Mẹ liệt sĩ trong vụ tấn công ở Đắk Lắk: 'Con ơi, sao con đi mãi không về'
Nhịp sống - Ngày đăng : 22:11, 13/06/2023
Tiếc thương người đã ngã xuống
Những ngày này, con đường nhỏ dẫn từ UBND xã Ea Ktur (huyện Cư Kuin, tỉnh Đắk Lắk) vào nhà liệt sĩ Nguyễn Văn Dũng, Chủ tịch UBND xã Ea Tiêu có hàng trăm người đến viếng. Ông Dũng mất rạng sáng 11/6 trong vụ tấn công trụ sở công an xã trên địa bàn.
Trong tang lễ của người con rể (liệt sĩ Nguyễn Văn Dũng), ông Chu Đức Quang không nén được nỗi niềm của "kẻ đầu bạc tiễn người đầu xanh".
Nhắc về người con rể vắn số, ông Quang xúc động: "Làm chủ tịch xã, anh ấy sống chất phác. Xuất thân từ gia đình làm nông nên sau giờ hành chính, con rể tôi lại về làm rẫy. Bà con xóm làng đều quý, ai nhờ gì nó cũng giúp".
Ông tâm sự, không biết con và các cháu của mình sẽ sống ra sao khi thiếu đi người cha, người chồng, trụ cột của gia đình.
Ông Vũ Đức Thất (xã Ea Ktur), hàng xóm của liệt sĩ Nguyễn Văn Dũng, cho biết, những ngày này vợ chồng ông không đi làm rẫy mà ở nhà để lo hậu sự cho người vừa ngã xuống.
Ông Thất chia sẻ vợ chồng vị chủ tịch xã có 2 người con. Trong đó, một người làm giáo viên, người còn lại đang học lớp 12, chuẩn bị bước vào kỳ thi tốt nghiệp THPT.
Đêm hôm xảy ra sự việc, khi nhận được điện thoại, vợ anh Dũng có khuyên chồng ở nhà nghỉ ngơi, có việc gì để sáng hôm sau giải quyết. Tuy nhiên, anh Dũng vẫn chạy xe đến trụ sở UBND xã và hy sinh sau đó.
"Với trách nhiệm là chủ tịch xã nên khi nghe tin báo, anh ấy rời nhà đến trụ sở ngay. Người dân chúng tôi không ngờ hôm đó là lần đi làm cuối cùng của anh ấy", ông Thất xót xa.
"Sao con đi mãi không về…"
Trong số 6 liệt sĩ hy sinh, gia đình thiếu tá Hoàng Trung (SN 1981, cán bộ Công an xã Ea Ktur) có hoàn cảnh khó khăn nhất.
Chị Trần Thị Sen, vợ anh Trung, bị suy thận độ 4, hàng tháng phải xuống TPHCM đề điều trị. Trong khi đó, hai con của liệt sĩ Trung mới học lớp 9 và lớp 11. Ở nhà anh còn mẹ già năm nay gần 70 tuổi.
Sự ra đi đột ngột của chồng khiến chị Trần Thị Sen (40 tuổi, nhân viên Nhà khách Công an tỉnh Đắk Lắk) không thể tin.
Chị Sen tâm sự, hai vợ chồng chị gặp nhau khi công tác tại Trường Văn hóa 3. Sau đó, anh Trung được điều động về đơn vị mới nên thường xuyên vắng nhà.
"Căn nhà này, hai vợ chồng chạy vạy mãi mới làm nổi. Hôm ấy, anh gọi điện thoại nói đang có nhiệm vụ trực đêm, hẹn mai về. Anh ấy hẹn vậy mà đi mãi mãi", chị Sen nghẹn giọng.
Trong cơn mưa nặng hạt chiều 13/6, Công an tỉnh Đắk Lắk tổ chức lễ truy điệu và an táng liệt sĩ Trần Quốc Thắng (SN 1989) - cán bộ Công an xã Ea Tiêu.
Rất đông người dân địa phương đã có mặt tại nhà liệt sĩ để tiễn đưa anh về với đất mẹ.
Trong đám tang của con trai, mẹ của liệt sĩ Trần Quốc Thắng khóc ngất, nhiều lần ngã quỵ. Trước giờ phút chia ly, người mẹ bất lực gọi tên con: "Con ơi, sao con đi mãi không về!".
Tiếng khóc khiến dòng người viếng tang không khỏi xúc động, tiếc thương. Người ngã xuống để lại mất mát quá lớn cho gia đình, người thân.
Ngày 12/6, Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang ký quyết định cấp bằng Tổ quốc ghi công cho 6 liệt sĩ hy sinh trong vụ tấn công bằng súng ở Đắk Lắk.
Trong đó có 4 liệt sĩ là cán bộ của công an 2 xã Ea Ktur và Ea Tiêu (huyện Cư Kuin) gồm Thiếu tá Hoàng Trung (SN 1981, quê quán huyện Nghi Lộc, tỉnh Nghệ An), Đại úy Nguyễn Đăng Nhân (SN 1994, quê quán huyện Yên Thành, Nghệ An), Thiếu tá Trần Quốc Thắng (SN 1989, quê quán huyện Thạch Hà, Hà Tĩnh), Đại úy Hà Tuấn Anh (SN 1991, quê quán huyện Triệu Sơn, Thanh Hóa).
Các liệt sĩ là cán bộ hy sinh gồm ông Nguyễn Văn Dũng - Phó Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Ea Tiêu và ông Nguyễn Văn Kiên - Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐND xã Ea Ktur.