Điểm tin công nghệ 10/6: CEO Apple Tim Cook mê ChatGPT

Xe - Công nghệ - Ngày đăng : 06:00, 10/06/2023

Facebook, YouTube và TikTok bị kiện vì quảng cáo sai lệch về tiền điện tử; Xóa ngay tiện ích mở rộng độc hại trên Chrome
chatgpt-2.jpg

- CEO Apple Tim Cook mê ChatGPT

Mới đây, CEO của Apple Tim Cook đã tiết lộ trong một cuộc phỏng vấn rằng ông cũng dùng ChatGPT và rất thích thú trước những ứng dụng độc đáo của nó.Theo dõi TGVN trên

Cụ thể trong cuộc phỏng vấn ngày 6/6, CEO Apple đã chia sẻ với chương trình “Good Morning America” về một số vấn đề xoay quanh trí tuệ nhân tạo (AI). Ông cho biết, dù Apple tích hợp công nghệ AI vào sản phẩm, công chúng lại không nghĩ những tính năng này là AI.

Tim Cook cũng nhìn thấy tiềm năng lớn từ mô hình (LLM) – công nghệ đứng đằng sau chatbot ChatGPT của OpenAI và Google Bard. Tuy nhiên, trong một số trường hợp, nó sẽ gây bất lợi do mang đến định kiến và thông tin sai sự thật…

CEO Apple cũng đưa ra suy nghĩ về việc quản lý và “hàng rào bảo vệ”. Việc quản lý sẽ có khoảng thời gian khó khăn nhất định ngay cả khi đạt được tiến bộ vì AI phát triển rất nhanh. Do đó, ông cho rằng bản thân công ty phải có trách nhiệm điều chỉnh.

Tuần trước, một số nhà lãnh đạo công nghệ như CEO OpenAI Sam Altman, CEO DeepMind Demis Hassabis và CEO Anthropic Dario Amodei cùng ký kết vào tuyên bố chung về rủi ro của AI.

Vào ngày 5/6, Apple đã tổ chức sự kiện dành cho các nhà phát triển WWDC 2023, nơi hãng giới thiệu các ứng dụng mới của công nghệ máy học dành cho iPhone, iPad và Mac cũng như những công cụ AI tốt hơn để tự động sửa lỗi và soát chính tả khi nhắn tin, tính năng nhận diện gương mặt toàn diện hơn nhằm xác định bạn bè, người thân và thú cưng trong ảnh.

- Xóa ngay tiện ích mở rộng độc hại trên Chrome

Khoảng 87 triệu người dùng khắp toàn cầu đã cài đặt 34 tiện ích mở rộng của trình duyệt Chrome có chứa mã độc nhằm đánh cắp thông tin cá nhân.

Thông tin trên do chuyên trang Bleeping Computer dẫn kết quả nghiên cứu từ chuyên gia bảo mật Wladimir Palant, thuộc hãng phần mềm Avast Software có trụ sở tại Praha, CH Séc.

"Chúng tôi đã phát hiện 34 tiện ích mở rộng (extension) dành cho trình duyệt web Chrome có chứa các loại mã độc hại chèn vào những tiện ích mở rộng với các chức năng như chặn quảng cáo trên trình duyệt, quản lý các tab đã mở hoặc thay đổi giao diện Chrome… khiến người dùng không hay biết và cài đặt vào trình duyệt Chrome của mình" - chuyên gia Wladimir Palant tiết lộ.

Khi mã độc được cài đặt vào trình duyệt Chrome cũng đồng nghĩa tin tặc có thể xâm nhập vào máy tính, tự động download và cài đặt thêm các phần mềm độc hại để tin tặc theo dõi, lấy cắp thông tin cá nhân trên máy tính của người dùng.

Các loại mã độc này còn cho phép tin tặc lấy cắp các tài khoản trực tuyến mà người dùng truy cập bằng trình duyệt Chrome, hoặc chuyển hướng người dùng sang các trang web lừa đảo để lấy cắp thông tin của họ.

"Các mã độc này chỉ tấn công máy tính chạy Windows, còn với người dùng trình duyệt Chrome trên máy tính Macbook hoặc Linux sẽ không bị ảnh hưởng" - chuyên gia của Avast Software cho biết thêm.

Dẫu vậy, tới thời điểm phát hiện, đã có khoảng 87 triệu lượt cài đặt 34 tiện ích mở rộng có chứa mã độc trên trình duyệt web Chrome. Điều này đồng nghĩa đã có khoảng 87 triệu người dùng Chrome đã và đang cài đặt các loại mã độc này đang có nguy cơ bị tin tặc tấn công.

Hiện Google đã xóa 34 tiện ích mở rộng dành cho Chrome có chứa mã độc.

- Facebook, YouTube và TikTok bị kiện vì quảng cáo sai lệch về tiền điện tử

Facebook, Instagram, YouTube, TikTok và Twitter có thể phải đối mặt với các rắc rối pháp lý sau khi Hiệp hội người tiêu dùng BEUC đã khiếu nại lên Ủy ban châu Âu rằng các nền tảng trực tuyến bị này đã tạo điều kiện thuận lợi cho việc quảng cáo sai lệch về tiền điện tử.

Gần đây, các nhà quản lý Mỹ cũng đã kiện các nền tảng tiền điện tử Coinbase và Binance. Cùng với sự sụp đổ của FTX vào năm ngoái, vấn đề bảo vệ người tiêu dùng liên quan đến các tài sản tiền điện tử như Bitcoin và Ether trên mạng đang được quan tâm đặc biệt.

Trong đơn khiếu nại được đệ trình hôm thứ Năm (8/6), hiệp hội người tiêu dùng ở châu Âu này cáo buộc rằng sự phổ biến của các quảng cáo gây hiểu lầm về tiền điện tử trên các MXH là một hành vi thương mại không công bằng, vì nó khiến người tiêu dùng bị tổn hại nghiêm trọng như mất một số tiền đáng kể.

Họ nói rằng điều này đã xảy ra thông qua quảng cáo và thông tin từ những người có ảnh hưởng trên các MXH. Họ kêu gọi việc các nhà chức trách cần áp dụng các chính sách quảng cáo chặt chẽ hơn về tiền điện tử và thực hiện các biện pháp để ngăn chặn những người có ảnh hưởng gây hiểu lầm cho người tiêu dùng.

Liên minh châu Âu vào tháng trước đã thông qua bộ quy tắc toàn diện đầu tiên trên thế giới về tiền điện tử. Tuy nhiên, tổng giám đốc Monique Goyens của BEUC nói rằng “luật này lại không áp dụng cho các công ty truyền thông xã hội được hưởng lợi từ việc quảng cáo tiền điện tử với chi phí của người tiêu dùng”.

“Đây là lý do tại sao chúng tôi đang chuyển sang các cơ quan chức năng chịu trách nhiệm bảo vệ người tiêu dùng để đảm bảo Instagram, YouTube, TikTok và Twitter thực hiện nghĩa vụ bảo vệ người tiêu dùng trước các vụ lừa đảo và quảng cáo sai sự thật về tiền điện tử”, Goyens cho biết thêm.

Việt Báo (Tổng hợp)