'Bóc phốt' chiêu trò rởm trong luyện thi IELTS
Giáo dục - Đời sống trẻ - Ngày đăng : 07:45, 07/06/2023
Xóa cả tên trung tâm vì lộ điểm IELTS giả
Thời gian qua, cộng đồng mạng bức xúc với một số người tự nhận là giáo viên hoặc trung tâm luyện thi IELTS bị "bóc phốt".
Một số giáo viên bị tố fake bằng, tự nâng mức điểm IELTS, một số người "bốc phét" mình được 9.0 IELTS khiến cộng đồng mạng một phen ngỡ ngàng.
Truyền thông đưa tin, đầu năm 2020, một cô giáo IELTS nổi tiếng ở TPHCM tên L.T bị nhiều học viên tố có trình độ giảng dạy, chuyên môn không được như những gì quảng cáo. Theo đó, cô giáo này cho biết mình có điểm IELTS overall 8.5, từng đi du học ngành Điều dưỡng theo diện học bổng toàn phần tại trường Đại học Khoa học Ứng Dụng Lapland, Phần Lan.
Sau khi về nước, cô T. tiếp tục theo học Thạc sĩ khoa Ngôn ngữ học tại Đại học RMIT, học chứng chỉ TESOL và mở một trung tâm tiếng Anh.
Tuy nhiên, nhiều học viên đã tra ra được số điểm IELTS thật của cô T. chỉ được band 7.0 overall, trong đó Listening 8.5, Reading 6.5, Writing 6.5, Speaking 6.5.
Sau khi bị nhiều học viên tố cáo gian dối, cô giáo này khóa trang facebook cá nhân và cả trang facebook chính thức của trung tâm.
Tháng 6/2022, nữ sinh H. ở Nghệ An khiến cộng đồng mạng phẫn nộ.
Sau khi xuất hiện thông tin trên, thầy giáo Luyện Quang Kiên - một giáo viên chuyên ôn thi IELTS ở Hà Nội cho rằng, đây là kết quả của mình chứ không phải của học viên kia.
Ngày 2/6, nữ sinh H. đã chính thức viết tâm thư đăng lên trang facebook cá nhân, thừa nhận bảng điểm 9.0 IELTS của mình trước đó không đúng sự thật. Nữ sinh H. gửi lời xin lỗi và mong được mọi người tha thứ.
Theo thầy Vũ khắc Ngọc, giáo viên tại Hà Nội, hiện nay nhiều phụ huynh đang đốt tiền vào luyện thi IELTS.
Nhu cầu của phụ huynh, học sinh hoàn toàn chính đáng nhưng việc luyện thi không ai kiểm soát chuyên môn bởi nhiều người "tay ngang" như hiện nay, một số người khoe trên mạng xã hội mình đạt bao nhiêu IELTS nhưng khi "bóc phốt" mới vỡ nhẽ khiến dư luận dần mất lòng tin.
"Một số trung tâm tiếng Anh sau khi bị phát giác đã tự 'xóa sổ' trang web hoặc bị buộc đóng cửa.
Ngoài góc độ tài chính, ai là người đứng ra bảo trợ quyền lợi cho phụ huynh trong trường hợp này"?, thầy Ngọc đặt câu hỏi.
Mọi kỳ thi đều có khả năng tiêu cực
Trong một bài viết trên Báo Dân trí mới đây, tác giả Bùi Minh Đức (hiện đang học Thạc sỹ ngành Truyền thông tại Đại học Clark, Mỹ) cho rằng, dù sao đây vẫn chỉ là một kỳ thi nên không riêng Việt Nam mà cả ở trên thế giới, bất cứ khả năng nào cũng có thể xảy ra ở kỳ thi chứng chỉ IELTS.
theo thời báo Ấn Độ ngày 3/8/2022, 950 thí sinh bị nghi ngờ liên quan tới gian lận trong một kỳ thi IELTS tại Gujarat, Ấn Độ.
Cũng tại Ấn Độ, các đường dây thi hộ IELTS từng được điều tra với mức chi phí thi hộ lên tới gần 2.500 USD, tương đương với gần 70 triệu VNĐ.
"Với tính chất là một chứng chỉ tiếng Anh quốc tế, IELTS có thể phù hợp với các hồ sơ xin việc, xin học bổng…, trong những môi trường cần đánh giá mức độ thông thạo tiếng Anh.
Tuy nhiên, liệu có hợp lý không khi dùng IELTS để tuyển thẳng vào đại học, lớp 10…? Liệu chứng chỉ tiếng Anh có thể thay thế điểm Toán, điểm Ngữ văn"?, tác giả này đặt câu hỏi.
Trao đổi thêm với phóng viên Dân trí, cô Thanh Tâm, một giáo viên luyện thi tiếng Anh ở Hà Nội cho biết, những học sinh cô dạy lâu năm, các em giỏi thật sự, gia đình có đầu tư từ bé thì điểm thi IELTS cao là khá tin cậy và cô không ngạc nhiên.
"Cách đây một thời gian, có người quen hỏi tôi rằng, nhiều người đồn đại một số nơi có việc mua điểm IELTS với giá thời điểm đó là 30 triệu đồng thì có thật không?
Lúc đó tôi rất ngạc nhiên, nhưng sau khi chứng kiến con trai đầu tham gia thi hai lần và qua thông tin trên nhiều báo chí, tôi nghĩ rằng những nghi vấn về một số kỳ thi chứng chỉ nước ngoài có thể có cơ sở", cô Tâm chia sẻ.
Cụ thể, theo cô Tâm, đề thi gồm một những bộ câu hỏi, được quay vòng và do các chuyên gia của các đơn vị cấp chứng chỉ ra. Các chuyên gia này cũng phải thi chứng chỉ hai năm một lần.
Khi ra đề thi, tất nhiên các chuyên gia tuân thủ theo nguyên tắc có bẫy đề, có yếu tố gây nhiễu nhưng chỉ một số câu và format bài thi luôn như vậy. Trong khi đó, những bộ câu hỏi này được sử dụng lặp đi lặp lại nhiều lần, với điều kiện bảo mật tuyệt đối.
Điều đáng ngại ở đây là một số bộ phận tổ chức thi có khả năng nào đó tạo ra kẽ hở để học sinh ôn thi tại cơ sở của họ khi thi sẽ được điểm cao hay không?
"Đơn vị cấp bằng có lẽ không lường hết được những điều này, thậm chí tôi biết về mặt kỷ luật giáo viên của một số nơi rất nghiêm khắc, phạt sa thải nếu phát hiện giáo viên dạy thêm ở bên ngoài bằng bất kỳ hình thức nào.
Vì thế tôi cho rằng, vấn đề ở đây liên quan đến khâu coi giám sát các kỳ thi", cô Tâm cho hay.
Theo giáo viên này, ở kỳ thi TOEFL của Mỹ đã rút kinh nghiệm, họ chỉ tổ chức thi trực tuyến, bài làm gửi về Mỹ, chấm tại Mỹ. Việc thi nói cũng thực hiện online.
Trong khi đó, bài thi IELTS hiện đang được lưu vào máy tính nên càng dễ xảy ra tiêu cực.
Chia sẻ với phóng viên Dân trí khi được hỏi về độ tin cậy của kỳ thi IELTS ở trên thế giới, TS Nguyễn Tiến Dũng, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Hà Nội cho rằng, không riêng IELTS, bất cứ kỳ thi nào và do ai tổ chức cũng có khả năng xảy ra tiêu cực vì luôn có một số người tìm cách đi "đường tắt" để đạt mục tiêu.
Chính vì như vậy, theo Phó Hiệu trưởng này, cơ quan chủ quản cần biện pháp tăng cường công tác kiểm tra, giám sát nhằm đảm bảo mọi kỳ thi diễn ra an toàn, công bằng và bảo vệ quyền lợi chính đáng cho mọi thí sinh.