Đập thủy điện ở Kherson bị sập gây thiệt hại lớn thế nào?
Tin thế giới - Ngày đăng : 23:50, 07/06/2023
Đập thủy điện ở Kherson bị sập khiến nước tràn vào các khu dân cư và đất nông nghiệp gần đó buộc hàng trăm người phải sơ tán. Nga và Ukraine đổ lỗi cho nhau phá hoại hạ tầng này. Mực nước vẫn đang tăng và giới chức địa phương đang bắt đầu thống kê thiệt hại về người và tài sản.
Bộ trưởng Môi trường Ukraine Ruslan Strilets cho biết ít nhất 150 tấn dầu nhà máy của đập đã chảy vào sông Dnipro và thiệt hại môi trường ước tính ban đầu khoảng 50 triệu euro (khoảng 1.257 tỷ đồng).
Ông Strilets cảnh báo hệ lụy của vụ vỡ đập kéo dài không chỉ trong vài tuần hay vài tháng mà thậm chí tới nhiều năm. Các chuyên gia cũng có nhận định tương tự khi cảnh báo hoạt động sản xuất nông nghiệp ở Kherson sẽ bị ảnh hưởng do nước lũ mang theo hóa chất công nghiệp ngấm vào đất và lượng bùn do lũ lụt có thể mất vài năm để dọn sạch.
Cơ quan nhân đạo của Liên Hợp Quốc lo ngại về "hậu quả nghiêm trọng đối với hàng trăm nghìn người ở cả hai bên chiến tuyến" khi nước lũ dễ cuốn theo bom mìn và vật liệu nổ ở các khu vực tiền tuyến xuống những nơi an toàn, khiến nhiều người gặp nguy hiểm hơn.
Đập Nova Kakhovka cao 30m, dài hơn 3km, bắc qua sông Dnipro phục vụ cho nhà máy thủy điện Kakhovka. Tổ hợp đập còn có một hồ chứa cấp nước cho bán đảo Crimea cũng như cho nhà máy điện hạt nhân Zaporizhzhia.
Phía Nga cảnh báo con kênh chính dẫn nước đến Crimea nhận được ít nước hơn. Còn về nguy cơ với nhà máy Zaporizhzhia, cơ quan giám sát hạt nhân của Liên Hợp Quốc cho biết các nguồn nước thay thế đủ dùng trong nhiều tháng.
Theo các chuyên gia, thiệt hại gây ra từ vụ vỡ đập có thể rất nghiêm trọng, khiến chuỗi cung ứng lương thực toàn cầu càng thêm căng thẳng. Giá lúa mì đã tăng hơn 3% vào ngày 6/6.
Bộ trưởng Strilets chỉ ra nhiều loài động vật hoang dã ở hạ nguồn không tìm được chỗ sinh sống đang gặp nguy hiểm. Khu dự trữ sinh quyển Biển Đen của Ukraine cùng một công viên quốc gia cũng có thể bị thiệt hại nặng nề.
Trả lời Reuters, kỹ sư Mohammad Heidarzadeh của đại học Bath (Anh) cho rằng: "Nova Kakhovka thực sự là con đập lớn và là một trong những hồ chứa lớn nhất thế giới. Dựa trên kinh nghiệm từ các vụ việc tương tự trước đây thì khu vực bị ảnh hưởng sẽ rất lớn, chất nguy hại sẽ lan rộng ảnh hưởng đến năng suất ngành công nghiệp".
Ông cũng cho biết lũ lụt sẽ gây ra nhiều gián đoạn hơn cho chuỗi cung ứng nông nghiệp, trong khi bùn do nước lũ để lại có thể sẽ mất nhiều năm để dọn sạch.
Giáo sư Modupe Jimoh của đại học Warwick thì lo ngại vụ vỡ đập làm hóa chất công nghiệp thấm vào đất và nước ngầm, gây tổn hại đến hệ sinh thái và đa dạng sinh học. Bà cũng dự đoán một lượng đáng kể đất nông nghiệp sẽ bị hư hại, ảnh hưởng đến nguồn cung cấp thực phẩm.