Học 8 năm lương 6 triệu đồng: Bác sĩ bán hàng, ngày làm 15 tiếng 'bám nghề'
Nhịp sống - Ngày đăng : 16:15, 06/06/2023
Từ khi sinh con, nữ bác sĩ bất đắc dĩ trở thành "doanh nhân bán thời gian" để vừa theo đuổi đam mê hành nghề y, vừa có tiền sinh hoạt khi mức lương ở bệnh viện không thể kham nổi thêm tiền bỉm sữa.
Kết thúc ngày làm việc lúc 19h sau ca phẫu thuật dài 3 tiếng đồng hồ cho một bệnh nhân bị rách nát tai do tai nạn, Hà Ngân (tên nhân vật đã được thay đổi), 27 tuổi, bác sĩ trẻ tại một bệnh viện tỉnh vội trở về nhà để giao hàng cho khách.
Món đồ được giao tới vị khách quen kèm lời xin lỗi vì ca mổ cấp cứu, khiến lịch giao hàng bị trễ hẹn.
Kể từ khi lập gia đình và sinh con, Ngân bất đắc dĩ phải trở thành một "doanh nhân bán thời gian" để vừa tiếp tục theo đuổi đam mê hành nghề y, vừa có tiền sinh hoạt khi mức lương ở bệnh viện, theo cô mô tả, không thể kham nổi thêm tiền bỉm sữa.
Sau 6 năm trên giảng đường đại học, 12 tháng đi luân khoa, 6 tháng học định hướng và 3 tháng học nội soi Tai - Mũi - Họng, Ngân đủ điều kiện để vào công tác tại Khoa Tai - Mũi - Họng của bệnh viện tỉnh, với chứng chỉ hành nghề khám, chữa bệnh đa khoa.
Nhiệm vụ của Ngân tại khoa là luân phiên làm tại phòng khám Tai - Mũi - Họng và khu điều trị nội trú.
"Theo quy định, ca sáng của chúng tôi bắt đầu từ 7h - 11h; ca chiều từ 13h30 - 16h30. Tuy nhiên, trong thực tế gần như ngày nào tôi và đồng nghiệp cũng kết thúc ca sáng lúc đồng hồ điểm 12h và ca chiều lúc 18 - 19h. Những hôm có ca mổ cấp cứu, chuyện về nhà khi trời đã tối là điều bình thường", Ngân kể.
Bên cạnh đó, cứ 6 - 7 ngày, nữ bác sĩ trẻ này lại đi trực xuyên đêm 24/24h một lần.
Áp lực công việc nặng tuy nhiên mức lương của Ngân hiện chưa đến 6 triệu đồng.
"Lương của tôi bao gồm: lương cơ bản với hệ số 2,34; 1,49 triệu đồng tiền phụ cấp theo chính sách thu hút nhân lực; khoản phụ cấp tương đương 40% lương cơ bản. Tổng khoảng 5,7 triệu đồng.
Ngoài ra, chúng tôi có thêm chi phí khi thực hiện các thủ thuật. Tuy nhiên, tháng làm nhiều cũng chỉ thêm khoảng 500.000 đồng", Ngân cho hay.
Tự đánh giá một cách khách quan, Ngân nhận định, mức lương của một bác sĩ trẻ như cô là tương đối thấp so với công sức bỏ ra, cũng như so với mặt bằng chung của những ngành nghề khác.
"Nhiều bạn bè tôi học các lĩnh vực về kinh tế, kỹ thuật chỉ mất khoảng 4 - 5 năm là có thể tốt nghiệp đi làm. Đến thời điểm hiện tại, các bạn đồng trang lứa của tôi đã có 4 - 5 năm công tác với mức lương gấp 2 - 3 lần của tôi hiện tại cho các công việc văn phòng 8 tiếng/ngày", Ngân bộc bạch.
Chỉ so sánh riêng trong ngành y, theo Ngân, thù lao cho bác sĩ ở bệnh viện công lập cũng "rất đuối" so với các cơ sở y tế tư nhân.
Ngân chỉ rõ: "Chưa có điều kiện để học chuyên khoa I lấy chứng chỉ hành nghề chuyên khoa, nên trong các ca phẫu thuật, tôi chỉ có thể đảm nhận vị trí phụ mổ. Mỗi ca mổ kéo dài 1,5 - 2 tiếng, tôi được chi trả 30.000 - 50.000 đồng.
Khâu một cái tai đã bị rách nát của bệnh nhân mất 3 giờ đồng hồ chúng tôi được chi trả 30.000 đồng. Các ca mổ đại phẫu 3 tiếng cũng chỉ được cao nhất 90.000 đồng. Đó là chi phí cho vị trí phụ 1, với những người ở vị trí phụ 2 thì sẽ hoàn toàn không có khoản này.
Nếu học lên bác sĩ chuyên khoa I được đứng mổ chính, mức chi trả cũng sẽ chỉ tăng thêm 30 - 40%. Ví dụ một ca mổ cấp cứu Tai - Mũi - Họng, bác sĩ cũng chỉ được chi trả thêm khoảng 130.000 - 140.000 đồng.
Trong khi đó, ở cùng vị trí tương tự, nhiều bệnh viện tư có thể chi trả cho bác sĩ vài triệu đồng cho một ca mổ".
Mức lương thấp, với Ngân, không phải là vấn đề quá lớn. Theo cô gái này, động lực theo nghề chính là đam mê và nghề y bận rộn cũng không có quá nhiều thời gian để tiêu tiền.
Thế nhưng điều này chỉ đúng cho đến khi cô lập gia đình.
"Mức thu nhập loanh quanh 6 triệu đồng giúp tôi đủ sống khi đang độc thân và nghĩ rằng cứ thế theo đuổi đam mê lâu dài. Thế nhưng việc kết hôn và có con khiến tôi vỡ mộng", Ngân thở dài, nói tiếp: "Cuộc sống gia đình phát sinh hàng loạt chi phí mà tôi không thể ngờ tới. Trong khi đó, chồng tôi cũng là bác sĩ trẻ với thu nhập không khá khẩm hơn là bao".
Lương không đủ sống, gia đình bác sĩ trẻ này buộc phải xoay xở thêm đủ nghề tay trái để kiếm thêm thu nhập.
Từ những "mọt sách", chúng tôi bất đắc dĩ lần mò từng bước học cách bán hàng online, từ tìm nguồn hàng thế nào, đăng bài quảng cáo, đến chăm sóc khách hàng ra sao… Những thứ này đều như một "thế giới mới" đối với chúng tôi.
"Cứ mở mắt ra là thấy làm việc" là cách Ngân mô tả về tình cảnh làm 2 nghề của mình hiện tại.
"6h sáng, việc đầu tiên tôi làm sau khi thức dậy là dành 15 phút để đăng bài bán hàng sau đó mới ăn sáng, đi làm. Buổi trưa, tôi tranh thủ giờ nghỉ để kiểm tra tin nhắn khách hàng, lên đơn; chiều tan ca tranh thủ đi ship những đơn ở gần vừa để tiết kiệm chi phí vừa tạo mối quan hệ với khách hàng.
Tối đến, khi con đã lên giường ngủ, 2 vợ chồng lại lọ mọ đóng hàng, trả lời tin nhắn của khách. Mọi việc thường chỉ kết thúc sau 22h", Ngân mô tả.
Dù được rèn giũa trong môi trường y khoa, đã quen với việc làm việc cường độ cao, thế nhưng Ngân thừa nhận áp lực "chân trong, chân ngoài" hiện tại khiến cô bị quá tải.
"Dùng máy nhiều, mắt tôi gần đây kém hẳn. Biết là hại sức khỏe nhưng đành phải cố. Chồng tôi hiện đang xa nhà học chuyên khoa I trong 2 năm.
Mỗi tháng, ngoài những khoản chi tiêu lâu nay lại cần thêm 2 triệu đồng sinh hoạt phí cho chồng và hơn 4 triệu đồng để trả nợ", Ngân tâm sự, nhấn mạnh thêm rằng, tổng thu nhập từ nghề y chỉ trên dưới 10 triệu đồng của 2 vợ chồng đương nhiên không thể đủ.
Tương tự như câu chuyện của Ngân, Hoàng (tên nhân vật đã được thay đổi), một bác sĩ trẻ đang làm việc tại khoa Răng - Hàm - Mặt của một bệnh viện tuyến tỉnh cho biết, ngay từ khi ra trường đã bị đè nặng bởi áp lực kinh tế.
"Tôi lập gia đình sớm vì bố mẹ đã lớn tuổi, vợ công việc chưa ổn định nên thêm khoản tiền lương loanh quanh 6 triệu đồng của tôi chắc chắn không đủ sinh hoạt phí cho gia đình. Nhẩm tính qua tiền bỉm sữa cho con mỗi tháng đã hết 2 triệu.
Còn thêm khoản nợ bố mẹ vay mượn để tôi theo học ngành y, khi học phí trường y tăng vọt do áp dụng quy chế tự chủ", Hoàng bộc bạch, chia sẻ thêm rằng tình hình "bão giá" gần đây khiến áp lực kinh tế lên gia đình càng trở nên nặng nề.
Ngoài giờ hành chính, Hoàng làm thêm đủ nghề, từ đi khám theo buổi theo "đặt hàng" của các phòng khám trên địa bàn cho đến bán hàng online. Trung bình mỗi ngày, anh làm việc không dưới 15 tiếng, chưa kể thời gian học tập, nghiên cứu.
Tuy nhiên, theo bác sĩ trẻ này, đây cũng chỉ là biện pháp "chống cháy" và nó ảnh hưởng không nhỏ đến việc học tập, trau dồi nghề nghiệp của anh.
Mới đây, Hoàng nhận được đề nghị vào làm việc tại một bệnh viện tư nhân trên địa bàn với mức lương cao hơn cả tổng thu nhập "chân trong, chân ngoài" hiện tại.
Tuy nhiên, theo Hoàng mô tả, anh đang ở trong tình thế "tiến thoái lưỡng nan".
"Mặc dù thu nhập thấp nhưng ở viện công vẫn là môi trường tốt nhất để nâng cao chuyên môn, khi được tiếp xúc với nhiều bệnh nhân và nhiều ca bệnh khó, bệnh nặng. Đây là một yếu tố rất quan trọng đối với người làm ngành y.
Trong khi đó, sang viện tư với mức thu nhập cao hơn sẽ giúp cuộc sống "dễ thở" hơn nhiều so với hiện tại. Tuy nhiên, tôi vẫn lo ngại tay nghề của mình sẽ đi ngang", Hoàng thở dài, nói tiếp: "Đây cũng là lý do khi tốt nghiệp tôi lựa chọn bệnh viện công lập để làm việc dù có những cơ hội việc làm với mức lương hấp dẫn từ cơ sở y tế tư nhân.
Thế nhưng, đối mặt với áp lực cơm áo gạo tiền, thời gian gần đây định hướng của tôi bị lung lay".
Bác sĩ trẻ này cũng cho biết rằng, nhiều đồng nghiệp của anh cũng nhận được lời mời với mức lương hấp dẫn từ các cơ sở y tế tư nhân. Không ít người lựa chọn đến bến đỗ mới. Với những bác sĩ trẻ không có điều kiện kinh tế như Hoàng, quyết định bám trụ lại bệnh viện công, gần như bắt buộc phải có một nghề tay trái để trang trải cuộc sống trước mắt.
Sau 7 năm công tác, Thành (tên nhân vật đã được thay đổi), bác sĩ tại một bệnh viện tuyến Trung ương có mức thu nhập khoảng 10 triệu đồng, tăng khoảng 1 triệu đồng so với năm đầu tiên công tác.
Mức thu nhập không phải là cao, đặc biệt là với nơi có chi phí sinh hoạt đắt đỏ như ở Hà Nội. Tuy nhiên, Thành cho rằng, mình vẫn "đủ sống" với đồng lương và không chịu áp lực kinh tế quá lớn nên có thể chuyên tâm vào sự nghiệp.
"Đặc thù ngành y" là một trong những yếu tố, theo Thành mô tả, giúp anh sống ổn với mức lương này.
"Điều khá may mắn với người làm ngành y là lúc thu nhập thấp thì lại ít phải tiêu tiền. Đặc thù của chúng tôi là ăn ngủ ở viện. Lúc về nhà cũng tập trung nghiên cứu và ôn luyện để học lên cao hơn nên cũng không mấy khi phải tiêu đến tiền", Thành cho hay.
Thành mô tả việc theo nghề y cũng giống như trồng cây lâu năm. Xác định 5 - 10 năm đầu khi vào nghề sẽ vất vả và về kinh tế gần như là con số "0", khi thu nhập chỉ đủ sinh hoạt cơ bản cũng như tái đầu tư cho việc học.
"Thế nhưng khi đã có tay nghề, kinh nghiệm cũng như khẳng định được tên tuổi vấn đề kinh tế sẽ không còn là gánh nặng, khi ngoài công việc chính, các bác sĩ có tay nghề có nhiều lựa chọn để hành nghề ngoài giờ với mức thù lao tương đối cao", Thành phân tích.
Tuy nhiên bác sĩ trẻ này cũng thừa nhận mức thù lao của bác sĩ mới đi làm vài năm khó có thể đảm bảo cho cuộc sống ổn định, cân bằng mà phải chấp nhận có sự đánh đổi.
"Những năm đầu công tác tôi chưa lập gia đình nên không phải chịu nhiều áp lực kinh tế nên có thể tập trung vào phát triển chuyên môn. Mức lương đủ sống nhưng chưa thể đáp ứng cho đời sống trọn vẹn và cân bằng.
Những năm mới ra trường, tôi không dự một cuộc họp lớp nào khi trong tay gần như chỉ là con số "0".
Trong khi ở thời điểm đó, bạn bè đã tương đối ổn định về sự nghiệp, những người làm ăn được thậm chí còn mua được ô tô", Thành chia sẻ.
Với mức lương của bệnh viện chi trả, theo Thành, chỉ có thể tự nuôi sống bản thân. Nếu là trụ cột gia đình thì rất khó đảm bảo được cuộc sống nhất là chi phí nuôi con và cho con đi học.
Bên cạnh đó, việc mua nhà cũng là mục tiêu xa vời với khoản lương thấp và trong nhiều năm cũng chỉ tăng nhẹ như vậy. Trong trường hợp phải thuê nhà, việc đó lại đội lên một khoản kinh phí tương đối.
Cũng theo Thành, anh may mắn khi có công việc làm thêm gắn liền với công tác chuyên môn. Việc này giúp bác sĩ trẻ này cùng lúc giải quyết bài toán: có thêm thu nhập và nâng cao tay nghề.
"Sự phát triển của công nghệ cũng mở ra nhiều cơ hội cho các bác sĩ trẻ như chúng tôi có thể theo đuổi được đam mê, cũng như giải quyết bài toán về kinh tế. Hiện tôi đang tham gia vào mạng lưới khám bệnh online. Mỗi tuần khám bệnh và theo dõi cho 5 - 7 bệnh nhân cũng giúp kiếm thêm một khoản thu nhập để trang trải cuộc sống", Thành chia sẻ.
Tháng 7/2022, Công đoàn Y tế Việt Nam có báo cáo gửi Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam về tình hình nhân viên y tế nghỉ việc và tình trạng thiếu thuốc, vật tư. Trong đó chỉ ra 8 nguyên nhân dẫn đến hơn 9.000 viên chức y tế xin thôi việc, bỏ việc từ đầu năm 2021 đến 6 tháng đầu năm 2022.
Trong báo cáo chỉ ra thu nhập thấp là một trong những nguyên nhân chính khiến nhiều nhân viên y tế xin nghỉ việc. Theo đó, lương và chế độ phụ cấp đối với nhân viên y tế trong hệ thống công lập thấp, nhất là tại các cơ sở y tế dự phòng và y tế cơ sở.
Lý do vì nguồn kinh phí hoạt động chủ yếu là do ngân sách nhà nước bảo đảm, nguồn thu sự nghiệp thấp.
Theo quy định về chế độ tiền lương và phụ cấp hiện nay, (với mức lương cơ sở là 1.490.000 đồng), bác sĩ sau khi học 6 năm và sau 18 tháng thực hành để được cấp chứng chỉ hành nghề, nếu tuyển dụng vào đơn vị sự nghiệp công lập thì hưởng lương là 2,34 x 1.490.000 đồng = 3.486.000 đồng.
Với phụ cấp ưu đãi nghề là 40% thì mức thu nhập 4.881.240 đồng (chưa trừ nộp bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế).
Mức lương này chỉ đảm bảo một phần nhu cầu của cuộc sống. Vì vậy cơ sở y tế công lập rất khó giữ chân cán bộ, viên chức y tế làm việc, trong khi mức thu nhập tại các cơ sở y tế ngoài công lập cao hơn gấp 3 đến 4 lần, thậm chí có nơi cao gấp 5 đến 6 lần thu nhập của nhân viên y tế tại cơ sở y tế công lập.
Nội dung: Minh Nhật
Thiết kế: Thủy Tiên
06/06/2023