấp nhiên liệu năng lượng trong cái bối cảnh là hạ tầng năng lượng còn hạn chế.
"Vậy làm thế nào vừa thực hiện chuyển dịch năng lượng, vừa tránh các rủi ro về mất an toàn cung cấp năng lượng trong hoàn cảnh giá nhiên liệu?", ông Tuấn đặt vấn đề.
Nhắc đến tình trạng thiếu điện ở miền Bắc trong hai tháng gần đây, ông Tuấn nhấn mạnh việc này đã được cảnh báo nhưng để đưa vào được một nguồn điện mới cần ít nhất 3-4 năm, thậm chí lâu hơn. Bởi vậy, việc chuẩn bị để đảm bảo an ninh năng lượng phải làm từ sớm.
Nhiều dự án điện đang bị chậm
Trước đó, phát biểu khai mạc hội thảo, TS Nguyễn Đức Hiển, Phó trưởng Ban Kinh tế Trung ương, nhấn mạnh Nghị quyết 29 của Trung ương khóa XIII về "Tiếp tục đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045" đã xác định công nghiệp năng lượng là một trong 6 ngành nền tảng, trong đó ưu tiên phát triển công nghiệp năng lượng tái tạo, công nghiệp năng lượng mới.
Nghị quyết đề ra chủ trương khuyến khích các tập đoàn, doanh nghiệp trong nước liên kết, liên doanh với doanh nghiệp nước ngoài sản xuất thiết bị năng lượng sạch, tái tạo, hệ thống pin lưu trữ, công nghệ và sản phẩm tiết kiệm năng lượng.
Bên cạnh đó, theo ông Hiển, Trung ương định hướng xây dựng và triển khai đề án phát triển một số tập đoàn kinh tế, doanh nghiệp Nhà nước, doanh nghiệp tư nhân trong nước có quy mô lớn, hoạt động hiệu quả, có năng lực cạnh tranh quốc tế, đóng vai trò dẫn dắt, trụ cột trong lĩnh vực năng lượng.
Nghị quyết của Trung ương cũng nhấn mạnh việc tăng cường cơ chế đặt hàng, giao nhiệm vụ cho một số tập đoàn, doanh nghiệp nhà nước và doanh nghiệp tư nhân trong nước có quy mô lớn, có đủ năng lực thực hiện một số nhiệm vụ có tính chiến lược, dẫn dắt quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa…
Nhắc đến Quy hoạch điện VIII vừa được phê duyệt, Phó trưởng Ban Kinh tế Trung ương cho biết Quy hoạch này đã đề ra nhiều biện pháp quan trọng, như định hướng hình thành các trung tâm công nghiệp năng lượng tái tạo; khuyến khích doanh nghiệp trong nước thực hiện các công trình dự án điện phức tạp, kỹ thuật cao…
Theo ông Hiển, các nhiệm vụ, giải pháp liên quan mà Quy hoạch Điện VIII đề ra đang gặp phải không ít thách thức. Đó là nhu cầu năng lượng đang phát triển rất nhanh trong khi đó ngành công nghiệp năng lượng Việt Nam đang gặp một các nguồn cung trong nước không đủ đáp ứng yêu cầu. Nhiều dự án điện bị chậm so với quy hoạch, kế hoạch.
Thời gian gần đây, do nhiều yếu tố khách quan và chủ quan, ông Hiển cho biết việc đảm bảo năng lượng trong đặt ra yêu cầu Việt Nam phải nhanh chóng thể chế hóa, cụ thể hóa những định hướng đề ra trong Nghị quyết 29, bởi thực tế nhiều chính sách trong phát triển ngành công nghiệp năng lượng nói chung và ngành điện nói riêng còn khá chậm.
Ban Kinh tế Trung ương muốn lắng nghe góp ý về việc Việt Nam cần điều kiện gì để khuyến khích các doanh nghiệp trong phát triển ngành công nghiệp năng lượng; cơ chế phối hợp giữa Trung ương và địa phương có bất cập gì…
"Chúng tôi cũng muốn lắng nghe ý kiến của các bộ ngành về vướng mắc trong thực tiễn để tổng hợp, báo cáo các cấp lãnh đạo cao nhất của Việt Nam, tháo gỡ để năng lượng thực sự được ưu tiên đi trước một bước và là ngành công nghiệp nền tảng quan trọng trong chiến lược phát triển đến năm 2030, tầm nhìn 2045", ông Hiển nhấn mạnh.