Ngư dân trục vớt cổ vật trong tàu đắm bị phạt 15 triệu đồng
Nhịp sống - Ngày đăng : 10:53, 10/06/2023
Ngày 10/6, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng Quảng Ngãi cho biết, đơn vị đã ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính ông Nguyễn Văn Thọ, thuyền trưởng tàu BĐ10546TS, về hành vi không thông báo, không giao nộp cổ vật được phát hiện.
Ông Nguyễn Văn Thọ (38 tuổi, tỉnh Bình Định) bị xử phạt số tiền 15 triệu đồng. Cơ quan chức năng cũng thu giữ 40 hiện vật gốm sứ là cổ vật do ông Thọ trục vớt trái phép.
Trước đó, ngày 17/5, lực lượng Biên phòng Quảng Ngãi phát hiện tàu cá BĐ10546TS tàng trữ 40 hiện vật gốm sứ. Thuyền trưởng cho biết phát hiện cách bờ khoảng 6km, ở độ sâu 60m. Sau đó, ngư dân trên tàu BĐ10546TS tiến hành trục vớt cổ vật.
Các chuyên gia nhận định, những hiện vật do ông Thọ trục vớt là cổ vật có nguồn gốc từ các lò gốm Chương Châu, vùng Nam Trung Hoa, niên đại thế kỷ 16-17, thuộc giai đoạn Minh - Thanh.
Số hiện vật gốm sứ này được tàu buôn vận chuyển qua "con đường tơ lụa" trên biển. Có thể tàu gặp bão và chìm nhanh nên hàng hóa trên tàu còn khá nguyên vẹn.
Tỉnh Quảng Ngãi đang lên phương án thăm dò, trục vớt số cổ vật trên tàu cổ đắm.
Theo Luật Di sản văn hóa 2001 (sửa đổi bổ sung năm 2009), việc tự ý tìm kiếm, trục vớt các di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia còn chìm đắm dưới nước là hành vi đào bới trái phép địa điểm khảo cổ.
Khi phát hiện cổ vật, người dân cần thông báo cho cơ quan chức năng để được khen thưởng theo quy định. Người nào phát hiện cổ vật mà không thông báo, giao nộp cho cơ quan chức năng có thể bị xử lý hành chính tối đa 50 triệu đồng.
Thậm chí, theo điều 176 Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017), nếu không giao nộp di vật, cổ vật... do mình tìm được cho cơ quan chức năng sẽ bị phạt tối đa 50 triệu đồng, phạt cải tạo không giam giữ 2 năm hoặc phạt tù từ 3 tháng đến 2 năm. Nếu chiếm giữ bảo vật quốc gia, thì bị phạt tù từ 1 năm đến 5 năm.