Điểm tin kinh doanh 3/6: Vàng tiếp đà hồi phục
Kinh doanh - Ngày đăng : 06:00, 03/06/2023
- Vàng tiếp đà hồi phục
Giá vàng thế giới tiếp tục tăng, đạt 1.977 USD/ounce - ghi nhận mức cao nhất trong vòng 1 tuần.
Giá vàng hôm 2/6 trên thị trường thế giới tiếp tục tăng, đạt 1.977 USD/ounce - ghi nhận mức cao nhất trong vòng 1 tuần. So với sáng hôm 1/6, kim loại quý tăng gần 10 USD. Kim loại quý gia tăng nhờ đồng USD giảm sau khi dữ liệu kinh tế yếu của Mỹ dấy lên khả năng Cục Dự trữ liên bang (Fed) sẽ không nâng lãi suất trong cuộc họp tháng 6.
Giá vàng SJC tại thị trường tự do sáng 2/6 cũng tăng theo xu hướng thế giới. Cụ thể, giá vàng SJC tại thị trường TP.HCM giao dịch mua - bán quanh mức 66,45 – 67,05 triệu đồng/lượng.
Tại Hà Nội và Đà Nẵng, giá vàng SJC giao dịch mua - bán trong khoảng 66,45 – 67,07 triệu đồng/lượng. Các thị trường trên đều tăng 50.000 đồng/lượng chiều mua và chiều bán ra so với chốt phiên trước. Chênh lệch mua – bán là 600.000 đồng/lượng.
Giá vàng SJC tại Tập đoàn Doji, niêm yết trên thị trường Hà Nội, mua - bán quanh mức 66,4 – 67 triệu đồng/lượng, đi ngang cả chiều mua vào và chiều bán ra so với chốt phiên trước. Chênh lệch mua - bán là 600.000 đồng/lượng.
Giá vàng SJC tại công ty Phú Quý 66,4 – 67 triệu đồng/lượng, đi ngang cả chiều mua vào và chiều bán ra so với chốt phiên trước. Chênh lệch mua – bán là 600.000 đồng/lượng.
Giá vàng nhẫn sáng 2/6 cơ bản đi ngang so với phiên trước. Cụ thể, vàng nhẫn tròn trơn Phú Quý 24K được công ty Phú Quý niêm yết (mua - bán) ở mức 55,6 – 56,5 triệu đồng/lượng, đi ngang cả chiều mua vào và chiều bán ra so với chốt phiên trước. Chênh lệch mua - bán 1,1 triệu đồng/lượng.
Vàng nhẫn Doji 9999 của Tập đoàn Doji niêm yết giá mua - bán tại Hà Nội quanh mức 55,05 – 56,2 triệu đồng/lượng, đi ngang cả chiều mua vào và chiều bán ra so với chốt phiên trước. Chênh lệch mua – bán là 1,15 triệu đồng/lượng. So với giá mở cửa phiên sáng qua, đơn vị này đã giảm đến 250.000 đồng/lượng vàng nhẫn.
- Đưa dịch vụ viễn thông cơ bản trên internet (OTT) vào quản lý
Dự thảo Luật Viễn thông (sửa đổi) đưa ra các quy định quản lý dịch vụ viễn thông cơ bản trên Internet (gọi tắt là OTT viễn thông).
Sáng 2/6, tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) Nguyễn Mạnh Hùng, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày Tờ trình về dự án Luật Viễn thông (sửa đổi).
Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho biết, Dự thảo Luật gồm 10 chương, 74 điều. Mục đích xây dựng Luật nhằm thể chế hóa đầy đủ, đúng chủ trương của Đảng về phát triển kinh tế thị trường có sự điều tiết của nhà nước trong hoạt động viễn thông, phát triển hạ tầng viễn thông và các hạ tầng khác tạo nền tảng cho phát triển kinh tế số, xã hội số.
Về quản lý dịch vụ viễn thông cơ bản trên Internet, theo Bộ trưởng Bộ TT&TT, các dịch vụ viễn thông cơ bản trên Internet (gọi tắt là OTT viễn thông) được sử dụng ngày càng phổ biến, có khả năng thay thế cho các dịch vụ viễn thông trong khi pháp luật hiện hành chưa có quy định quản lý, dẫn đến không bảo đảm quyền lợi của người sử dụng, an toàn, an ninh thông tin.
Dự thảo Luật đưa ra các quy định quản lý dịch vụ viễn thông cơ bản trên Internet theo nguyên tắc: Đưa khái niệm dịch vụ viễn thông cơ bản trên Internet vào dự thảo Luật, việc phân loại cụ thể dịch vụ này do Chính phủ quy định chi tiết.
Luật giao Chính phủ quy định chi tiết về quản lý việc cung cấp xuyên biên giới và hình thức cấp phép đối với các dịch vụ viễn thông mới trong đó có dịch vụ viễn thông cơ bản trên Internet để đảm bảo tính linh hoạt trên nguyên tắc quản lý bình đẳng giữa doanh nghiệp trong nước và nước ngoài, đồng thời, vẫn đảm bảo cơ chế khuyến khích các dịch vụ mới phát triển.
- Hơn 70% số tiền đầu tư của bảo hiểm đổ vào trái phiếu Chính phủ và tiền gửi ngân hàng
Theo Luật kinh doanh bảo hiểm, việc đầu tư vốn của doanh nghiệp bảo hiểm phải bảo đảm an toàn, hiệu quả và đáp ứng được yêu cầu chi trả thường xuyên cho các cam kết theo hợp đồng bảo hiểm.
Chính vì vậy, doanh nghiệp bảo hiểm chỉ được sử dụng vốn nhàn rỗi của mình để đầu tư ở Việt Nam trong các lĩnh vực sau đây: Mua trái phiếu Chính phủ; Mua cổ phiếu, trái phiếu doanh nghiệp; Kinh doanh bất động sản; Góp vốn vào các doanh nghiệp khác; Cho vay theo quy định của Luật các tổ chức tín dụng; Gửi tiền tại các tổ chức tín dụng.
Cục quản lý giám sát bảo hiểm (Bộ Tài chính) cho biết, với yêu cầu đặc thù của hoạt động kinh doanh bảo hiểm là luôn phải bảo đảm năng lực tài chính nhằm đáp ứng cam kết dài hạn của các hợp đồng bảo hiểm (đặc biệt trong lĩnh vực bảo hiểm nhân thọ), các doanh nghiệp bảo hiểm luôn ưu tiên lựa chọn các tài sản tài chính có tính an toàn cao và thời hạn dài, như trái phiếu Chính phủ và tiền gửi ngân hàng với tỷ trọng đầu tư từ 70% trở lên.
Chẳng hạn như Chubb Life, Báo cáo tài chính năm 2022 cho thấy, trong gần 10.000 tỷ đầu tư trái phiếu thì có đến 90% là trái phiếu Chính phủ và trái phiếu được Chính phủ bảo lãnh. Đây là mức rất thận trọng so với thị trường chung.