Doanh nghiệp ngày càng quan tâm thương mại điện tử xuyên biên giới
Kinh doanh - Ngày đăng : 16:59, 10/06/2023
Doanh nghiệp ngày càng quan tâm, tin tưởng vào TMĐT xuyên biên giới
LAFOOCO, nhà sản xuất hạt điều thô, giới thiệu các sản phẩm nông nghiệp có giá trị gia tăng ra các thị trường toàn cầu thông qua thương mại điện tử xuyên biên giới để thúc đẩy canh tác và sản xuất hạt điều hữu cơ. Kế hoạch kinh doanh của công ty này khắc họa một thương hiệu nông sản Việt chọn đầu tư vào chất lượng để phát huy giá trị thương hiệu, mở rộng bền vững và thực hiện trách nhiệm xã hội.
Năm 2020, trong khi nhiều công ty không kịp thích nghi khi COVID-19 đặt ra một loạt thách thức mới cho hoạt động sản xuất, LAFOOCO nhanh chóng nhìn thấy tiềm năng do sự thay đổi trong thói quen mua hàng ở cả Việt Nam và nước ngoài. Bên cạnh kênh phân phối truyền thống, LAFOOCO khai thác khách hàng tiềm năng bằng dịch vụ thương mại điện tử xuyên biên giới. Hơn nữa, khi xuất khẩu trực tuyến B2C trở thành "Bình thường Mới" để chủ động giải quyết hoạt động mua sắm của những người mua ở nước ngoài, LAFOOCO thông qua Amazon thực hiện kế hoạch thương mại điện tử toàn cầu của mình.
Chúng tôi tìm thấy điểm chung giữa Amazon và LAFOOCO đó là đặt khách hàng làm trọng tâm để tạo ra nhiều chọn lựa sản phẩm và chất lượng tốt hơn mỗi ngày. Chúng tôi lắng nghe phản hồi của người dùng để cải tiến sản phẩm không ngừng, lên kế hoạch bổ sung, dự trữ các dòng hạt điều best-selling cho từng thị trường theo các mùa hoặc dịp lễ trong năm. LAFOOCO xác định thời gian đầu chính là lúc để doanh nghiệp xây dựng hình ảnh thương hiệu và nâng cao uy tín của nông sản Việt trong mắt người dùng quốc tế. Tận dụng các phương thức xây dựng gian hàng, thương hiệu và quảng bá của Amazon, LAFOOCO hiện nay tự hào đã có một gian hàng online kinh doanh quốc tế chuyên nghiệp,hiện đại mà vẫn tôn vinh giá trị nông sản đậm nét Việt Nam, ông Nguyễn Đức Tân, Giám đốc Kinh doanh và Tiếp thị của LAFOOCO cho hay.
Các doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa (Micro, Small, and Medium Enterprises - MSME) tại Việt Nam đang ở vị trí ưu thế địa để gặt hái những lợi ích đáng kể từ tốc độ phát triển nhanh chóng của lĩnh vực TMĐT. Chủ yếu do những hạn chế bởi đại dịch COVID-19, cùng với môi trường chính sách thuận lợi cho xuất khẩu qua TMĐT, việc tăng tốc toàn cầu thông qua TMĐT mang lại cơ hội cho Việt Nam khai thác nhu cầu ở các thị trường nước ngoài.
Xuất khẩu từ doanh nghiệp tới người tiêu dùng (Business-to-consumer, B2C) qua TMĐT tại Việt Nam hiện nay đạt giá trị 80,7 nghìn tỷ đồng (3,5 tỷ USD). Phân tích của Amazon cho thấy, dựa trên các xu hướng xuất khẩu gần đây và tốc độ hiện tại mà các doanh nghiệp áp dụng TMĐT, doanh thu xuất khẩu qua TMĐT ở Việt Nam có thể tăng lên 124,2 nghìn tỷ đồng (5,5 tỷ USD) vào năm 2027 với tốc độ tăng trưởng gộp hàng năm (CAGR) là 9%.
Tuy nhiên, nếu các MSME đẩy nhanh tốc độ áp dụng TMĐT để xuất khẩu sản phẩm và dịch vụ của mình, thì Việt Nam có thể thấy doanh thu xuất khẩu qua thương mại điện tử tăng lên 296,3 nghìn tỷ đồng (13 tỷ USD) vào năm 2027. Tỷ trọng doanh thu mà MSME kiếm được theo kịch bản này cũng có thể tăng lên 67% từ mức chỉ 24% như hiện nay.
Lĩnh vực TMĐT của Việt Nam đã chứng kiến sự tăng trưởng nhanh chóng do những hạn chế về di chuyển bởi đại dịch COVID-19 áp đặt. Lĩnh vực này đã tăng trưởng thêm 24% từ năm 2020 đến năm 2021, nhờ vào sự gia tăng đáng kể doanh số bán hàng liên quan đến hàng tiêu dùng như đồ điện tử và phương tiện truyền thông cũng như thời trang và các sản phẩm may mặc khác. Với tỷ lệ chấp nhận là 96% ở khu vực thành thị và 30% người tiêu dùng có ý định tăng cường mức độ sử dụng TMĐT của họ trong năm tới, lĩnh vực TMĐT của Việt Nam dường như có vị trí thuận lợi để tiếp tục đà tăng trưởng đã được thúc đẩy bởi đại dịch.
86% MSME tin rằng nếu không có TMĐT, họ sẽ không thể xuất khẩu được. Khảo sát cũng xác định một số lý do quan trọng khiến các MSME sử dụng TMĐT là kênh để xuất khẩu và chủ yếu cho thấy rằng các MSME của Việt Nam coi trọng quy mô và khả năng tiếp cận mà các dịch vụ TMĐT quốc tế có được. 62% MSME được khảo sát nói rằng họ đánh giá cao khả năng tiếp cận nhiều quốc gia khác nhau do khả năng tiếp cận của các dịch vụ TMĐT quốc tế trong khi 67% cho rằng việc tiếp cận các công cụ tiếp thị như tích hợp các cửa hàng trực tuyến với các trang mạng xã hội cũng như các chiến dịch toàn cầu và khu vực giúp tăng khả năng hiển thị sản phẩm trên phạm vi quốc tế. 64% MSME cũng nói rằng TMĐT cho phép họ tương tác với người tiêu dùng nước ngoài dễ dàng hơn thông qua các tính năng trực tuyến như mua sắm 24/7 và trò chuyện trực tiếp.
Mặc dù gần đây các cửa hàng truyền thống đã mở cửa trở lại, các MSME vẫn tin rằng nhu cầu mua sắm trực tuyến sẽ tiếp tục mang đến những cơ hội đáng kể trong hoạt động xuất khẩu của họ ra nước ngoài. Ví dụ: trong khi 85% MSME báo cáo doanh thu hàng năm tăng ít nhất 10% trong những năm xảy ra đại dịch 2020 và 2021, thì 92% hiện dự báo doanh thu hàng năm tăng tương tự trong 5 năm tới. Hơn nữa, trong trường hợp không có rào cản đối với việc sử dụng TMĐT để xuất khẩu, 95% MSME được khảo sát mong đợi mức tăng hàng năm ít nhất 10% đối với hoạt động xuất khẩu B2C qua TMĐT trong 5 năm tới, với mức tăng trưởng bình quân hàng năm từ 20 đến 29%.
TMĐT xuyên biên giới là con đường đầy hứa hẹn cho sự tăng trưởng và phát triển của MSME ở Việt Nam. Nó mang đến cho các MSME cơ hội tận dụng thương mại toàn cầu và tiếp cận khách hàng ở nước ngoài, đồng thời mở rộng cơ sở khách hàng của họ ra ngoài biên giới trong nước. Hơn nữa, việc mở rộng này mang lại cho các doanh nghiệp khả năng đa dạng hóa thị trường, giảm thiểu sự phụ thuộc vào thị trường nội địa và giảm rủi ro kinh doanh.
Các MSME tại Việt Nam cho biết Đông Nam Á và Đài Loan là điểm đến hàng đầu trong khu vực về xuất khẩu qua thương mại điện tử hiện nay, với 33% MSME xếp hạng đây là điểm đến hàng đầu của họ, với Trung Quốc đứng thứ hai, được xếp hạng là điểm đến hàng đầu hiện tại của 32% MSME. Đông Nam Á và Đài Loan dự kiến sẽ tiếp tục tăng tầm quan trọng, với 58% MSME xác định Đông Nam Á và Đài Loan là một trong những ưu tiên của họ trong 5 năm tới. Tuy nhiên, ngoài Đông Nam Á, các MSME của Việt Nam cũng đang hướng tới việc mở rộng dấu ấn của họ cân bằng ở cả Trung Quốc và Hoa Kỳ, với cả hai điểm đến cũng có 58% MSME coi đây là các quốc gia ưu tiên. Bên cạnh đó, 57% cũng nói rằng Nhật Bản là ưu tiên hàng đầu, 51% xác định là Liên minh Châu Âu và 35% chọn Vương quốc Anh trong 5 năm tới.
Hỗ trợ doanh nghiệp loại bỏ các rào cản của TMĐT xuyên biên giới
Bà Lại Việt Anh - Phó Cục trưởng Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số chia sẻ, thông qua nỗ lực hợp tác với Amazon Global Selling Việt Nam, Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số tập trung cung cấp các tài nguyên giáo dục và chương trình đào tạo thông qua sáng kiến “Thương mại điện tử xuyên biên giới: Kỷ nguyên đột phá”. Trong tương lai, Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số và Amazon Global Selling Việt Nam sẽ phát triển hơn nữa các chương trình đào tạo, cập nhật kịp thời các kiến thức và thông tin về quy định nhập khẩu nước ngoài, tối ưu hóa hoạt động kinh doanh và xây dựng thương hiệu quốc tế, từ đó, giúp doanh nghiệp loại bỏ các rào cản của TMĐT xuyên biên giới, tự tin củng cố sự hiện diện thương hiệu và phát triển mạnh trên thị trường toàn cầu.
Đại diện Amazon Global Selling Việt Nam - ông Gijae Seong, Giám đốc Điều hành cho biết, Hội nghị Thương mại điện tử xuyên biên giới, cũng như những kết quả từ báo cáo “Người bán hàng địa phương, Khách tiêu dùng toàn cầu năm 2022: Nắm bắt cơ hội xuất khẩu qua thương mại điện tử tại Việt Nam”, là nguồn thông tin quan trọng để Amazon Global Selling hiểu rõ hơn và lắng nghe tiếng nói của các doanh nghiệp địa phương, từ đó thấu hiểu những thách thức mà các doanh nghiệp Việt Nam đang phải đối mặt.
Đại diện Amazon Global Selling Việt Nam khẳng định sẽ hợp tác với các cơ quan chính phủ, nỗ lực mở rộng tiếp cận với nhiều doanh nghiệp Việt và cung cấp cho họ hỗ trợ toàn diện và hiệu quả nhằm nâng cao mức độ sẵn sàng cho TMĐT xuyên biên giới. Bên cạnh đó, Amazon sẽ tiếp tục kết nối với các nhà cung cấp dịch vụ trong ngành, tìm hiểu các khía cạnh doanh nghiệp cần để hỗ trợ, giúp họ thành công trong khi tiếp cận khách hàng toàn cầu.
Bên cạnh việc người tiêu dùng chuyển sang các kênh mua sắm trực tuyến do hạn chế của đại dịch, các doanh nghiệp tại Việt Nam cũng đã ứng phó với tình hình bằng cách đẩy nhanh quá trình chuyển đổi kỹ thuật số. Một nghiên cứu của VECOM cho thấy các doanh nghiệp Việt Nam đã điều chỉnh cơ cấu và hoạt động của mình để phục vụ nhiều người tiêu dùng hơn thông qua các nền tảng trực tuyến.
Ở quy mô rộng hơn, nền kinh tế Việt Nam cũng đã chứng tỏ sức hấp dẫn đối với các nhà đầu tư nước ngoài, giúp tăng cường hoạt động kinh doanh trong nước. Thuế thu nhập doanh nghiệp tương đối thấp cũng như các ưu đãi dành cho doanh nghiệp, đặc biệt là những doanh nghiệp đầu tư vào công nghệ đang giúp thúc đẩy quá trình chuyển đổi kỹ thuật số của Việt Nam, đã thu hút đáng kể đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào Việt Nam trong những năm gần đây. Những nguyên tắc cơ bản này đã giúp Việt Nam vượt qua suy thoái kinh tế do đại dịch gây ra, đồng thời duy trì quá trình số hóa và nâng cao kỹ năng của nền kinh tế. Trong khi dòng vốn FDI toàn cầu giảm 40% trong năm 2020 thì của Việt Nam chỉ giảm 2%.
Đặc biệt, các doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa (MSME) tại Việt Nam sẽ được hưởng lợi rất nhiều từ sự bùng nổ TMĐT do quá trình chuyển đổi kỹ thuật số của đất nước và dòng vốn đầu tư nước ngoài tiếp tục chảy vào. Bên cạnh nhu cầu bền vững, MSME cũng được hưởng lợi từ các sáng kiến của chính phủ giúp họ phát triển và mở rộng quy mô các hoạt động kinh doanh qua kênh TMĐT. Một ví dụ điển hình của việc này là EcomViet, một trung tâm phát triển TMĐT cung cấp dịch vụ đào tạo và tư vấn cho các doanh nghiệp Việt Nam, đặc biệt là các MSME. Chương trình này cũng cho phép các MSME phát triển hơn nữa hoạt động kinh doanh qua kênh TMĐT của họ bên ngoài biên giới Việt Nam bằng cách tham gia vào thương mại toàn cầu. Một khía cạnh quan trọng trong hỗ trợ của EcomViet dành cho các MSME bao gồm phát triển năng lực trong thương mại kỹ thuật số và hiểu biết về các quy trình xuất nhập khẩu.
Nền tảng kinh tế vững chắc của Việt Nam và môi trường chính sách hỗ trợ cho quá trình số hóa và phát triển TMĐT đặt quốc gia này vào vị trí ưu thế để mang lại lợi ích đáng kể cho các MSME thông qua việc họ tham gia vào thị trường TMĐT toàn cầu.