'Ổ nhền nhện' năng lượng gốc xưng chữa bách bệnh, lừa tiền cả người già
Nhịp sống - Ngày đăng : 07:16, 12/06/2023
Đặt hai tay lên lưng người khác để truyền năng lượng như phim kiếm hiệp, truyền năng lượng cho nhau qua các ứng dụng mạng xã hội để chữa bách bệnh, truyền năng lượng cho lợn gà lớn, cây trồng phát triển… Những câu chuyện nghe thôi đã thấy vô lý nhưng lại đang được hàng chục ngàn người Việt tin và làm theo (theo số liệu từ chính nhóm này “quảng cáo”).
Các tín đồ của NLG đang len lỏi vào từng căn nhà, ngõ phố, quận, huyện, tỉnh, thành. Họ bảo nhau phấn đấu “học hành” giống như đám trẻ, cũng phân bậc từ lớp 1, lên lớp 2, lớp 3, rồi đến lớp 4, lớp 5. Hầu hết các buổi học đều diễn ra online, được chú Phúc (ông Lê Văn Phúc) - người sáng lập hiện sống ở Mỹ - đứng lớp truyền đạt cùng các cộng sự thân tín.
Tự lập các nhóm riêng để truyền năng lượng với ảo tưởng giải quyết các vấn đề ô nhiễm môi trường, nông nghiệp.
Ở nhiều tỉnh thành, quận huyện trên cả nước đều có các nhóm NLG hoạt động âm thầm ngày đêm. Thỉnh thoảng, họ tổ chức gặp mặt giao lưu trực tiếp tại khu vực mình sinh sống. Phần lớn các học viên là người cao tuổi, tin vào các yếu tố tâm linh. Bên cạnh đó cũng có rất nhiều người học thức cao, có địa vị và uy tín xã hội tham gia vào nhóm này.
Các học viên đi theo NLG thường bắt đầu với tâm lý “chẳng mất gì” bởi vì các lớp học NLG được quảng cáo là miễn phí. Tuy nhiên, nguồn thu “khủng” mà không hề mất vốn của những người đứng đầu NLG tồn tại dưới nhiều hình thức tinh vi.
Tổ chức hội thảo ở nước ngoài
Trước thời điểm đầu năm 2021, mỗi học viên khi học đến lớp 3 của NLG sẽ tham gia học trực tiếp với chú Phúc tại Việt Nam và phải đóng số tiền 600 nghìn đồng/người - được thông báo là tiền thuê hội trường.
Hiện tại, khi nhóm này không còn dám tổ chức các lớp học “offline” ở Việt Nam nữa, thì một trong những nguồn thu lớn nhất của NLG là tổ chức các buổi hội thảo lớn ở nước ngoài cho học viên từ lớp 3 trở lên, trong đó chi phí dao động 25-30 triệu đồng/người.
Riêng năm 2022, NLG đã tổ chức 2 hội thảo tại Malaysia và Thái Lan, thu hút lần lượt khoảng 1.500 và 2.390 người tham gia. Sang năm nay, nhóm này lại tiếp tục tổ chức hội thảo tại Thái Lan vào đầu tháng 2. Theo thông tin PV nhận được, hội thảo này cũng thu hút lên tới gần 2.400 người, gần như toàn bộ là người Việt Nam.
Với mỗi hội thảo, các học viên tham gia phải đóng 500 USD/người tiền thuê hội trường. Số còn lại là tiền khách sạn, ăn ở, đi lại. Tổng chi phí lên tới 25-30 triệu đồng/người mỗi chuyến đi kéo dài 6-7 ngày. Làm một phép tính đơn giản cũng thấy số tiền thu về lớn đến mức nào.
12,7 triệu đồng/người chỉ là một phần chi phí cho lớp học ở Thái Lan hồi tháng 2/2023 kéo dài 7 ngày cả đi lẫn về.
Nhóm này liên kết với một công ty du lịch để thu tiếp tiền vé máy bay, ăn ở, đi lại hơn 13 triệu đồng/người.
Chị Đỗ Trang (Nam Định) kể, mẹ chị là một trong số các học viên tham gia hội thảo ở Thái Lan hồi cuối tháng 11 năm ngoái. “Tôi đưa bà 25 triệu đồng để chi cho chuyến đi ấy, còn lại bà bù thêm bao nhiêu tiền thì mình không biết. Ngoài ra, thỉnh thoảng các cụ lại ủng hộ vài ba trăm, 1 triệu là chuyện bình thường”.
Giống như mẹ chồng chị Trang, mẹ đẻ chị Thu Hà (Hà Nội) cũng đang mê muội với NLG. Chị Hà kể, chị chỉ biết mẹ mình đi Thái Lan trước đúng 1 ngày. Lúc ấy chị mới nhớ ra bà từng gửi nhầm cho chị ảnh chụp màn hình giao dịch chuyển khoản 12,7 triệu đồng cho một người tên là Thái Thị Xuân. Về sau, chị mới biết số tiền 12,7 triệu đồng (tương đương 500 USD) thực ra là tiền đóng phí thuê hội trường, còn tổng số tiền phải bỏ ra cho chuyến đi này lên tới hơn 26 triệu đồng, chưa tính các khoản chi tiêu cá nhân và ủng hộ tự nguyện cho chuyến đi.
Số tiền 12,7 triệu đồng (một nửa tổng chi phí) mẹ chị Hà chuyển khoản tới tài khoản Thái Thị Xuân cho lớp học ở Thái Lan hồi tháng 2/2023.
“Mình không thể biết được bà đã chi chính xác bao nhiêu tiền cho NLG. Ban đầu bà nói là học miễn phí nhưng sau đó có rất nhiều khoản phải chi như: mua sách, ủng hộ lớp học, mừng tuổi chú Phúc…”.
Mua sách, ủng hộ từ thiện
Trước khi “được” sang Thái Lan đi học lớp 3, lớp 4, các học viên sẽ học online hằng ngày tại nhà. Họ được khuyến khích mua sách mà nhóm này tự biên soạn và in ấn, có giá từ 130 đến 950 nghìn đồng/cuốn. Ban phụng sự của “chú Phúc” cảnh báo rằng, sách không được cho nhau mượn, không được photo, nếu không sẽ “mất năng lượng”.
Ngoài ra, nhóm này thường xuyên kêu gọi thành viên làm từ thiện. Nhóm sẽ tự giới thiệu các hoàn cảnh khó khăn, thậm chí đưa các học viên đến thăm hỏi rồi kêu gọi ủng hộ tuỳ tâm. Thậm chí, đến dịp Tết Nguyên đán, trợ lý thân cận của chú Phúc cũng kêu gọi “mừng tuổi chú” tuỳ tâm.
Chị Huỳnh Mỹ An (TP.HCM) là một trong những người đấu tranh chống lại NLG mạnh mẽ nhất trong suốt 2-3 năm qua. Chị từng có thời gian tiếp xúc gần gũi với nhóm này và ông Lê Văn Phúc vì em gái chị từng theo học các lớp của NLG với hi vọng chữa bệnh.
Chị An cho biết, ban đầu vì chiều em gái và thành tâm muốn chia sẻ với các hoàn cảnh khó khăn, chị đã tin tưởng chuyển 100 triệu đồng cho người mà ông Phúc nói là con gái nuôi bị ung thư. Chị cũng chuyển tiền đóng góp vào quỹ của NLG và tặng nhiều món quà có giá trị cho ông Phúc và các cộng sự.
Sau khi phát hiện ra ông Phúc nói dối về trường hợp con gái nuôi và có những hành động không bình thường, chị đã lên tiếng phản pháo. Để “bịt miệng” chị, ông Phúc năn nỉ trả lại số tiền mà chị đã chuyển và giá trị các món quà chị đã tặng. “Ông ta đã trả lại tôi 200 triệu đồng. Nhưng tôi kiên trì lên tiếng không phải để đòi lại số tiền đó. Cái nguy hiểm nhất là ông Phúc và NLG đang lừa đảo hàng nghìn người Việt để trục lợi, khiến cho bao gia đình tan nát, mâu thuẫn. Bao nhiêu con người bệnh tật, đau ốm vì tin lời tuyên truyền của NLG mà bài trừ bác sĩ. Đó là tội ác”.
Bán lợn gà NLG, kêu gọi tiền tỷ mua trụ sở bên Mỹ
Không chỉ thu tiền sách vở, ủng hộ từ thiện, đi hội thảo, NLG còn tự lập nên những trang trại thực phẩm sạch, quảng cáo là nuôi trồng theo phương pháp NLG (truyền năng lượng để lợn gà, cây trồng lớn).
Một trong những trang trại đó được giới thiệu là ở Đồng Nai. Riêng mảng nông nghiệp, thực phẩm sạch, NLG đã lập ra một công ty riêng có tên là NLG Đại Phước. Một trong số các cửa hàng bán thịt gà, lợn trực tiếp nằm ở TP Vinh (Nghệ An).
“Mẹ tôi cũng từng đi tham quan một trang trại được quảng cáo là trang trại sạch NLG ở Thái Nguyên. Bán đồ đắt lắm mà các bà vẫn tranh nhau mua” - chị Đỗ Trang kể.
Bảng giá thịt lợn, gà của một cửa hàng NLG nằm ở TP Vinh (Nghệ An).
Trên fanpage công khai của nhóm này, bà Thái Thị Xuân còn đại diện cho chú Phúc đứng ra kêu gọi các thành viên ủng hộ hoặc tạm ứng cho vay không lãi suất để mua trụ sở cho NLG. Bà Xuân viết rằng, sau khi đã gom mọi nguồn thu, số tiền mua trụ sở vẫn còn thiếu… 100.000 USD (gần 2,4 tỷ đồng). Nhưng chỉ chưa đầy 1 ngày sau, bà tuyên bố tài khoản của bà đã nhận được hơn 1,1 tỷ đồng.
Khoản tiền tỷ được kêu gọi trong chớp mắt chỉ bằng một chiếc “status” rất nhẹ nhàng trên Facebook đủ cho thấy các học viên đặt niềm tin lớn đến mức nào vào những người đứng đầu NLG. Trụ sở bên Mỹ sau đó đã được ê-kíp của ông Phúc "khoe" trên các hội nhóm. Tuy nhiên, giấy tờ pháp lý ra sao, ai đứng tên chủ sở hữu… là những thông tin không được đề cập đến và cũng chẳng có ai thắc mắc bởi vì nó ở tận bên… Mỹ.
Ban phụng sự kêu gọi học viên ủng hộ tiền mua trụ sở bên Mỹ. Số tiền còn thiếu là 100.000 USD.
Chỉ trong vòng chưa đầy 24h, bà Thái Thị Xuân đã tuyên bố số tiền ủng hộ gửi về lên tới hơn 1 tỷ đồng.
Trong kế hoạch “móc túi” của NLG, dự kiến hội thảo tiếp theo sẽ được tổ chức ở California (Mỹ) từ 24-28/6 năm nay. Họ cũng không quên lưu ý rằng “số lượng chỗ ngồi có giới hạn nên sẽ ưu tiên cho học viên đăng ký sớm”.
Trước đó, nhóm này cũng “quảng cáo” về lớp học ở Berlin (Đức) dự kiến diễn ra vào tháng 5 năm nay nhưng chưa thấy thông tin về việc đã tổ chức thành công.
Chưa hết, NLG công bố kế hoạch trong tương lai sẽ thu học phí từ lớp 2 với cả hình thức học online, với mức học phí như sau: Lớp 1: miễn phí, lớp 2: 100 USD, lớp 3: 600 USD, lớp 4: 1.000 USD, lớp 5: 2.600 USD.
Những học viên nào có ý chống đối, thắc mắc hay từ bỏ NLG sẽ bị các thành viên ban phụng sự đe dọa bị mất kết nối, mất năng lượng, quay trở về với đời sống bình thường.
Chị Mai Linh (Hà Nội) - người có mẹ chồng vừa tham gia chuyến đi Thái Lan hồi tháng 2 năm nay chia sẻ: “Tôi không hiểu sao báo đài từng lên tiếng cảnh báo mà nhóm này vẫn hoạt động mạnh. Họ quảng bá công khai trên mạng xã hội, thậm chí còn tuyển CEO, làm marketing rất chuyên nghiệp”.
NHÓM PV