Tái diễn xe quá khổ, quá tải với nhiều thủ đoạn tinh vi
Nhịp sống - Ngày đăng : 00:20, 05/06/2023
Tái diễn xe quá tải trên đường đê sông Hồng
Theo Bộ Công an, xe quá khổ, quá tải là nguyên nhân tiềm ẩn của các vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng, gây mất an toàn giao thông. Cùng với đó là những thiệt hại không nhỏ về kinh tế để chi phí, khắc phục hạ tầng giao thông bị hư hỏng do xe quá khổ, quá tải gây ra.
Thực hiện ý kiến chỉ đạo của lãnh đạo Bộ Công an, thời gian qua, lực lượng cảnh sát giao thông tại các địa phương trong cả nước đã đồng loạt truy quét, xử lý vi phạm xe quá khổ, quá tải trọng.
Đến nay đã có nhiều chuyển biến tích cực về tình hình trật tự an toàn giao thông, số xe quá khổ quá tải đã giảm đáng kể so với thời gian trước. Tuy nhiên, tại một số địa bàn vốn được coi là điểm "nóng", gần đây, hoạt động của các xe có dấu hiệu quá khổ, quá tải lại đang tái diễn với nhiều thủ đoạn tinh vi.
Nhóm phóng viên của Chuyển động 24h đã ghi được những hình ảnh tại địa bàn một số huyện ven đê Sông Hồng ở tỉnh Hưng Yên.
Tại các tuyến đường liên xã thuộc địa bàn Huyện Kim Động, tỉnh Hưng Yên, hết lượt xe tải này qua, xe khác lại tới. Càng nhiều xe chạy, những rủi ro trên tuyến đường lại gia tăng thêm. Thực tế đã xảy ra tai nạn thương tâm mà hậu quả chẳng ai mong muốn.
Dọc tuyến đê sông Hồng, trên địa bàn các huyện Kim Động, Khoái Châu, Ân Thi…, có nhiều bãi tập kết cát hoạt động với quy mô lớn. Các xe tải nối đuôi nhau vào các khu vực này ăn "hàng". Sau khi chở đầy cát, lập tức những phương tiện này leo lên tuyến đê, len lỏi qua các khu dân cư rồi tỏa đi nhiều hướng.
Để gia tăng tải trọng và chở thêm cát, nhiều xe tải loại HOWO đã có dấu hiệu cơi nới thành thùng cao gấp đôi. Chỉ quan sát bằng mắt thường cũng có thể dễ dàng nhận ra phần thùng xe đã được hàn thêm. Theo cách gọi của dân trong nghề thì đây là những chiếc xe đã được cơi cứng.
Rất nhiều lý do được các tài xế cho là chính đáng để lý giải về sự tồn tại của những chiếc xe đã cơi nới tải trọng. Thế nên, không chỉ cơi nới, nhiều xe tải chở cát còn đắp ngọn. Dọc tuyến đê song Hồng, những tấm biển báo giới hạn tải trọng tối đa được cắm ở nhiều vị trí nhưng có vẻ như các xe tải chẳng mấy quan tâm.
Nhiều ngày có mặt, nhóm phóng viên phát hiện dọc tuyến đê có nhiều đối tượng làm nhiệm vụ cảnh giới, thường xuyên quan sát, theo dõi các xe có biển số lạ đến đây để kịp thời thông báo cho các đầu xe dừng hoạt động nếu phát hiện có người ghi hình.
Đã có nhiều trường hợp xe cơi nới, chở quá tải trọng bị phát hiện xử lý. Nhưng sau đó, các tài xế lại có nhiều thủ đoạn tinh vi để tái diễn. Hoạt động của các phương tiện này thực sự là một thách thức trong công tác kiểm soát của lực lượng chức năng, nhất là khi hiện nay trên địa bàn tỉnh Hưng Yên có nhiều dự án đang được triển khai nên nhu cầu vận tải chở cát san lấp mỗi ngày là rất lớn.
Thủ đoạn tinh vi cơi thủy lực để chở quá tải
Thống kê xử phạt của Phòng Cảnh sát giao thông Công an tỉnh Hưng Yên, từ đầu năm đến nay, đơn vị này đã xử lý gần 600 trường hợp xe cơi nới tải trọng với tổng số tiền phạt khoảng 3,9 tỉ đồng. Con số này đã phần nào thấy được nỗ lực và sự quan tâm xử lý đối với xe cơi nới tải trọng của lực lượng cảnh sát giao thông trên địa bàn.
Có thể có nhiều lý do để lý giải về việc tái diễn tình trạng xe cơi nới tải trọng, chẳng hạn như các xe vi phạm hoạt động tinh vi, có người cảnh giới, theo dõi lực lượng chức năng, khi nào có tổ công tác xử lý thì dừng hoạt động, sau đó mới chạy tiếp… Thậm chí, các tài xế xe tải còn rỉ tai nhau về một thủ đoạn mới, rất tinh vi, được sử dụng để chở quá tải với tên gọi là "cơi thủy lực".
Nhìn bề ngoài, nhiều người tưởng rằng thùng của chiếc xe tải đã trở về nguyên bản, nghĩa là không có hiện tượng cơi nới thêm để chở quá tải. Nhưng sự thật thì lại không phải như vậy vì ở bên trong một gara sửa chữa, mọi chuyện bắt đầu được hé lộ.
Theo ghi nhận của phóng viên, một thùng xe đã được cơi bằng hệ thống thủy lực có thể nâng lên hạ xuống bằng một nút bấm. Vốn dĩ thùng của xe tải là bộ phận cố định theo thiết kế của nhà sản xuất nhưng với công nghệ cơi nới tinh vi này, chiếc xe chẳng khác gì một con robot biến hình, có thể tùy ý điều khiển nâng lên hạ xuống. Một thợ cơ khí chỉ ra một số dấu hiệu đặc trưng của những chiếc xe tải đã thiết kế hệ thống cơi thủy lực. Chẳng hạn như phần phía sau thùng xe luôn được hàn cao hơn so với kích thước ban đầu.
Không phải ngẫu nhiên trên thành của những xe tải được thiết kế thêm tấm bạt được vít chắc chắn. Mục đích chính của nó là để che giấu đi phần thành thùng xe đã được cơi nới bằng hệ thống thủy lợi.
Vì thủ đoạn cơi thủy lực là hành vi vi phạm khi làm thay đổi kết cấu thùng xe nên theo tiết lộ của nhiều tài xế trong nghề, không phải gara sửa chữa ô tô nào cũng nhận làm. Để tránh bị phát hiện, gần như gara chỉ thiết kế cho những nhà xe đã quen mặt trên địa bàn.
Việc cơi nới tải trọng sẽ gia tăng thêm lợi nhuận cho các chủ xe làm dịch vụ vận tải. Với mức cơi thùng tối đa lên đến 40 cm bằng kích thủy lực đồng nghĩa trọng tải của xe sẽ tăng thêm gấp đôi, thậm chí gấp ba. Rủi ro với những xe này thì không thể lường trước được.
Thực tế tại khu vực các huyện Kim Đông, Khoái Châu…, nhóm phóng viên đã phát hiện nhiều phương tiện chở cát có dấu hiệu cơi thủy lực hàng ngày vẫn di chuyển trên các tuyến đê hoặc tỉnh lộ trên trên địa bàn. Các xe này khi chở cát sẽ lên cơi với thủ đoạn tinh vi, nếu không biết sẽ khó có thể nhận ra những thùng xe đã được trang bị thêm tính năng "biến hình" này.
Xử lý nhiều xe tải cơi thủy lực chở quá tải
Sau khi tiếp nhận thông tin phản ánh về dấu hiệu xe tải cơi thủy lực đang hoạt động trên địa bàn, tổ xử lý vi phạm cơ động của Phòng cảnh sát giao thông công an tỉnh Hưng Yên đã xử lý một phương tiện vi phạm trên tuyến. Thủ đoạn cơi thủy lực của một số nhà xe đã bị vạch trần.
Trong quá trình tuần tra kiểm soát, phát hiện chiếc xe tải này có dấu hiệu nghi vấn cơi nơi thùng xe, tổ công tác đã yêu cầu dừng lại kiểm tra. Dù trên xe đang chất đầy cát nhưng khi gặp cảnh sát giao thông, tài xế cũng chẳng thể hạ thành thùng được nữa. Hành vi thay đổi cải tạo kết cấu thùng xe bằng hệ thống kích thủy lực đã bị vạch trần sau đó. Một thiết bị có nhiều nút bấm được xác định là bộ điều khiển để tài xế có thể nâng lên hay hạ thành thùng xe xuống tùy ý.
Một chiếc xe tải khác cũng bị phát hiện với hành vi vi phạm tương tự. Thời điểm kiểm tra, trên xe không có cát, tài xế đã nhấn nút hạ thành thùng về gần như nguyên bản nhưng thủ đoạn "cơi thủy lực" vẫn bị phát hiện.
Theo thống kê của Phòng Cảnh sát giao thông Công an tỉnh Hưng Yên, từ đầu năm 2023 đến nay đã phát hiện xử lý 10 trường hợp xe tải có hành vi cơi nới bằng hệ thống kích thủy lực. Đây được coi là một thủ đoạn mới của các đối tượng sử dụng để chở quá tải nhằm mục đích gia tăng lợi nhuận khi chở hàng, nhất là sau thời điểm Bộ Công an chỉ đạo truy quét xử lý nghiêm khắc và triệt để tình trạng xe quá khổ, quá tải trên cả nước.
Với những trường hợp bị phát hiện về hành vi cơi thủy lực, ngoài việc phải nộp phạt vi phạm hành chính, tước đăng kiểm vì lỗi tự ý thay đổi kết cấu xe, một yêu cầu bắt buộc là các xe vi phạm sẽ phải cắt hạ cơi trở về nguyên bản. Để ngăn chặn có hiệu quả tình trạng này, bên cạnh việc xử lý nghiêm túc của cơ quan chức năng, phải cần thêm ý thức chấp hành quy định của các doanh nghiệp, chủ xe.