Bộ trưởng Đặng Quốc Khánh nêu 6 giải pháp bảo vệ biển, kêu gọi cả nước chung tay
Xã hội - Ngày đăng : 16:34, 04/06/2023
Phát biểu tại lễ phát động Tuần lễ Biển và Hải đảo Việt Nam sáng 4/6, Bộ trưởng Tài nguyên và Môi trường Đặng Quốc Khánh nêu rõ, phát triển bền vững kinh tế biển là chủ trương lớn của Đảng, Nhà nước với quan điểm phát triển bền vững kinh tế biển trên nền tảng tăng trưởng xanh, bảo tồn đa dạng sinh học, các hệ sinh thái biển; bảo đảm hài hoà giữa các hệ sinh thái kinh tế và tự nhiên, giữa bảo tồn và phát triển, giữa lợi ích của địa phương có biển và địa phương không có biển.
Tuy nhiên, Bộ trưởng Tài nguyên và Môi trường nhìn nhận, với khoảng 50% dân số cả nước sống ở các vùng đất thấp và ven biển, Việt Nam được đánh giá là một trong các quốc gia dễ bị tổn thương và chịu nhiều tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu, ô nhiễm môi trường, nước biển dâng.
"Điều đó đặt ra nhiều thách thức đối với việc thực hiện các mục tiêu xoá đói giảm nghèo, các mục tiêu phát triển thiên niên kỷ và phát triển bền vững của đất nước, đòi hỏi chúng ta phải có những giải pháp ứng phó thiết thực và kịp thời", ông Đặng Quốc Khánh nói.
Theo Bộ trưởng Đặng Quốc Khánh, những năm qua công tác bảo vệ môi trường, quản lý tài nguyên biển và hải đảo của Việt Nam đã được chú trọng nhưng vẫn còn nhiều khó khăn thách thức.
"Tại buổi lễ trọng thể này, tôi xin tuyên bố phát động Tuần lễ Biển và Hải đảo Việt Nam, Tháng hành động vì Môi trường hưởng ứng Ngày Đại dương thế giới, Ngày Môi trường thế giới năm 2023.
Tôi kêu gọi các Bộ, ngành, cơ quan đoàn thể ở Trung ương, chính quyền địa phương, các tổ chức, cá nhân và doanh nghiệp hãy có những hành động thiết thực để giải quyết vấn đề ô nhiễm chất thải nhựa, góp phần bảo vệ môi trường, bảo vệ biển và đại dương; khai thác, sử dụng bền vững tài nguyên biển và hải đảo", Bộ trưởng Tài nguyên và Môi trường nhấn mạnh.
Để thực hiện tốt lời kêu gọi, ông Đặng Quốc Khánh nêu 6 giải pháp nhằm tăng cường bảo vệ môi trường, khai thác và sử dụng bền vững tài nguyên biển và hải đảo.
Thứ nhất là ứng xử có trách nhiệm với biển và đại dương theo chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và luật pháp quốc tế. Khắc phục và loại bỏ tư tưởng chạy theo lợi ích kinh tế trước mắt mà coi nhẹ việc duy trì, bảo vệ môi trường, thúc đẩy hơn nữa việc phát triển cộng đồng văn minh sinh thái biển; coi đây là tiêu chuẩn về đạo đức, văn hóa của mỗi cơ quan, tổ chức, cộng đồng, doanh nghiệp và người dân.
Thứ hai là quản lý, bảo vệ môi trường và phát triển bền vững biển và hải đảo, triển khai có hiệu quả các chiến lược, chính sách phù hợp để hạn chế rác thải nhựa đại dương, bảo tồn đa dạng sinh học, phục hồi các hệ sinh thái biển. Phát triển đồng bộ kết cấu hạ tầng ven biển, tăng cường liên kết với vùng nội địa.
Thứ ba, tập trung ưu tiên đầu tư, đẩy mạnh công tác điều tra cơ bản, nghiên cứu khoa học, công nghệ, phát triển nguồn nhân lực biển chất lượng cao; Tăng cường công tác bảo vệ môi trường, đặc biệt là vùng biển ven bờ, xử lý các nguồn ô nhiễm, nói không với rác thải nhựa…
Bốn là tận dụng tối đa lợi thế để phát triển các ngành du lịch và dịch vụ biển để Việt Nam trở thành điểm đến hấp dẫn của thế giới; khai thác đồng bộ, hiệu quả các cảng biển và dịch vụ vận tải biển; nâng cao hiệu quả khai thác các tài nguyên khoáng sản biển gắn với chế biến sâu…
Đồng thời, Bộ trưởng Đặng Quốc Khánh cho rằng cần hỗ trợ, khuyến khích doanh nghiệp, người dân đầu tư, sản xuất, sử dụng các loại vật liệu thân thiện với môi trường thay thế cho các bao bì, sản phẩm khó phân hủy; triển khai chính sách ưu đãi, miễn, giảm thuế sản phẩm, vật liệu thân thiện môi trường thay thế sản phẩm nhựa sử dụng một lần, túi nilon khó phân hủy và vật liệu có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường.
Bộ trưởng Tài nguyên và Môi trường Đặng Quốc Khánh khẳng định cần tiếp tục mở rộng và tăng cường hợp tác với các quốc gia, các đối tác, tổ chức quốc tế và khu vực trên cơ sở tôn trọng chủ quyền, quyền và các lợi ích hợp pháp của các quốc gia ven biển, tuân thủ luật pháp quốc tế, UNCLOS 1982, bảo đảm an ninh và an toàn hàng hải, góp phần xây dựng môi trường hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển.
Lãnh đạo Bộ Tài nguyên và Môi trường lưu ý thực hiện tốt công tác tuyên truyền, giáo dục và nâng cao nhận thức về biển đảo của Tổ quốc, ý thức bảo vệ tài nguyên và môi trường biển; biến nhận thức thành ý thức tự giác và hành động cụ thể, thiết thực ở mỗi cấp, mỗi ngành, mỗi doanh nghiệp và từng cá nhân...
"Mỗi người dân, doanh nghiệp và các tổ chức trong xã hội sẽ là những hạt nhân tích cực và hăng hái, đóng vai trò quan trọng trong tiến trình giảm thiểu ô nhiễm nhựa, bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu đồng thời phát huy các tiềm năng lợi thế của biển, thực hiện phát triển kinh tế đất nước theo hướng bền vững, tạo tiền đề cho Việt Nam ta tiến gần đến mục tiêu xây dựng một tương lai “sống hài hòa với thiên nhiên” vào năm 2050", Bộ trưởng Tài nguyên và Môi trường Đặng Quốc Khánh nói thêm.