Điểm tin kinh doanh 8/6: Vàng vẫn lạc quan trong dài hạn nhưng hiện chưa nên mua vào

Kinh doanh - Ngày đăng : 06:00, 08/06/2023

Vì sao cổ phiếu chứng khoán "tăng sốc"?; Công ty Việt đang kinh doanh rất tốt một số nhóm sản phẩm trên Amazon
vang-25-10-1-1171-1-.jpg

- Vàng vẫn lạc quan trong dài hạn nhưng hiện chưa nên mua vào

Với dự báo vàng có thể có thêm một đợt điều chỉnh trước khi tăng lên mức cao mọi thời đại, đồng sáng lập công ty môi giới DeCarley Trading cho rằng, bây giờ không phải là lúc để mua vào dù vẫn đánh giá lạc quan trong dài hạn.

Tại thị trường vàng trong nước, sau khi giảm 150.000 đồng/lượng trong ngày hôm trước đó, giá vàng SJC của Công ty Vàng bạc Đá quý Sài Gòn mở cửa sáng ngày 7/6 chưa có thêm sự biến động nào, hiện niêm yết lần lượt ở mức 66,4 – 67,02 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra).

Tại thị trường TP.HCM, giá vàng SJC niêm yết ở mức 66,4 – 67,0 triệu đồng/lượng.

Thương hiệu vàng Rồng Thăng Long của Bảo Tín Minh Châu tính đến đầu giờ sáng nay tăng 40.000 đồng/lượng so với hôm trước đó, hiện đứng ở mức 55,56 – 56,46 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra).

Trên thị trường vàng thế giới, giá vàng giao ngay chốt phiên hôm qua tại Mỹ tăng nhẹ 1,9 USD lên 1.963,6 USD/ounce. Sang phiên châu Á, giá vàng đi ngang và hiện đang giao dịch tại mức 1.963,1 USD/ounce.

Giá vàng tương lai giao tháng 8/2023 trên sàn Comex New York tăng 7,2 USD, tương ứng tăng 0,36% lên 1.981,5 USD/ounce.

Thị trường vàng gần như đi ngang do một số nhu cầu trú ẩn an toàn ở mức nhẹ trước thông tin một con đập và nhà máy điện lớn ở Ukraine bị nổ tung, gây ra lũ lụt lớn trong khu vực và làm dấy lên lo ngại về mùa màng và lương thực bị lũ lụt tàn phá.

Trong thời gian gần đây, vàng đã cho thấy khả năng phục hồi và giữ mức giá hỗ trợ quan trọng quanh 1.950 USD/ounce ngay cả khi Cục Dự trữ Liên bang dự kiến sẽ duy trì sự kiểm soát chặt chẽ đối với chính sách tiền tệ của mình.

Tuy nhiên, trong một cuộc phỏng vấn với Kitco News, Carley Garner, đồng sáng lập công ty môi giới DeCarley Trading, nói rằng dù vẫn lạc quan về vàng trong dài hạn, nhưng bây giờ không phải là lúc để mua vào. Đồng thời, bà cho rằng kim loại quý này sẽ có thêm một đợt điều chỉnh nữa trước khi bắt đầu tăng lên mức cao nhất mọi thời đại.

“Nếu vàng phá vỡ mức hỗ trợ dưới 1.950 USD/ounce thì giá có thể giảm xuống thấp hơn đáng kể”, bà nói và cho biết thêm rằng đường trung bình động 200 ngày của vàng là 1.880 USD, đây sẽ là mức hỗ trợ đáng kể.

Mặc dù Garner dự đoán giá vàng sẽ giảm trong thời gian ngắn, nhưng bà không chủ động bán khống trên thị trường. Bà nói rằng, mức độ không chắc chắn của thị trường tăng cao tiếp tục cung cấp một số hỗ trợ cho kim loại quý.

Với mức giá khoảng 1.963,1 USD/ounce ở thời điểm hiện tại, thì giá vàng thế giới quy đổi sang VND (đã tính thuế, phí gia công) đang ở mức 56,57 triệu đồng/lượng, như vậy, chênh lệch giữa giá vàng SJC trong nước và thế giới rơi vào khoảng 10,45 triệu đồng/lượng.

Tỷ giá tham khảo tại Sở giao dịch Ngân hàng Nhà nước sáng 7/6 niêm yết ở mức 23.400 đồng/USD ở chiều mua vào và 24.848 đồng/USD ở chiều bán ra.

Tỷ giá USD tại một số ngân hàng thương mại lớn như VCB, BIDV, VietinBank, Techcombank, ACB… hiện giao dịch quanh mức 23.200 – 23.700 đồng/USD.

Sáng 7/6 tại thị trường Hà Nội, giá USD tự do mua vào khoảng 23.450 đồng/USD và bán ra là 23.490 đồng/USD.

- Vì sao cổ phiếu chứng khoán "tăng sốc"?

Thanh khoản thị trường tăng mạnh là môi trường kinh doanh có lợi cho các công ty chứng khoán, đem lại kỳ vọng cho nhà đầu tư.

Kết thúc phiên giao dịch ngày 7/6, chỉ số VN-Index tiếp tục ghi nhận phiên tăng điểm thứ 5 liên tiếp khi đóng cửa ở mức 1.109,54 điểm, tăng 1,23 điểm so với phiên trước; chỉ số HNX tăng 1,61 điểm lên 230,33 điểm; Upcom tăng 0,13 điểm lên 84,56 điểm.

Đáng chú ý, thanh khoản trên sàn HOSE bùng nổ khi vượt 18.000 tỉ đồng với khối lượng giao dịch vượt 1 triệu cổ phiếu. Nếu tính cả 3 sàn giao dịch, thanh khoản hơn 20.000 tỉ đồng. Nhiều cổ phiếu chứng khoán tiếp tục tăng mạnh cùng với thị trường, tiếp đà bứt phá trong những ngày qua. Trong đó, TVS tăng kịch trần 6,85% lên 31.200 đồng; AAS tăng 3,57%; TCI tăng 3%; SBS tăng 2,63%...

Chỉ số VN-Index đã có chuỗi tăng 5 phiên liên tiếp vượt 1.100 điểm. Nếu tính từ đầu tháng 5 đến nay, chỉ số này đã tăng hơn 74 điểm tương đương tăng hơn 7%. Trong khi đó, nhiều cổ phiếu dòng chứng khoán đã tăng từ 20-40% cùng thời gian này, như SSI tăng khoảng 20% lên 25.100 đồng; VND tăng 32% lên 19.500 đồng; TVS tăng 40%; FTS tăng 25%; ORS tăng 30%...

Phân tích những yếu tố giúp cổ phiếu dòng chứng khoán phục hồi nhanh hơn thị trường chung, ông Nguyễn Thanh Lâm, Giám đốc Nghiên cứu phân tích, Khối Khách hàng cá nhân, Công ty Chứng khoán Maybank Investment Bank, cho rằng với việc Chính phủ ưu tiên thúc đẩy trăng trưởng kinh tế, lãi suất đã liên tục được điều hành theo chiều hướng giảm. Điều này có tác động tương quan giữa các kênh đầu tư theo hướng có lợi hơn cho thị trường chứng khoán. Việc mặt bằng lãi suất được kỳ vọng tiếp tục giảm cũng sẽ khiến chi phí vốn của nhà đầu tư trên thị trường (lãi vay margin) trở nên hợp lý hơn, từ đó kích thích trở lại nhu cầu giao dịch.

"Khối lượng và thanh khoản giao dịch tăng trong suốt một tháng qua là sự cải thiện bền vững bởi về tâm lý kỳ vọng, nếu thanh khoản tăng lên là môi trường kinh doanh có lợi cho nhóm công ty chứng khoán. Thị trường tăng trưởng tốt giúp lợi nhuận của mảng tự doanh chứng khoán tăng. Theo thống kê, mảng tự doanh đóng góp tới 40% doanh thu cho các công ty chứng khoán và với việc thị trường đã tăng 10%, các công ty sẽ được hưởng lợi đáng kể" - ông Nguyễn Thanh Lâm nói.

- Xuất khẩu lô vải u hồng đầu tiên trong năm vào thị trường Anh

Công ty TT Meridian, một doanh nghiệp Việt Nam tại Anh đã nhập khẩu một tấn vải u hồng Việt Nam (vải chín sớm) vào thị trường này. Đây là lô vải xuất khẩu chính ngạch đầu tiên của Việt Nam đến Anh trong năm nay.

TTXVN dẫn lời đại diện Công ty TT Meridian, một doanh nghiệp chuyên phân phối vải thiều và nông sản Việt Nam tại Anh cho biết, lô vải u hồng này sẽ được bày bán ở các siêu thị châu Á và bản địa. Dự kiến, mỗi tuần, công ty sẽ nhập khẩu từ 3-5 tấn vải sang Anh tùy theo nhu cầu tiêu thụ.

Về hình thức, năm nay, vải u hồng khi nhập khẩu vào thị trường sẽ có bao bì mang hình ảnh cờ đỏ sao vàng Việt Nam, góp phần làm cho người tiêu dùng Anh nhận diện được thương hiệu. Ngoài ra, năm nay, công ty cũng sẽ đặt mục tiêu áp dụng quy trình Just in Time trong nhập khẩu trái cây tươi của Việt Nam (quy trình cung cấp sản phẩm với số lượng, thời gian, địa điểm theo đúng yêu cầu của khách hàng).

Tuy nhiên, việc xuất khẩu trái vải u hồng sang Anh cũng gặp một số khó khăn như việc bảo quản sản phẩm gặp khó do đặc thù của trái vải phải tiêu thụ trong vòng 3 ngày; doanh nghiệp cần làm chủ công nghệ bảo quản sau thu hoạch; trái vải Việt Nam có giá bán khá cao tại Anh (khoảng 15 bảng/kg, tương đương hơn 400.000 đồng) do phí vận chuyển cao.

- Công ty Việt đang kinh doanh rất tốt một số nhóm sản phẩm trên Amazon

Với tốc độ tăng trưởng đạt trên 20%/năm, doanh thu xuất khẩu thương mại điện tử của Việt Nam được dự báo có thể đạt đến 296,3 nghìn tỉ đồng vào năm 2027.

Năm 2022, đã có gần 10 triệu sản phẩm mang thương hiệu Việt Nam được bán trên các gian hàng trực tuyến của Amazon trên toàn cầu và giá trị xuất khẩu của các đối tác bán hàng Việt Nam trên Amazon đã tăng hơn 45%.

Đây là số liệu của Amazon Globall Selling được thông tin tại hội nghị thương mại điện tử xuyên biên giới với chủ đề "Tinh hoa châu Á, Bứt phá toàn cầu", sáng 7-6 tại Hà Nội.

Với tốc độ tăng trưởng 20%/năm, Việt Nam được xếp vào nhóm 5 quốc gia có tốc độ tăng trưởng thương mại điện tử hàng đầu thế giới. Theo các chuyên gia, nhiều doanh nghiệp Việt đã sẵn sàng xuất khẩu trực tuyến, đưa sản phẩm của Việt Nam đi ra thế giới nhưng còn gặp nhiều thách thức, tập trung vào 4 vấn đề chính là: Kiến thức, năng lực, quy định và chi phí.

Theo ông Gijae Seong - Giám đốc Điều hành Amazon Global Selling Việt Nam, giá trị xuất khẩu của các doanh nghiệp bán hàng Việt Nam trên Amazon đã tăng 45% trong năm 2022. Nhiều doanh nghiệp Việt đã sẵn sàng xuất khẩu trực tuyến nhưng chưa biết bắt đầu từ đâu và làm sao để mở rộng quy mô.

- TP.HCM dẫn đầu cả nước về số dự án FDI còn hiệu lực

TP.HCM đang là địa phương dẫn đầu cả nước về số dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) còn hiệu lực với tổng số 11.734 dự án lũy kế từ ngày 01/01/1988 đến ngày 20/5/2023.

Cập nhật của Cục Thống kê TP.HCM cho biết, từ ngày 01/01/2023 đến ngày 20/5/2023, tổng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào Thành phố là 1.144,3 triệu USD, giảm 13,5% so với cùng kỳ.

Cụ thể, về cấp mới có 374 dự án với vốn đăng ký đạt 199,8 triệu USD, giảm 2,5% về vốn so với cùng kỳ. Trong đó, hoạt động bán buôn và bán lẻ, sửa chữa ô tô, mô tô, xe máy với 156 dự án, vốn đăng ký là 77,7 triệu USD, chiếm 38,9% vốn đăng ký cấp mới; kế đến hoạt động xây dựng với 03 dự án, vốn đăng ký là 53,7 triệu USD, chiếm 26,9%; hoạt động chuyên môn, khoa học công nghệ có 81 dự án, vốn đăng ký 33,7 triệu USD, chiếm 19,7%; hoạt động thông tin và truyền thông có 101 dự án, vốn đăng ký là 40,6 triệu USD, chiếm 20,3%.

Singapore dẫn đầu về dự án cấp phép mới với 72 dự án, vốn đăng ký đạt 121,5 triệu USD, chiếm đến 60,8% vốn đăng ký cấp mới; tiếp đến là Nhật Bản với 32 dự án, vốn đăng ký 16,5 triệu USD, chiếm 8,3%; Hồng Kông với 25 dự án, vốn đăng ký đạt 11,1 triệu USD, chiếm 5,6%.

Về điều chỉnh vốn đăng ký, có 121 lượt dự án với số vốn tăng 403,3 triệu USD, giảm 35,3% so với cùng kỳ. Trong đó, hoạt động chuyên môn khoa học công nghệ có 33 dự án, vốn đăng ký 140,6 triệu USD chiếm 34,8% vốn đăng ký điều chỉnh; hoạt động thông tin và truyền thông có 25 dự án, vốn đăng ký 133,7 triệu USD, chiếm 33,1%; hoạt động bán buôn và bán lẻ, sửa chữa ô tô, mô tô, xe máy có 41 dự án, vốn đăng ký 59,6 triệu USD, chiếm 14,8%. Hoa Kỳ là quốc gia có số vốn điều chỉnh cao nhất trong 05 tháng đầu năm 2023 đạt 215,1 triệu USD, chiếm 53,3% vốn đăng ký điều chỉnh.

Về góp vốn, mua cổ phần, mua lại phần vốn góp, có 836 trường hợp nhà đầu tư nước ngoài thực hiện với vốn góp là 541,1 triệu USD, tăng 9,3% so với cùng kỳ. Trong đó, hoạt động bán buôn và bán lẻ, sửa chữa ô tô, xe máy có số vốn góp đạt 195,8 triệu USD, chiếm 36,2% tổng vốn góp; hoạt động chuyên môn, khoa học công nghệ với vốn góp là 167,3 triệu USD, chiếm 30,9%; hoạt kinh doanh bất động sản có số vốn góp đạt 71,7 triệu USD, chiếm 13,2%. Singapore và Cayman Islands là hai nguồn đầu tư có tỷ trọng vốn góp cao nhất lần lượt chiếm 53,6% và 11,5%.

Lũy kế từ ngày 01/01/1988 đến ngày 20/5/2023, trên địa bàn Thành phố có 11.734 dự án đầu tư nước ngoài còn hiệu lực với tổng vốn đầu tư cấp mới và tăng vốn đạt hơn 56,71 tỷ USD, dẫn đầu cả nước về số dự án còn hiệu lực; 25.126 trường hợp nhà đầu tư nước ngoài thực hiện thủ tục góp vốn, mua cổ phần, mua phần vốn góp của doanh nghiệp trong nước với vốn góp đăng ký tương đương 24,33 tỷ USD. Tính chung giá trị vốn đầu tư nước ngoài cấp mới, vốn đầu tư tăng thêm và góp vốn, mua cổ phần, mua lại phần vốn góp vào Thành phố đạt gần 81,04 tỷ USD.

Việt Báo (Tổng hợp)