Dấu hiệu dễ bị bỏ sót khi trẻ mắc tay chân miệng
Tin Y tế - Ngày đăng : 13:47, 12/06/2023
Thưa bác sĩ, gần đây, nhiều ca tay chân miệng rất nặng nhưng toàn thân không nổi nhiều nốt bỏng nước, cha mẹ khó nhận ra. Vậy dấu hiệu nhận biết sớm là gì? (Lan Anh, Đồng Nai)
Bác sĩ Trương Hữu Khanh, nguyên Trưởng khoa Nhiễm Thần kinh, Bệnh viện Nhi đồng 1 TP.HCM, tư vấn:
Trong mùa này, trẻ nhỏ nói chung và đặc biệt là những bé dưới 3 tuổi và dưới 5 tuổi có nguy cơ mắc bệnh tay chân miệng. Cha mẹ cần để ý trẻ có thể đã mắc bệnh nếu 1-2 ngày đầu sốt nhẹ nhưng bỏ ăn, chảy nước miếng.
Việc bỏ ăn, chảy nước miềng do các mụn nước ở trong họng. Khi đó, phụ huynh kiểm tra ngay lòng bàn tay, bàn chân của trẻ xem có các bóng nước hay không. Bóng nước của bệnh tay chân miệng có đặc điểm thường mọc ở bàn tay, bàn chân, đầu gối, mông, cổ họng… ít khi mọc toàn thân.
Ngoài ra, khi nghe tin trong lớp, trong xóm hoặc gia đình có một trẻ bị tay chân miệng, phải kiểm tra các bé còn lại. Trẻ bị bệnh cần nghỉ học 10 ngày nhưng hàng ngày phải kiểm tra các bé trong lớp có nổi mụn nước miệng, lòng bàn tay chân hay không.
Trẻ cần được bác sĩ thăm khám và phụ huynh theo dõi chặt chẽ diễn biến tại nhà. Nếu trẻ có dấu hiệu biến chứng, ngay lập tức phải đưa đến bệnh viện.
Một số biểu hiện nghiêm trọng cần đến viện như trẻ giật mình chới với (ảnh hưởng đến thần kinh trung ương); run tay run chân đi đứng loạng choạng; sốt cao khó hạ, không đáp ứng thuốc hạ sốt; thở rút lõm ngực hoặc hổn hển; trẻ vã mồ hôi lạnh, da xanh tái…
Linh Giao