Cảnh báo lâu rồi, sao dân vẫn khổ vì mất điện
Nhịp sống - Ngày đăng : 08:26, 04/06/2023
Xót xa vì mất người, mất của
Tuần rồi, tôi lặng người khi đọc những bản tin liên quan đến mất điện. Trong cái nóng thiêu đốt của mùa hè, người dân đang oằn mình chống nóng. Câu chuyện 3 bố con ở Hải Phòng nằm ngủ trong ô tô khi nhà mất điện, để rồi cô con gái 20 tuổi ra đi mãi mãi, người bố và cậu con trai được đưa đi cấp cứu là chuyện quá đỗi đau lòng.
Hình ảnh chất đống hơn 1.000 con gà chết ngạt vì mất điện của ông Chu Văn Dũng (SN 1962) ở huyện Thạch Thất, Hà Nội cũng xót xa.
Tới đây, nhiều nhà máy cũng sẽ lâm cảnh dừng hoạt động nếu tình hình không cải thiện. Thiệt hại này khó lòng đo đếm nổi.
Từ khắp nơi, hình ảnh đường làng ngõ xóm tối om, người dân đổ ra đường, ra cánh đồng hóng gió liên tục được đăng tải. Trên mạng xã hội, người dân than thở ngày đêm, trách móc sao nỡ cắt điện vào ngày nóng bức.
Bạn bè tôi, lúc mất điện, người thì dắt díu nhau ra nhà nghỉ, người ra trung tâm thương mại, hay lên cơ quan để trốn nóng. Nhưng nhiều nơi, người dân chẳng có chỗ nào trốn cả.
Ký ức của 25-30 năm về trước bỗng ùa về. Khi ngành điện còn chưa phát triển, người dân quê tôi đối diện cảnh cắt điện luân phiên. Ngày đó chưa nhiều thiết bị điều hòa quạt mát như bây giờ, khí hậu cũng không nóng như hiện nay.
Dù được ngành điện cảnh báo từ đầu năm bằng những ngôn từ rất mạnh như "nguy cấp", "khẩn cấp", nhưng tôi vẫn không tưởng tượng được mùa hè này, tình hình lại nghiêm trọng đến thế. Không ai lên tiếng thừa nhận tình trạng “cắt điện luân phiên”, nhưng ai cũng hiểu, thiếu điện và quá tải là rõ ràng. Quá tải lưới điện làm cho sự cố tăng lên. Nếu không cắt điện, nguy cơ cháy nổ các trạm biến áp, đường dây là hiện hữu.
Các nhà máy điện cũng đang chạy hết công suất, nên nguy cơ hỏng hóc cũng tăng theo. Giống như con người vậy, làm nhiều thì sẽ mệt mỏi, ốm yếu. Nhiều tổ máy nhiệt điện gặp sự cố sau vài tháng cũng chưa sửa được. Nguồn điện dự phòng cũng đã dùng hết, cực chẳng đã mới phải cắt điện.
Không đầu tư mới, lấy đâu ra điện dân dùng
Điện không tự nhiên sinh ra, mà phải có sự đầu tư mới. Nhìn xa hơn, chuyện thiếu điện đâu phải bây giờ mới được nhắc đến. Từ cuối năm 2018, đầu năm 2019, ngành điện đã rầm rộ phát đi thông tin cảnh báo việc thiếu điện. Đến nỗi Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khi ấy đã phải đăng đàn tuyên bố: “Nếu để mất điện, một số đồng chí sẽ mất chức…”.
Không phải vì e ngại tuyên bố đó mà ngày ấy không mất điện như bây giờ. Covid-19 ập đến trong 2 năm 2020-2021, đã khiến nhu cầu tiêu thụ điện xuống thấp. Chẳng hạn năm 2020, tổng điện năng sản xuất của hệ thống điện là 245,89 tỷ kWh, giảm tới 19,5 tỷ kWh so với dự báo tại quy hoạch điện 7 điều chỉnh (khoảng 7,4%). Điện được "cứu" trong thời kỳ này.
Giờ đây, tình hình đã khác. Thủy điện cạn nước, nhiệt điện chạy hết công suất, điện gió điện mặt trời không thấm vào đâu do phụ thuộc vào ông trời. Nhu cầu dùng điện lại tăng không thấy đỉnh. Mất điện cũng vì thế mà trầm trọng hơn. Tải điện từ Nam ra Bắc cũng chẳng thể lúc nào cũng thông suốt do đường truyền tải chưa đáp ứng được. Giống như con đường cao tốc, xe cộ đã ùn ứ thì không thể tiếp nhận thêm xe nào lưu thông nữa.
Giá như các nguồn điện có tính ổn định được triển khai nhiều hơn, nhanh hơn, thì giờ đã khác đi ít nhiều. Nhưng suốt từ 2016-2020, không một dự án nhiệt điện nào được khởi công. Đơn cử như nhiệt điện Quảng Trạch 1 ở Quảng Bình, trình lên từ 2017 nhưng mãi đến tháng 12/2021 mới được chính thức khởi công.
Còn quy hoạch điện 7 điều chỉnh (ban hành năm 2016) đặt mục tiêu đến năm 2020, tổng công suất điện khí là khoảng 9.000 MW, sản xuất khoảng 44 tỷ kWh điện, chiếm 16,6% sản lượng điện sản xuất. Thế mà đến nay, 2023 rồi vẫn chẳng có thêm dòng điện khí nào hòa lưới.
Đáng buồn là, làm thêm một nhà máy điện mới đâu phải ngày một ngày hai, mà phải mất 5-7 năm, thậm chí 10 năm. Thế nên, tình hình này dự kiến sẽ còn kéo dài trong mấy năm tiếp theo.
Cho nên lúc này chỗ nào tiết kiệm điện được thì phải tiết kiệm. Nhiều người cười khi TP.HCM ra văn bản yêu cầu cán bộ công chức hạn chế mặc vest. Nhưng với tôi, đó là một chỉ đạo có trách nhiệm. Điều hòa bật cao hơn 1-2 độ cũng góp phần đáng kể giảm tiêu thụ điện khi đây là thiết bị ngốn điện nhất. Những phòng họp lạnh ngắt, đại biểu co ro trong khi ngoài kia, dân oằn mình vì nóng bức, cắt điện là những hình ảnh đối lập không nên có.
Các đại biểu Quốc hội ngoài việc hỏi những câu như tại sao thừa điện tái tạo không được phát lên lưới mà lại đi nhập khẩu điện, thì cần hỏi thêm những tư lệnh ngành các câu hỏi then chốt hơn. Đó là bao nhiêu nhà máy trong quy hoạch điện 8 vài ba năm tới sẽ hoàn thành, bao nhiêu đường dây được xây mới... Cần có một sự cam kết rõ ràng! Đó chính là những con số có thể định lượng được, phản ánh năng lực và trách nhiệm của nhà quản lý, của các vị tư lệnh ngành, làm cơ sở lấy phiếu tín nhiệm cuối nhiệm kỳ.
Lúc này, các lãnh đạo phải xắn tay vào làm. Muộn còn hơn không. Nếu không, vài năm nữa, mất điện kéo dài mà chả ai chịu trách nhiệm gì cả.