Những đứa trẻ bị dí thuốc lá, ép hút ma túy ngày càng nhỏ tuổi
Nhịp sống - Ngày đăng : 07:11, 09/06/2023
Những hình ảnh kinh hoàng
Ngày 24/3, người dân TPHCM phẫn nộ khi clip ghi lại hình ảnh bé trai khoảng 3 tuổi bị người đàn ông ép sử dụng chất nghi là ma túy được đăng tải và lan truyền chóng mặt trên mạng xã hội.
Trong những clip này, người đàn ông mặc quần ngắn, xăm trổ đầy mình không ngừng chửi mắng và hành hạ bé trai. Bé trai giống như đang bị ép hút ma túy đá, người đàn ông này châm lửa ở tẩu thuốc cho bé hút.
Các đoạn clip do một người phụ nữ quay lại. Người phụ nữ này không can ngăn hành vi của người đàn ông mà hùa theo, liên tục hỏi bé là "Ngon không?"…
Kết quả điều tra của Công an huyện Hóc Môn (TPHCM) xác định nạn nhân là bé T., con ruột của Nguyễn Thị Thảo Nguyên (23 tuổi). Sau khi ly thân, Nguyên dẫn bé T. đi sống cùng với người tình là Lê Văn Bậm (44 tuổi). Người đàn ông có hành vi bạo hành, nghi ép bé T. hút ma túy là Bậm, người quay lại clip là mẹ ruột của bé.
Người dân thành phố chưa hết bàng hoàng thì đến ngày 12/4, mạng xã hội lại lan truyền hình ảnh một bé trai mới hơn 1 tuổi với chi chít vết thương trên người, bỏng khắp vùng mặt, bụng và lưng, nghi là bị chích tàn thuốc lá vào người…
Công an vào cuộc điều tra và xác định nạn nhân là bé H.K. (chưa tròn 2 tuổi) bị chính cha mẹ ruột của bé đánh đập, hành hạ. Khi được người thân phát hiện và đưa đi cấp cứu, bé K. trong tình trạng có nhiều vết thương cũ ở khắp người, cánh tay phải biến dạng, bỏng rộp ở vùng ngực, bụng, bẹn và mông.
Kết quả kiểm tra tổn thương lúc nhập viện cho thấy, K. bị gãy xương cánh tay, xây xát nhiều nơi, bỏng da độ 1-2, chấn thương đầu, suy hô hấp, sưng và loét ở vùng ngực, cột sống, thắt lưng...
Hình ảnh đứa bé gầy trơ xương, vết thương cũ có, mới có chi chít trên người, trên mặt và cánh tay khẳng khiu cong vẹo gây chấn động mạnh trong dư luận, nhiều người phẫn nộ đổ về khu trọ này để tìm gặp cặp đôi tàn ác này.
Trẻ bị xâm hại ngày càng nhỏ tuổi
Cuối tháng 5, UBND TPHCM đã có báo cáo kết quả thực hiện Nghị quyết số 121/2020/QH14 ngày 19/6/2020 của Quốc hội về tiếp tục tăng cường hiệu lực, hiệu quả thực hiện chính sách, pháp luật về phòng, chống xâm hại trẻ em trên địa bàn thành phố.
Theo báo cáo này, UBND TPHCM cho biết số lượng trẻ em trên địa bàn thành phố bị xâm hại trong năm 2021 là 114 trẻ, năm 2022 tăng lên 147 trẻ, từ ngày 1/1/2023 đến 30/4/2023 là 65 trẻ.
Phần lớn những người xâm hại trẻ em là nam giới và quen biết với trẻ như họ hàng, hàng xóm, bạn của gia đình… Có một số trường hợp, trẻ bị xâm hại trong một thời gian dài, thậm chí kéo dài nhiều năm nhưng nạn nhân im lặng.
Thủ đoạn của các đối tượng phạm tội là lợi dụng sự tin tưởng, sức ảnh hưởng của mình nhằm dụ dỗ, đe dọa để thực hiện hành vi xâm hại trẻ. Các hành vi xâm hại trẻ em phổ biến được ghi nhận thời gian qua là sát hại, cố ý gây thương tích, hiếp dâm, giao cấu, dâm ô, bắt cóc…
Đặc biệt, UBND TPHCM ghi nhận nhóm đối tượng thực hiện hành vi xâm hại trẻ em đang ngày càng mở rộng. Không chỉ là lao động phổ thông có trình độ dân trí thấp mà đã phát sinh những vụ án có đối tượng phạm tội là những người có nghề nghiệp ổn định, trình độ cao, có địa vị xã hội…
Theo đánh giá của UBND Thành phố, tình hình tội phạm xâm hại trẻ em trên địa bàn đang có chiều hướng giảm về số vụ nhưng có tính chất ngày càng nghiêm trọng, diễn biến phức tạp. Số vụ lớn nhất là các hành vi xâm hại tình dục (hiếp dâm, giao cấu, dâm ô), kế đến là bạo hành thể xác (tra tấn, đánh đập), bạo hành tinh thần (hăm dọa, mắng chửi).
Trẻ em bị xâm hại tập trung nhiều ở độ tuổi từ 10 đến dưới 16. Tuy nhiên, biểu hiện đáng lo ngại nhất trong thời gian gần đây là đang có chiều hướng trẻ bị xâm hại ngày càng nhỏ tuổi. Như bé A.T. bị mẹ và người tình bạo hành, nghi ép hút ma túy khi chỉ mới 3 tuổi. Còn bé H.K. bị cha ruột đánh gãy xương, dí đầu thuốc vào người khi chỉ mới gần 2 tuổi.
Kiến nghị tăng cường nhân viên công tác xã hội
Theo UBND TPHCM, công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em của TPHCM luôn nhận được sự quan tâm chỉ đạo sâu sát của các cấp ủy, chính quyền, đoàn thể và các tổ chức xã hội trên địa bàn.
Trẻ em được thụ hưởng các dịch vụ công về giáo dục, chăm sóc sức khỏe, vui chơi giải trí… ngày càng nhiều. Phần lớn trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt được chăm sóc và tạo điều kiện thuận lợi để phát triển.
Tuy nhiên, thách thức lớn nhất mà Thành phố đang phải tập trung giải quyết là tình trạng quá tải trường học, bệnh viện phục vụ người dân nhập cư, trong đó có trẻ em theo cha mẹ nhập cư.
Từ hiện trạng trên đã nảy sinh nhiều vấn đề phức tạp khiến công tác phòng ngừa, đấu tranh phòng chống tội phạm xâm hại trẻ em rất khó khăn, nhất là thiếu chính sách và nhân lực.
Để nâng cao hiệu quả công tác phòng chống tội phạm xâm hại trẻ em, TPHCM kiến nghị Bộ, ngành Trung ương đề nghị Chính phủ xem xét quy định về số lượng và chế độ, chính sách đối với người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, phường, thị trấn cho phù hợp với điều kiện thực tế tại TPHCM.
Đặc biệt, UBND TPHCM đề nghị phải có chế độ chính sách thu hút nhân viên công tác xã hội đến làm việc trong các trường học (bao gồm cả cơ sở mầm non), tại các địa bàn dân cư nhằm tăng cường nguồn nhân lực thực hiện công tác bảo vệ trẻ em.
Hiện bộ máy nhân sự làm công tác trẻ em tại TPHCM được bố trí ở cả 3 cấp nhưng nhân sự ở cấp cơ sở không ổn định và kiêm nhiệm nhiều lĩnh vực, công tác trẻ em chỉ là việc phụ, bố trí cán bộ không có chuyên môn… nên chưa phát huy hiệu quả.
Ngoài ra, TPHCM cũng đề nghị tiếp tục rà soát để hoàn thiện các quy định pháp luật và hướng dẫn liên quan đến lĩnh vực phòng chống xâm hại trẻ em. Qua đó, giúp các địa phương có cơ sở để triển khai, tránh sự chồng chéo và nâng cao hiệu quả trong công tác can thiệp, xử lý các vấn đề liên quan đến trẻ em.