Điểm tin kinh doanh 10/6: Giá vàng bất ngờ vọt tăng
Kinh doanh - Ngày đăng : 06:00, 10/06/2023
- Giá vàng bất ngờ vọt tăng
Giá vàng sáng 9/6 trên thị trường thế giới đảo chiều tăng mạnh. Kinh tế khu vực đồng tiền chung châu Âu đã giảm quý thứ 2 liên tiếp và rơi vào suy thoái kỹ thuật. Tại Mỹ số đơn xin trợ cấp thất nghiệp gia tăng đã khiến giới đầu tư tìm lại vàng.
Cụ thể, lúc 8 giờ 30 phút (giờ Hà Nội), giá vàng thế giới tại thị trường châu Á ở quanh ngưỡng 1.964 USD/ounce, tăng mạnh hơn 19 USD/ounce so với giao dịch cùng thời điểm này sáng hôm trước đó.
Trước đó, chốt phiên tại thị trường Mỹ đêm 8/6 - rạng sáng 9/6 (giờ Hà Nội), giá vàng thế giới giao ngay đứng ở mức gần 1.965 USD/ounce, tăng mạnh hơn 24 USD/ounce so với chốt phiên trước tại thị trường này.
Giá vàng SJC tại thị trường tự do sáng 9/6 đảo chiều tăng so với chốt phiên trước. Cụ thể, lúc 8 giờ 30 phút, giá vàng SJC tại thị trường TP Hồ Chí Minh giao dịch mua - bán quanh mức 66,45 – 67,05 triệu đồng/lượng.
Tại Hà Nội và Đà Nẵng, giá vàng SJC giao dịch mua - bán trong khoảng 66,45 – 67,07 triệu đồng/lượng. Các thị trường trên đều tăng 50.000 đồng/lượng cả chiều mua và chiều bán ra so với chốt phiên trước. Chênh lệch mua – bán là 600.000 đồng/lượng.
Giá vàng SJC tại Tập đoàn Doji, niêm yết trên thị trường Hà Nội, mua - bán quanh mức 66,4 – 67 triệu đồng/lượng, đi ngang cả chiều mua vào và chiều bán ra so với chốt phiên trước. Chênh lệch mua - bán là 600.000 đồng/lượng.
Giá vàng SJC tại công ty Phú Quý 66,5 – 67,1 triệu đồng/lượng, tăng 100.000 đồng/lượng cả chiều mua vào và chiều bán ra so với chốt phiên trước. Chênh lệch mua – bán là 600.000 đồng/lượng.
Giá vàng nhẫn sáng nay tăng mạnh so với phiên trước. Cụ thể, vàng nhẫn tròn trơn Phú Quý 24K được công ty Phú Quý niêm yết (mua - bán) ở mức 55,55 – 56,45 triệu đồng/lượng, tăng 100.000 đồng/lượng cả chiều bán ra so với chốt phiên trước. Chênh lệch mua - bán 900.000 đồng/lượng.
Vàng nhẫn Doji 9999 của Tập đoàn Doji niêm yết giá mua - bán tại Hà Nội quanh mức 55,25 – 56,3 triệu đồng/lượng, tăng 50.000 đồng/lượng chiều mua vào và chiều bán ra so với chốt phiên trước. Chênh lệch mua – bán là 1,05 triệu đồng/lượng.
Giá vàng thế giới đảo chiều tăng mạnh trong phiên hôm nay là do, số liệu mới nhất tại khu vực kinh tế châu Âu (Eurozone) cho thấy tăng trưởng âm quý thứ 2 liên tiếp. Theo Eurostat - cơ quan thống kê Liên minh châu Âu (EU), cho biết nền kinh tế Khu vực Eurozone đã suy giảm GDP ở mức 0,1% trong quý 4/2022 và quý 1/2023, thay vì tăng nhẹ lần lượt là 0,1% và 0,2% như mức đưa ra trước đó.
- Số xe hàng hóa chờ xuất khẩu tại biên giới Lạng Sơn gia tăng
Theo thông tin từ Ban Quản lý khu kinh tế cửa khẩu Đồng Đăng - Lạng Sơn, số phương tiện chở hàng hóa chờ thông quan xuất khẩu sang Trung Quốc có chiều hướng tăng trở lại.
Theo thống kê của Ban Quản lý Khu kinh tế cửa khẩu quốc tế Đồng Đăng - Lạng Sơn, vào ngày 3/6, số xe hàng hóa chờ xuất khẩu trên khu vực các cửa khẩu của tỉnh Lạng Sơn là 713 xe. Nhờ đẩy mạnh thực hiện các giải pháp điều phối, phân luồng cũng như tăng cường năng lực thông quan phương tiện xuất nhập khẩu, lượng xe hàng chờ xuất khẩu giảm dần, từ 713 xe xuống còn 677 xe vào ngày (4/6); 606 xe ngày 5/6; 485 xe ngày 6/6.
Tới ngày 7/6, số lượng xe hàng hóa xuất khẩu chưa được xuất khẩu tăng trở lại. Cụ thể, trong ngày 7/6, có tổng 1.031 xe hàng hóa được làm thủ tục xuất nhập khẩu. Trong đó số phương tiện có hàng xuất khẩu là 478 xe và 553 phương tiện nhập khẩu.
Số phương tiện chở hàng hóa xuất khẩu tồn trên địa bàn tỉnh tính đến 20 giờ ngày 7/6 là 518 xe (Gồm: 361 xe hoa quả, 72 xe hàng khác, 85 xe hàng ngoài khu vực cửa khẩu chưa đăng ký mặt hàng), tăng 33 xe so với tối ngày 6/6.
Cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị vẫn là cửa khẩu có lưu lượng phương tiện xuất nhập khẩu thông quan nhiều nhất trong số 5 cửa khẩu đang thực hiện thông quan tại tỉnh Lạng Sơn, tiếp sau đó là cửa khẩu Tân Thanh, Chi Ma, Cốc Nam, cửa khẩu quốc tế Ga Đồng Đăng.
Trong ngày 7/6, tại cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị có 701 xe hàng hóa được làm thủ tục xuất nhập khẩu. Trong đó có 258 xe chở hàng hóa được thông quan xuất khẩu (Gồm: 215 xe mặt hàng hoa quả, 43 xe mặt hàng khác) và 443 xe chở hàng nhập khẩu.
Đây cũng là cửa khẩu có số lượng xe chở hàng hóa chờ xuất khẩu nhiều nhất với 418 xe (tính đến 20 giờ ngày 7/6), trong đó 333 xe tại cửa khẩu Hữu Nghị, 85 xe tại Khu phi thuế quan.
Tại cửa khẩu Tân Thanh, lượng phương tiện xuất nhập khẩu thông quan là 277 xe. Trong đó có 210 xe xuất khẩu và 67 xe nhập khẩu. Số lượng xe chở hàng hóa chờ xuất khẩu tính tới 20h ngày 7/6 là 87 xe trong đó có 70 xe hàng hoa quả container lạnh (trong đó 35 xe sầu riêng) và 17 xe hàng khác). Số phương tiện vận chuyển hàng hóa mới từ nội địa lên từ 20h ngày 6/6 đến 20h ngày 7/6 là 224 xe.
Trong 5 cửa khẩu đang thực hiện thông quan tại tỉnh Lạng Sơn, cửa khẩu phụ Cốc Nam có số phương tiện xuất nhập khẩu ít nhất: 3 xe; không có xe nào tồn tính đến 20h ngày 7/6.
- Mỹ và Nhật tăng cường sản xuất chip trong nước, doanh số thiết bị bán dẫn cho Trung Quốc giảm sâu
Doanh số bán thiết bị bán dẫn sang Trung Quốc đã giảm trong quý 1/2023, sự tương phản rõ rệt với việc tăng các chuyến hàng đến Bắc Mỹ và thị trường toàn cầu trong cùng thời kỳ, khi nền kinh tế lớn thứ hai thế giới vật lộn với các hạn chế thương mại tăng cường do Mỹ và các đồng minh áp đặt.
Trong quý 1/2023, doanh số bán thiết bị sản xuất chip cho các công ty ở Trung Quốc đã giảm 23% so với cùng kỳ năm ngoái và giảm 8% so với quý 4/2022, xuống còn 5,86 tỉ USD, theo dữ liệu công bố hôm 7.6 của SEMI (hiệp hội ngành công nghiệp toàn cầu).
Bất chấp sự sụt giảm, Trung Quốc vẫn là thị trường lớn thứ hai thế giới về thiết bị bán dẫn, sau Đài Loan và trước Hàn Quốc.
Để so sánh, doanh số bán thiết bị bán dẫn cho Trung Quốc trong quý 1/2022 tăng 27% so với cùng kỳ năm trước lên 7,6 tỉ USD, dữ liệu SEMI cho thấy. Vào thời điểm đó, Trung Quốc là thị trường lớn nhất thế giới về thiết bị bán dẫn.
Theo các hạn chế thương mại mở rộng do chính quyền Biden áp đặt vào tháng 10.2022, các công ty Trung Quốc bị cấm mua các thiết bị sản xuất chip tiên tiến từ Mỹ nếu không có sự cho phép đặc biệt. Nhật Bản dự kiến sẽ áp đặt biện pháp tương tự vào tháng 7 để hạn chế xuất khẩu 23 loại thiết bị và vật liệu tiên tiến liên quan đến chip.
Khi các công ty trong nước đang tranh nhau dự trữ thiết bị sản xuất chip trước lệnh cấm của Nhật Bản và khả năng hạn chế từ Hà Lan, Trung Quốc ghi nhận sự sụt giảm nhập khẩu thiết bị bán dẫn từ các quốc gia cung cấp chính những tháng gần đây, theo dữ liệu hải quan Trung Quốc được công bố trước đó.